LTS: Bàn về câu chuyện “lạm thu” đầu mỗi năm học, cùng những mong chờ của các thầy cô giáo vào sự minh bạch trong quản lý và chi tiêu tài chính trong nhà trường, tác giả Nguyễn Cao gửi đến độc giả bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Năm học mới lại sắp bắt đầu, dư luận lại lo ngại về tình trạng lạm thu, giáo viên lại mong chờ vào sự liêm khiết, công tâm của các hiệu trưởng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Nhưng, liệu những “lo ngại” và “mong chờ” của phụ huynh và giáo viên trong các nhà trường có đủ để một số hiệu trưởng, kế toán nhà trường không để xảy ra tiêu cực hay không? Chắc chắn sẽ khó vô cùng nếu như pháp luật không nghiêm minh.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh, những hiệu trưởng nào để xảy ra tình trạng lạm thu, tiêu cực trong quản lý tài chính thì cứ bỏ vào “lò” xem còn ai dám biển thủ công quỹ nữa hay không.
Lạm thu là lừa đảo học trò và cha mẹ các em, không gì biện minh được |
Chúng ta đều biết rằng, ngân sách giáo dục hiện nay được phân chia và quản lý theo cấp quản lý nhà nước.
Đối với các cấp học trung học phổ thông do ngân sách nhà nước tỉnh (thành phố) quản lý và phân bổ.
Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì do ngân sách nhà nước quận (huyện) quản lý và phân bổ hàng năm.
Vì ngành giáo dục không sản xuất ra của cải vật chất nên ngân sách của ngành giáo dục nằm trong kế hoạch chi thường xuyên của nhà nước và được Quốc hội phê duyệt.
Chính vì phần lớn kinh phí được lấy từ ngân sách nhà nước nên các nhà trường thu - chi phải theo luật ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, các trường học còn có thêm một nguồn kinh phí khác nữa là học phí, lệ phí, các dịch vụ công, quà tặng của các cá nhận, tập thể trong và ngoài nước, các nguồn quỹ từ xã hội hóa…
Theo hướng dẫn hiện nay thì các khoản chi trong nhà trường có 2 khoản chi lớn là chi thường xuyên và chi không thường xuyên.
Chi thường xuyên là chi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, gồm:
Các khoản chi thanh toán cá nhân như: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, học bổng học sinh, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, các khoản đóng góp, các khoản thanh toán cá nhân.
Các khoản chi về hàng hóa dịch vụ như: dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, hội nghị, chi phí thuê mướn, chi công tác phí, sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn, chi phí nghiệp vụ chuyên môn.
Các khoản chi khác như: tiếp khách, công tác Đảng, hỗ trợ giải quyết việc làm…
Đối với các khoản chi không thường xuyên bao gồm: Chi thực hiện việc tinh giản biên chế theo chế độ của Nhà nước quy định (nếu có);
Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Các khoản chi khác theo quy định (nếu có)…
Mặc dù, kế hoạch chi tiêu nội bộ của từng đơn vị được phê duyệt hàng năm cụ thể nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có rất nhiều khoản chi bị nhà trường “nhập nhằng” và hay quên lãng những khoản liên quan đến quyền lợi của giáo viên và học sinh.
Nhiều khoản chi, quyết toán được hiệu trưởng, kế toán nhà trường âm thầm kê giá cao hơn để hưởng chênh lệch, hưởng hoa hồng như sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, cho phí thuê mướn, cho phí phục vụ chuyên môn, các cuộc thi, hội thi…
Cho dù các nhà trường đều có ban thanh tra nhân dân nhưng phần lớn các giáo viên kiêm nhiệm công việc này không có chuyên môn và cũng không dám đối thoại, tìm ra những tiêu cực trong việc chi tiêu của nhà trường.
Mỗi năm, có vài lần thanh, kiểm tra của cấp trên thì thanh tra nhân dân của nhà trường được kế toán đưa ra một số sổ sách chi tiêu rồi bảo kí.
