Chương trình chưa công bố, Nhà xuất bản Giáo dục đã xong 1 bộ sách giáo khoa?

17/10/2018 14:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngoài bộ VNEN, bộ Công nghệ giáo dục và bộ sách "miền Nam" đã có sẵn đầu ra không ai cạnh tranh được, Nhà xuất bản Giáo dục còn bộ sách "miền Bắc" để đấu thầu.

Ngày 7/5/2018, báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về thực hiện Luật Xuất bản trong lĩnh vực sách giáo khoa, ông Vũ Bá Khánh - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội, công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết:

Đơn vị này đang tổ chức xuất bản một bộ sách giáo khoa mới, cùng học để phát triển năng lực, để tham gia một chương trình nhiều sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88/2014/QH13.

Ông Vũ Bá Khánh cho biết:

Bộ Giáo dục đang đá quả bóng VNEN, sách giáo khoa sang Trung ương, Quốc hội?

"Hiện nay chúng tôi đã biên soạn toàn bộ bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12, và đã có toàn bộ đề cương của bộ sách, hiện nay đã hoàn thành cơ bản cái lớp 1.

Khi Bộ Giáo dục triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội, chúng tôi tiếp tục được dạy thử nghiệm, đăng ký xuất bản, trình hội đồng quốc gia thẩm định duyệt, và chúng tôi sẽ làm động tác triển khai."

Ngày 2/8/2017, Báo Điện tử Vietnam+ có bài "Sẽ có bộ sách giáo khoa VNEN theo chương trình giáo dục mới" dẫn lời ông Vũ Bá Khánh cho biết:

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ triển khai ba bộ sách theo chương trình giáo dục mới. Một bộ do các tác giả miền Bắc biên soạn, một bộ do các tác giả miền Nam soạn và một bộ theo phương pháp giáo dục của mô hình trường tiểu học mới VNEN.”

Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội đã bắt tay vào việc chuẩn bị làm bộ sách giáo khoa mới (phát triển từ VNEN) này từ hơn một năm trước đó. 

Tổng số người tham gia là 156 người, bao gồm các nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, thạc sỹ và giáo viên đã đứng lớp giảng dạy theo mô hình VNEN. Thậm chí, sách cũng đã được đơn vị này dạy thử nghiệm ở một số nơi.

“Tất nhiên là hiện chúng tôi mới soạn theo chương trình giả định. Tới đây, khi Bộ ban hành chương trình môn học, chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp.”, ông Khánh nói. [1]

Báo Quân đội Nhân dân ngày 1/8/2017 đăng bài "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định đồng hành cùng VNEN", dẫn lời ông Vũ Bá Khánh nói rõ hơn:

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tham gia vào dự án VNEN. Chúng tôi khẳng định đồng hành đến cùng với chương trình này. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển (trái), ông Vũ Bá Khánh và nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Đặng Tự Ân (bên phải, ông Ân là chuyên gia trưởng Dự án VNEN) trong cuộc gặp báo chí ngày 1/8/2017 tại Hà Nội. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển (trái), ông Vũ Bá Khánh và nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Đặng Tự Ân (bên phải, ông Ân là chuyên gia trưởng Dự án VNEN) trong cuộc gặp báo chí ngày 1/8/2017 tại Hà Nội. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Hiện chúng tôi đã hoàn thiện tài liệu “Hướng dẫn học” theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại quyết định số 2263/QĐ-BGDĐT; rút kinh nghiệm những ưu điểm cũng như những mặt hạn chế của bộ Sách thuộc dự án VNEN để tổ chức bộ Sách giáo khoa mới và thiết bị dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh đạt chất lượng tốt hơn ở hai cấp tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình tổng thể và chương trình bộ môn.” [2]

Độc quyền chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, Nghị quyết 88/2014/QH13 bị "vô hiệu hóa" từ đầu?

Những tưởng rằng Quốc hội quy định 1 chương trình nhiều sách giáo khoa sẽ chống được độc quyền, ai dè chạy đâu cũng không ra khỏi "bàn tay" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một nhóm người.

Báo cáo Đoàn giám sát ngày 7/5/2018, ông Vũ Bá Khánh cho biết, hiện nay có 6 bộ sách giáo khoa tham gia chương trình mới theo Nghị quyết 88;

Trong đó có 5 bộ thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 1 bộ còn lại do một nhóm cựu lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành lập công ty tư nhân tổ chức biên soạn, cụ thể:

Bộ sách giáo khoa thứ nhất từ lớp 1 đến lớp 12, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức cho các tác giả miền Bắc biên soạn, sẽ dùng để "đấu thầu" làm bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ sách giáo khoa thứ hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam liên kết với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, do các tác giả miền Nam soạn, dùng cho thành phố Hồ Chí Minh và có thể cả các tỉnh phía Nam.

Bộ sách giáo khoa thứ ba là bộ công nghệ giáo dục của (nhóm) Giáo sư Hồ Ngọc Đại (Trung tâm Công nghệ giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) biên soạn, làm từ lớp 1 đến lớp 5.

Ngoài thầy Hồ Ngọc Đại, còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục có cổ phần bán sách?

Bộ sách giáo khoa thứ tư cũng thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai theo một ý tưởng riêng.

