Nhiều khoản thu chưa rõ ràng
Theo đơn tố cáo thì từ khi bắt đầu đào tạo tín chỉ từ năm 2006, Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng (nay là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng) đến năm 2017 đã thu vượt trần học phí trái với quy định.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng đã cho dừng việc thu các khoản phí và lệ phí để hoàn thiên cơ sở pháp lý. |
Cụ thể là trái với Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của Chính phủ.
Theo đó, nhà trường đã tự thu thêm học phí tín chỉ thực hành, đồ án của sinh viên với hệ số là 1,2. Ví dụ một tín chỉ, sinh viên phải nộp 200.000 đồng thì nay phải nộp cao hơn là 240.000 đồng/tín chỉ.
Vào đầu năm 2013, Giáo sư Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng (nghỉ quản lý từ giữa năm 2018) về trường họp giao ban đã yêu cầu không được phụ thu học phí nữa. Tuy nhiên, chỉ đạo này vẫn không được nhà trường tiếp thu và khắc phục.
Nhận diện các khoản thu ngoài học phí |
“Việc phụ thu học phí diễn ra từ năm 2006-2017 mới chấm dứt khi Phó Giáo sư Ngô Văn Dưỡng – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng về họp chỉ đạo không được thu.
Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao thanh tra, kiểm tra nội bộ và thanh tra, kiểm toán nhà nước hàng năm lại không phát hiện vấn đề này và yêu cầu khắc phục?” – đơn tố cáo nêu.
Cũng theo đơn tố cáo này thì nhà trường đã cho thu tiền cấp bảng điểm quá trình học tập là 5.000 đồng/một bảng điểm và lệ phí xét tốt nghiệp là 50.000 đồng/học sinh.
Người tố cáo cho rằng, ngoài tiền học phí người học đã bị móc túi thêm vài lần nữa bởi các khoản thu này không được công khai, niêm yết rõ ràng.
Ngoài ra, đơn tố cáo cũng phản ánh việc sinh viên khi rút lui khỏi lớp học phần từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 phải nộp lệ phí 50% học phí của tín chỉ đã đăng ký.
Nhà trường đã “hợp lý hóa” khoản tiền này bằng tên mục chi là: “quản lý học phí rút lui học phần”. Số tiền này không có trong quy chế chi tiêu nội bộ và được chi nhiều trong năm cho một vài nhóm người.
“Xé rào” để đảm bảo chất lượng (!?)
Phó Giáo sư Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng cho biết, những nội dung trên cũng đã được phản ánh lên Đại học Đà Nẵng.
Ban giám hiệu nhà trường cho rằng việc thu phí với hệ số 1,2 là nhằm đảm bảo chất lượng dạy - học.Ảnh: TT |
Đại học Đà Nẵng và nhà trường đã làm việc và xử lý, đã có kết luận và hiện đang tiếp tục xem xét kỷ luật cán bộ vi phạm, để xảy ra sai sót.
Đại diện nhà trường lý giải việc thu phí với hệ số tín chỉ thí nghiệm, thực hành 1,2 là để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
“Với đặc thù là trường đào tạo nghề, kỹ thuật nên trang bị cơ sở cho vật chất như vật tư, hóa chất, nhà xưởng là rất lớn.
Trước đây thì 30 sinh viên thành một nhóm xuống xưởng thực tập. Sinh viên đông mà giờ thực hành, thực tập hạn chế, dụng cụ thực hành ít nên các em ít được trực tiếp thao tác, thực hành.
Do không đảm bảo chất lượng dạy – học nên nhà trường đã quyết định phải chia nhỏ nhóm thực hành, thực tập ra còn 10-15 em/nhóm, tăng thời gian học thực hành, tăng số tiết thầy cô dạy ở phòng thí nghiệm, xưởng thực hành…
Do đó, nhà trường đã họp và thống nhất tăng phụ thu hệ số tín chỉ lên 1,2 như kiểu học phần chất lượng cao”.
