Tại Chương trình Giao lưu trực tuyến xét tuyển các trường Đại học, Cao đẳng Công an nhân dân 2017 diễn ra chiều 16/3, Phó giáo sư Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã giải đáp những thắc mắc của thí sinh về kỳ thi quốc gia 2017.
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận lại những ý kiến này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Thí sinh: Việc quy chế tuyển sinh 2017 có những thay đổi so với các năm trước liệu có ảnh hưởng đến khả năng dự liệu cũng như công tác chuẩn bị đăng ký xét tuyển của học sinh và phụ huynh hay không?
Đặc biệt là năm 2017, các thí sinh được đăng ký xét không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Điều này có thuận lợi và khó khăn gì?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Việc đăng ký xét tuyển như trong phương án tuyển sinh, có nhiều thuận lợi cho thí sinh như được đăng ký nhiều nguyện vọng, được xét theo thứ tự ưu tiên, đăng ký sơ bộ rồi có kết quả vẫn tiếp tục được điều chỉnh.
Tuy nhiên vẫn có nhiều khó khăn, chủ yếu là dành cho các trường như tỷ lệ thí sinh ảo cao hơn và quản lý khó khăn hơn. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký xét tuyển, khai thác kênh đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Trong trường hợp không thể đăng ký xét tuyển trực tuyến thì mới nghĩ đến việc đăng ký theo cách truyền thống.
Thầy có thể tư vấn cho em có thể học trường gì, ngành gì, nghề gì có thể dễ kiếm được việc làm? Nghề gì bây giờ đang bão hòa. Em đọc báo thấy cả nước có đến 200 ngàn cử nhân thất nghiệp lo quá?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Đây là bài toán lớn đối với ngành giáo dục, có quá nhiều nguyên nhân, ví dụ như: nhu cầu việc làm, đơn vị sử dụng lao động hoặc chất lượng đào tạo.
Phó giáo sư Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Ảnh: Thùy Linh) |
Lời khuyên cho bạn: Phải lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và khả năng, sở trường của mình.
Hiện nay Việt Nam và các nước trên thế giới, giới trẻ trong các trường đại học đang đẩy mạnh khởi nghiệp. Quan điểm học xong phải đi xin việc là quá cũ kỹ. Cần suy nghĩ xa hơn, cần tạo được việc làm cho chính mình và thậm chí là cho những người khác.
Nhiều năm trở lại đây quy chế tuyển sinh liên tục thay đổi. Vậy năm 2018 trở đi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thay đổi gì nữa không so với xét tuyển năm 2017?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Có thể khẳng định, kỳ thi quốc gia và tuyển sinh đại học đang nằm trong lộ trình tiến tới hoàn thiện phương thức thi và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Năm 2015 và 2016, chúng ta đã đổi mới, điều chỉnh và thí sinh cũng có thời gian để thích ích. So với các kỳ thi từ năm 2014 trở về trước thì công tác thi cử và tuyển sinh đã đơn giản hơn rất nhiều.
Trước đây, thí sinh phải thi 2 kỳ thi trong vòng 1 tháng và dồn vào 4 thành phố lớn, gây ra sự căng thẳng, tốn kém không cần thiết.
Hiện nay, thí sinh chỉ phải thi một kỳ thi duy nhất. Về nội dung thì như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, nội dung thi trong kỳ thi năm 2017 nằm ở kiến thức lớp 12, kỳ thi năm 2018 có phần kiến thức lớp 11 và kỳ thi năm 2019 có phần kiến thức lớp 10.
Liệu các phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đảm bảo không trục trặc, nhất là tình trạng nghẽn mạng khi thí sinh đăng kí xét tuyển, tra cứu điểm thi… không?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Từ năm 2015, ở một giai đoạn, đúng là có xảy ra tắc nghẽn mạng tra cứu điểm thi và xét tuyển.
Thí sinh có nên đăng ký nhiều nguyện vọng?(GDVN) - Có thí sinh đặt câu hỏi: “Năm nay được đăng kí nhiều nguyện vọng, thí sinh có nên đăng kí quá nhiều không?”. |
Những năm 2016, chúng tôi đã thay đổi và nâng cấp phần mềm tra cứu. Việc công bố kết quả thi cũng đã được giao cho các hội đồng thi gồm 7 hội đồng thi Đại học và 50 Hội đồng thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Năm 2016, không có tình trạng tắc nghẽn và chỉ trong mấy tiếng là xong việc công bố và tra cứu điểm thi.