Bộ sách giáo khoa thứ năm, là bộ Cùng học để phát triển năng lực, phát triển từ VNEN.

Cả 5 bộ sách này đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ đạo biên soạn, ngoài bộ "miền Bắc" sẽ được dùng để "đấu thầu" làm bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 4 bộ còn lại đều đã có thị trường riêng và không đơn vị nào nhảy vào cạnh tranh được.

"Đối thủ cạnh tranh" duy nhất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay là Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị dạy học Việt Nam (VEPIC) mà cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Trần Ái làm Chủ tịch hội đồng quản trị.

Theo Báo cáo của Ban Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 (ngày 26/4), (không rõ bằng cách nào) VEPIC được giao nhiệm vụ "triển khai bộ sách giáo khoa mới" (của Bộ Giáo dục và Đào tạo). [3]

Phải chăng chính vì được "giao nhiệm vụ triển khai bộ sách giáo khoa mới" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên VEPIC đã huy động được 3 công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm cổ đông sáng lập?

Cũng chính VEPIC đã quy tụ được 80% thành viên ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên môn Toán (Giáo sư Đỗ Đức Thái), Chủ biên môn Khoa học tự nhiên (Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn).

Ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VEPIC giới thiệu với Đoàn giám sát danh sách Tổng chủ biên, một số chủ biên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đầu quân cho công ty này khi đang đảm đương công việc dự án. Ảnh: GDVN.
Ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VEPIC giới thiệu với Đoàn giám sát danh sách Tổng chủ biên, một số chủ biên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đầu quân cho công ty này khi đang đảm đương công việc dự án. Ảnh: GDVN.

VEPIC cũng báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hôm 7/5/2018 rằng các tác giả này đã viết xong sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Ngày 29/5/2018 bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

"Hiện nay đang thẩm định (các chương trình môn học). Về nguyên tắc, đang thẩm định thì chưa có gì mới.

Chưa có gì mới thì ai nói ra bất cứ điều gì liên quan đến biên soạn sách giáo khoa là không đúng. Phải có căn cứ. Đã có chương trình đâu mà có sách giáo khoa!"

Tuy nhiên, những điều Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết chỉ đúng về nguyên tắc, nói cách khác là lẽ ra phải như thế, nhưng thực tế thì khác.

Ngày 2/6/2018, Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi với Tổng chủ biên - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Nhưng có thông tin nơi này, nơi khác đã chuẩn bị sẵn bộ SGK mới để "đón trước" khi chương trình được ban hành?

Thầy Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

"Việc nghiên cứu, viết thử, tôi nghĩ là có. Tôi được biết có nhà xuất bản đang chỉ đạo làm một lúc 5 bộ sách. 

Chương trình chưa công bố, Nhà xuất bản Giáo dục đã xong 1 bộ sách giáo khoa? ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng?

Nhưng theo tôi hiểu, đây chỉ là những hoạt động có tính chất chuẩn bị, tập dượt. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ mà nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Nhưng khi chương trình chưa ban hành thì cho dù sách có viết ra cũng không đủ điều kiện thẩm định.

Kể cả có tổ chức, cá nhân nào nói là đã viết được sách từ lớp 1 đến lớp 12 thì đó vẫn không phải sách giáo khoa. 

Các bản thảo chỉ trở thành sách giáo khoa khi được hội đồng thẩm định thông qua và được bộ trưởng phê duyệt." [4]

Thực tế, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chưa hề qua thẩm định theo quy trình Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề cập, vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đại trà ra cả nước suốt từ năm 2012 đến nay đó thôi.

Kể cả hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu này và gạt ngay từ đầu việc xem xét nó có phải sách giáo khoa hay không, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vẫn được đưa vào trường dạy cho hơn 800 học sinh trên toàn quốc.

Sách giáo khoa VNEN đã được sử dụng đại trà trên cả nước, nhưng được gọi tên là "tài liệu hướng dẫn học" để tránh Điều 29 Luật Giáo dục, đâu có cơ quan chức năng nào tuýt còi?

Trước khi về hưu 3 tháng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vẫn kịp ký văn bản số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/3/2016, "ấn định" trước bộ sách VNEN sẽ trở thành một trong các bộ sách giáo khoa của chương trình mới.

Như vậy, biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa phải chăng đang là "trò chơi" của một nhóm người mà hội đồng thẩm định quốc gia chỉ làm nhiệm vụ hợp thức hóa thủ tục?

Khi ông Ngô Trần Ái còn tại vị lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thì một mình đơn vị này độc quyền. Nay ông Ngô Trần Ái nghỉ hưu, độc quyền lại chuyển sang dạng khác, nhưng vẫn là những con người quen thuộc ấy?

Nguồn:

[1]https://www.vietnamplus.vn/se-co-bo-sach-giao-khoa-vnen-theo-chuong-trinh-giao-duc-moi/459003.vnp

[2]http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-khang-dinh-dong-hanh-cung-vnen-513973

[3]http://finance.vietstock.vn/EID/tai-tai-lieu.htm

[4]https://tuoitre.vn/tham-dinh-chuong-trinh-viet-sach-giao-khoa-con-nhieu-viec-de-lo-20180602101332807.htm

Hồng Thủy