Kí trang nào thì kế toán lật sẵn cho ký nên gần như thanh tra nhân dân cũng không biết nội dung mình đã kí là gì.
Giáo viên phần nhiều họ cũng ngán ngại và chỉ quan tâm đến 2 khoản mà mình có thể nhận được hàng tháng là tiền lương và tiền công tác phí (nếu đi công tác).
Vấn nạn lạm thu tiền trường cần phải được giải quyết (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn). |
Những vi phạm của các hiệu trưởng trong quản lý tài chính mà dư luận đã biết trong thời gian qua cho thấy với quy định hiện hành thì các hiệu trưởng nhà trường đang được giao rất nhiều quyền nên nhiều người họ đã lạm dụng quyền hành để vi phạm, trục lợi.
Chỉ tiếc, những đợt thanh tra, kiểm tra tài chính của cấp trên chưa thể đi hết được những góc khuất nơi cơ sở.
Nhiều người tố cáo dần đi vào ngõ cụt, thậm chí nản lòng trước những sai trái của lãnh đạo nhà trường.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong năm học vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các hiệu trưởng nhà trường phổ thông để xảy ra sai phạm trong quản lý và chi tiêu tài chính đã bị xử lý, nhiều người bị truy tố trước pháp luật như:
Hiệu trưởng Huỳnh Bê, Trường trung học cơ sở Ngô Mây (Đắk Lắk) ăn chặn tiền lương của giáo viên; Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thủy, Trường tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng); Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quyên, Trường tiểu học Lệ Xá (Tiên Lữ,Hưng Yên)…
Thực ra, đây chỉ là những trường hợp cá biệt - phần nổi của tảng băng chìm nhưng cũng đủ cho ta thấy được những tia hy vọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng đối với ngành giáo dục.
Và, cũng từ đó cho ta thấy rõ hơn một thực tế trong việc để xảy ra lạm thu hay chi tiêu tài chính sai quy định ở các trường học hiện nay.
Dù rằng, ai cũng biết trong quản lý nhà trường thì việc quản lí tài chính bao giờ cũng là chuyện khó khăn nhất, phức tạp nhất đối với các hiệu trưởng.
Bởi quản lý, chi tiêu như thế nào để đảm bảo được quyền lợi của mọi người trong đơn vị, chăm lo và chi trả các quyền lợi cho giáo viên đúng theo luật ngân sách nhà nước là điều không dễ gì các hiệu trưởng nhà trường làm tốt được.
Bởi thực tế luật, các hướng dẫn chi tiêu nội bộ thì rất rõ ràng nhưng nhiều hiệu trưởng lại hay lập lờ hoặc “quên” thì mới có thể tư lợi cho cá nhân mình.
Vì vậy, nhiều đơn vị nhà trường dẫn đến kiện cáo, thưa gửi lên cấp trên dẫn đến đơn vị mất đoàn kết và nghi ngờ nhau.
Niềm tin của giáo viên, nhân viên, phụ huynh và lãnh đạo cấp trên dành cho các hiệu trưởng bị mai một dần.
Dư luận đã nói nhiều về giáo dục, nhiều giáo viên cũng đang bất bình về sự minh bạch tài chính trong nhà trường.
Vì thế, điều mà dư luận cả nước mà nhất là đội ngũ giáo viên trong các nhà trường đang mong chờ vào sự minh bạch trong quản lý và chi tiêu tài chính trong nhà trường.
Chỉ khi nào có sự minh bạch tài chính trong đơn vị thì mới tạo được sự yên tâm và đoàn kết trong nhà trường và chất lượng giáo dục mới có thể nghĩ đến sự phát triển.
Và, hơn hết là tạo được niềm tin đối với phụ huynh học sinh - bởi chính họ đang phải đóng một số khoản tiền vô lý hàng năm mà không biết kêu ai.