Năm nay cũng sẽ thế, sau khi chấm thi xong, chúng tôi upload điểm thi lên phần mềm, thực hiện đối sánh để đảm bảo tuyệt đối chính xác, không sai sót.
Từ đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả. Thí sinh có thể tra cứu hoặc xem điểm thi tại trường.
Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Tại sao năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu thí sinh đăng ký xét tuyển Đại học cùng lúc với đăng ký dự thi quốc gia?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Nếu chúng ta nhìn một cách có hệ thống một chút về quá trình và lịch sử của việc tuyển sinh thì sẽ thấy, từ năm 2014 trở về trước, thí sinh đăng ký xét tuyển Đại học trước khi kỳ thi diễn ra và không được thay đổi nguyện vọng.
Năm 2015 và 2016, chúng ta bắt đầu tổ chức kỳ thi quốc gia, tức là sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký xét tuyển. Điều này giúp thí sinh hạn chế được rủi ro trong quá trình xét tuyển Đại học. Nhưng trong thời gian ngắn thực hiện xét tuyển Đại học thì có những áp lực nhất định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo ra những sai sót.
Kế thừa ưu điểm của cả 2 phương thức nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi đăng ký xét tuyển cho năm nay để có cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển chuẩn.
Sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể một lần nữa xem lại kết quả bài thi của mình và nếu thấy không ổn thì có thể thay đổi.
Như vậy, số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sẽ không nhiều và giảm được sai sót. Người có lợi là thí sinh nên tôi khuyên các thí sinh nên cân nhắc kỹ, không đăng ký quá nhiều nguyện vọng.
Nếu học sinh đăng ký cả hai tổ hợp mà không dự thi một tổ hợp thì có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Thí sinh cần xác định mục đích thi tuyển. Nếu thí sinh muốn thi để lấy kết quả xét tuyển tốt nghiệp thì thí sinh cần thi 4 môn, trong đó có 3 môn thi bắt buộc và một môn thi tự chọn.
Duy nhất một trường thuộc Bộ Công an xét tuyển tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa(GDVN) - Năm 2017, trường Đại học Phòng cháy chữa cháy là trường duy nhất thuộc Bộ Công an xét tuyển tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa. |
Nguyên tắc xét tốt nghiệp sẽ lấy tổ hợp thi có điểm tốt hơn và không có điểm liệt. Như vậy, thí sinh cần dự thi đủ số môn để tạo thành một tổ hợp đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
Lưu ý là nếu trong tổ hợp môn xét tuyển có điểm liệt thì thí sinh sẽ không được xét tốt nghiệp và không được xét tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học.
Trường hợp học sinh thi được một môn (trong ba môn thành phần của bài thi tổ hợp) thì đột ngột bị ốm thì sẽ được xem xét đặc cách khi các môn đã dự thi đạt từ 5 điểm trở lên. Kết quả trong quá trình học tập đạt trung bình trở lên và có hạnh kiểm khá.
Số lượng thí sinh ảo vẫn là câu chuyện từ nhiều năm nay, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp như thế nào?
Phó giáo sư Mai Văn Trinh: Trước hết chúng ta phải thấy rằng, thí sinh ảo là hiện tượng luôn tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà cả những nước có nền giáo dục phát triển.
Việc có thí sinh ảo trong tuyển sinh khi có nhiều trường đại học cùng tham gia tuyển sinh là hiện tượng không thể tránh khỏi và các trường cần phải quen với việc này và các trường đại học phải thu hút thí sinh bằng chính chất lượng đào tạo của mình.
Năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng tuyển sinh, rõ ràng lợi cho thí sinh nhiều hơn, nhưng tình trạng thí sinh ảo sẽ có. Giải pháp triệt để để giải quyết tình trạng này là rất khó.
Tuy nhiên, Bộ đã thống nhất với các trường để có một số giải pháp cụ thể để hạn chế phần nào tình trạng thí sinh ảo.
Cụ thể là Bộ sẽ có 1 phần mềm để hỗ trợ các trường lọc các thí sinh đăng ký ảo. Tuy nhiên, về căn bản chúng ta cần hiểu câu chuyện tuyển sinh vẫn là việc của các trường.
Các trường sẽ nhận được cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường mình, thực hiện việc xét tuyển dựa trên các chỉ tiêu đã công bố và việc chốt lại điểm chuẩn trúng tuyển vào mỗi ngành của trường là bao nhiêu là do các trường quyết định. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có 1 phần mềm để hỗ trợ lọc ảo.