Hiệu trưởng nào để xảy ra lạm thu cứ cho vào “lò”, hết tiêu cực ngay |
Theo thầy Thọ thì mục đích của việc tăng này là nhằm đảm bảo chất lượng và cũng nhận được sự đồng thuận của sinh viên và cán bộ viên chức.
“Sau đó, giám đốc Đại học chỉ đạo dừng lại từ đầu năm 2017 nên nay không còn thu nữa”, thầy Thọ nói.
Về khoản thu rút lui học phần (50% tín chỉ đăng ký) thì thầy Thọ giải thích rằng là do đặc điểm của nhà trường trước đây là trường Cao đẳng nên sinh viên bỏ học giữa chừng rất nhiều, đăng ký học phần thay đổi liên tục.
Chỉ tính riêng năm học vừa qua, mỗi học kỳ “mất đi” khoảng 200-300 sinh viên hệ Cao đẳng. Phần lớn các em bỏ đi thi lên Đại học.
“Do đó, việc tổ chức lớp học (đã mở lớp học phần) rất khó khăn nên nhà trường phải đưa ra quyết định như vậy, điều này cũng thể hiện công khai trong niên giám.
Mục đích là để sinh viên khi đăng ký học phần phải cân nhắc hết sức kỹ càng”.
Về khoản thu 5.000 đồng/một bảng điểm và lệ phí xét tốt nghiệp là 50.000 đồng/sinh viên, đại diện nhà trường giải thích:
“Bảng điểm khi các em tốt nghiệp thì được cấp miễn phí, trong quá trình học tập các em xin nhiều lần nên nhà trường thu phí để phục vụ các khoản văn phòng phẩm.
Còn lệ phí xét tốt nghiệp 50.000 đồng/sinh viên thì để phục vụ các khoản như: chụp ảnh kỷ niệm lên nhận bằng, thuê lễ phục, cập nhật dữ liệu…
Đối với những khoản phí và lệ phí nêu trên, thầy Thọ khẳng định đã cho tạm dừng việc thu.
Nguyên nhân là các khoản thu này chưa có văn bản, quy định rõ ràng nên trường sẽ hoàn thiện.
Đối với tố cáo về những lùm xùm trong việc xét cấp học bổng cho sinh viên (cấp học bổng sai cho 1 đối tượng, 22 đối tượng khác thiếu minh chứng về giấy tờ);
Thầy Thọ cho hay, Đại học Đà Nẵng đã xuống kiểm tra và phát hiện ra một số sai sót. Và hiện đang trong quá trình xử lý kỷ luật cán bộ liên quan.
Hoa hồng chính là thủ phạm sinh ra lạm thu |
Phó Giáo sư Ngô Văn Dưỡng – Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tài chính đối với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật.
Qua đó, yêu cầu nhà trường tạm dừng thu đối với các khoản phí và lệ phí chưa quy định trong văn bản.
“Trường được giao tự chủ tài chính một phần nên có thể quyết định các khoản thu đó. Tuy nhiên, phải đưa ra thông báo cho sinh viên biết trước khi nhập học.
Hiện Đại học Đà Nẵng đã yêu cầu nhà trường nghiên cứu các văn bản pháp luật để làm căn cứ thu, trình Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng phê duyệt mới thực hiện”, thầy Dưỡng cho hay.
Cũng theo thầy Dưỡng thì số tiền trong vụ việc này không lớn, các khoản thu được chi rõ ràng cho sinh viên, không có dấu hiệu vụ lợi.
Nhà trường làm việc này cũng vì mục đích đảm bảo chất lượng dạy – học và sinh viên cũng không có phản ánh, khiếu nại gì.
Do đó, Đại học Đà Nẵng chỉ yêu cầu Ban giám hiệu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cán bộ, cá nhân liên quan.
“Lỗi này chưa đến mức phải xử lý kỷ luật nên chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm. Riêng trường hợp anh Trường (cấp học bổng sai đối tượng) thì bị xử lý kỷ luật”, thầy Dưỡng cho hay.