LTS: Tiếp tục chia sẻ những góc khuất trong việc chấm thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Trung học phổ thông Quốc gia, thầy giáo Hữu Sơn mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những điều chỉnh để hạn chế tiêu cực.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tiếp bài "Thầy Kiên Trung lật tẩy "tử huyệt và chiêu trò" trong thi quốc gia" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 9/8/2018, tôi muốn gửi đến bạn đọc cả nước những “chiêu” độc trong khâu chấm thi trong tuyển sinh vào lớp 10 và thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Các lý do chính khiến một số phụ huynh (chủ yếu là cán bộ, giáo viên, gia đình kinh tế khá giả) lo “chạy” khâu chấm thi cho con em mình.
Con em không làm được bài, có nguy cơ không đỗ đại học, không trúng nguyện vọng 1 vào lớp 10…
Mặc dù lúc thi đã “chạy”, đã nhận được sự “hỗ trợ”, “giúp đỡ” của một hoặc một số cán bộ, giám thị, thanh tra trong hội đồng coi thi nhưng khi về nhà con em cảm thấy chưa yên tâm, chưa chắc chắn nên phụ huynh “chạy” tiếp công đoạn chấm thi.
Nhiều vụ việc gian lận thi cử xảy ra thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ảnh: Laodong.vn |
Phụ huynh “chạy” trót lọt cho con em mình các năm trước, lại giới thiệu, truyền đạt manh mối, đối tượng “lo” được cho các phụ huynh khác, năm sau có nhu cầu gửi gắm, chạy chọt.
Số lượng phụ huynh “chạy” khâu chấm thi (kể cả khâu coi thi, khâu phúc khảo) ngày một nhiều thêm, thành thứ “bệnh” đáng sợ của xã hội, của ngành giáo dục hiện nay.
Mặt khác, một số cán bộ, thầy, cô giáo ở Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo và trường phổ thông thường xuyên tham gia hội đồng chấm thi vào lớp 10, thi Trung học phổ thông Quốc gia, các năm trước “kiếm ăn”, trục lợi được từ một số phụ huynh có nhu cầu “chạy”, gửi gắm con em, nay đến mùa chấm thi lại nảy sinh ý giới thiệu, gợi mở những phụ huynh quen biết, những phụ huynh qua khâu trung gian có nhu cầu cần điểm, cần đỗ đại học, vào lớp 10 theo ý muốn thì liên hệ, gặp gỡ, thỏa thuận…
Bộ Giáo dục lên tiếng khi thí sinh Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn là các thủ khoa |
Có cán bộ, giáo viên “chuyên” làm việc này còn bày biểu con em phụ huynh làm ký hiệu riêng, đánh dấu bài khi nộp các bài thi cho giám thị tại hội đồng coi thi, điểm thi để dễ nhận diện khi chấm.
Đến lúc chấm thi là sự cấu kết, thông đồng, dàn xếp chặt chẽ, tinh vi giữa bộ phận làm phách; phó chủ tịch hội đồng chấm (thậm chí chủ tịch hội đồng chấm); thư ký phụ trách từng môn và các môn; tổ trưởng, tổ phó tổ chấm phụ trách, điều hành, theo dõi trực tiếp và một số giám khảo.
Các bài thi của “gà” (thí sinh) đã có dấu hiệu riêng từ trước, một nhóm bộ phận, con người trong hội đồng chấm thi ấy dễ dàng “truy tìm” ra nó và chuyển cho các giám khảo, người thuộc của mình chấm.
Trường hợp, bài thi của “gà” có chỗ tính toán sai hoặc còn thiếu thì các giám khảo sửa lại, viết bổ sung thêm (tất nhiên cố gắng giả giống con số, chữ viết của thí sinh ấy).
Cũng có trường hợp phụ huynh gửi “gà” một cách hú họa, hên - xui qua một số cán bộ, giám khảo quen biết.
Nếu các giám khảo chấm trúng bài thi đó (biết được ký hiệu, đặc điểm riêng của bài thi do phụ huynh cung cấp) thì điểm sẽ như ý.
Khả năng thành công của kiểu gửi gắm này không cao.
Gửi gắm, “chạy” điểm từ một số vị lãnh đạo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhất là bộ phận, phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục là chắc ăn hơn cả.
Vụ gian lận, tiêu cực, sửa điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình gây chấn động dư luận xã hội và ngành giáo dục đều xuất phát từ các con người, cán bộ của Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, trong số đó nhiều người đã bị công an khởi tố, bắt tạm giam.
Thầy Kiên Trung lật tẩy "tử huyệt và chiêu trò" trong thi quốc gia |
Với cách làm bài thi theo hình thức trả lời trên phiếu trắc nghiệm khi mà đưa vào máy chấm không cần đánh phách, cắt phách như bài thi tự luận thì nguy cơ tiêu cực, gian lận, vi phạm quy chế càng cao, vì biết trường, họ tên, số báo danh thí sinh hết.
Ở Hà Giang, điểm thi môn Ngữ văn trùng khớp giữa biên bản với điểm công bố, còn ở Sơn La, 17 bài thi môn Ngữ văn có điểm trên biên bản khác điểm công bố.
Bài thi trắc nghiệm các môn thi, Hà Giang thì file quét trả lời trắc nghiệm không bị sửa chữa, thay thế (330 bài), còn tại Sơn La, một số phiếu trả lời trắc nghiệm có dấu hiệu sửa chữa, tẩy xóa.
Một số cán bộ, thầy cô giáo tham gia hội đồng chấm thi quốc gia ở Hà Giang và Sơn La có những cách thức, thủ đoạn khác nhau trong việc can thiệp, làm sai lệch kết quả thực của nhiều bài thi thí sinh.
Khẽ hở, bất cập, lỏng lẻo, yếu kém, không nghiêm từ ba yếu tố cốt lõi: quy trình (quy chế) - con người (đạo đức, trách nhiệm) và phát hiện xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm, dẫn đến nhiều tiêu cực, gian lận gây nhức nhối, bức xúc trong giáo dục, thi cử lâu nay mà điển hình, giọt nước làm tràn ly là vụ ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình vẫn chưa hết “nóng” trong suốt mấy tuần qua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu không kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện 3 yếu tố trên thì giáo dục, thi cử từ cấp địa phương đến cấp quốc gia tất sẽ loạn nữa.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, kinh nghiệm của riêng tác giả.