Có tiêu chuẩn thì giáo viên mới biết mình đang ở đâu!

04/04/2018 06:16
Hồng Ngọc
(GDVN) - Cái nhân văn, cái triết lí đến tận cùng là để mỗi giáo viên biết mình ở đâu, cần phấn đấu thế nào để hướng đến việc đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cụ thể.

Dự thảo về chuẩn giáo viên phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến xã hội.

Một số ý kiến cho rằng, các tiêu chuẩn, tiêu chí quá cao không thực tế so với thực trạng hiện nay.

Để cái nhìn đa chiều hơn, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Hồng Ngọc).
Ông Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Hồng Ngọc).

Giải quyết chuyện “văn bản chồng văn bản” về đánh giá giáo viên

Thưa ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo chuẩn giáo viên phổ thông để xin ý kiến xã hội, vì sao phải có chuẩn giáo viên phổ thông trong khi hiện nay giáo viên của chúng ta đang được đánh giá theo theo nhiều văn bản khác nhau, như Thông tư Số 20/2017/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; Nghị định 56 của Chính phủ; Thông tư 30…?

Ông Tôn Quang Cường: Trước hết tôi muốn nói rằng việc có chuẩn nghề nghiệp giáo viên là việc cần thiết, cũng bình thường, đúng với các yêu cầu của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp. Thế nên, nếu dư luận có xôn xao thì cũng không có gì phải lo lắng cả!

Thứ hai, chúng ta rất cần phải phân biệt rõ “chức năng” của chuẩn nghề nghiệp với các văn bản hành chính hay qui phạm pháp luật khác.

Ở các văn bản này thì “chức năng” tối thượng là yêu cầu tất cả các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh phải chấp hành.

Còn chuẩn nghề nghiệp là những cái để mỗi người giáo viên soi chiếu vào đó, tự xem xét và đưa ra những nhận định phù hợp về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, mức năng lực tương ứng của cá nhân trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của mình.

Sự khác biệt nằm ở chỗ “chấp hành” và “tự soi để điều chỉnh”.

Tôi lấy ví dụ để chúng ta cùng xem xét, Nghị định 56 của Chính phủ, hay như Khoản 1, 2 điều 41 Luật viên chức đã có hướng dẫn đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo các mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Có tiêu chuẩn thì giáo viên mới biết mình đang ở đâu! ảnh 2Tiêu chuẩn giáo viên phổ thông mới không sát thực tế

Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể đối với từng đối tượng thuộc các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp đặc thù khác nhau thì rất cần phải chi tiết hóa, cụ thể hóa cho phù hợp. Đây chính là điểm nhấn về “lí do tồn tại” của chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Cái nhân văn, cái triết lí đến tận cùng là để mỗi giáo viên tự biết mình đang ở đâu, cần phấn đấu những điểm nào để hướng đến việc đáp ứng yêu cầu trong những bối cảnh cụ thể.

Hay nói một cách nôm na chuẩn nghề nghiệp chính là “thang đo vì sự tiến bộ nghề nghiệp” của giáo viên.

Cái hay trong dự thảo là yêu cầu mỗi năm giáo viên tự đánh giá định kì, rồi 3 năm thì trường đánh giá. Không thấy nói bất kì một chữ nào đả động đến thi đua hay xét hạng gì cả.

Có lẽ, cái băn khoăn của mọi người là nằm ở chỗ liệu có làm tăng thêm áp lực, gánh nặng hành chính sự vụ cho giáo viên, có hình thức hay bệnh thành tích ở đây hay không mà thôi.

Với bộ tiêu chuẩn, tiêu chí mới này thì giáo viên có “thoát” được các văn bản liên quan khác về đánh giá, xếp loại giáo viên không?

Ông Tôn Quang Cường: Anh dùng từ quá hay là liệu có “thoát” được các văn bản liên quan hay không ?

Nhưng tôi lại có một suy nghĩ khác, đã là giáo viên thì phải luôn luôn trau dồi, phát triển các năng lực chuyên môn. Vậy thì căn cứ vào đâu, bám vào cái gì để xác định năng lực của bản thân đang ở mức nào, cần bổ sung cái gì…

Xin đưa ra một phép thử đối chứng: liệu đội ngũ các giáo viên ngoài công lập sẽ có ý kiến gì về chuẩn này khi họ không bị ràng buộc chặt chẽ trong các văn bản hành chính khác?

Tôi có một dự cảm lạc quan rằng họ sẽ là những người “phản biện bình tĩnh” bởi chính họ sẽ nhận thấy nhiều điểm có ích trong những thang đo của chuẩn này.

Trong mấy ngày qua tôi cũng theo dõi khá kĩ một số những lo ngại mà báo chí phải ánh về vấn đề này.

Cũng là điều dễ hiểu bởi giáo viên hiện nay đang là một trong những thực thể xã hội được quan tâm hàng đầu.

Và một tâm lí chung bao trùm là rất sợ “văn bản chồng văn bản” tạo thành một ma trận khiến giáo viên hoang mang.

Theo tôi thì không có chuyện đó đâu. Suy cho cùng, cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ cần làm rõ chức năng của từng loại văn bản: nhìn bề ngoài cũng cùng là đánh giá nhưng mỗi văn bản lại có một mục đích đánh giá khác nhau. Để xếp hạng chức danh, xếp bậc, ngạch lương, để đánh giá viên chức hàng năm…

Có tiêu chuẩn thì giáo viên mới biết mình đang ở đâu! ảnh 3Một giáo viên phổ thông phải có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí

Còn ở đây lại là chuyện khác: để xác định “tọa độ” hiện hành của giáo viên, từ đó sẽ bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của họ.

Điều này không thể nói hết, giải thích hết ngay được ở trong chính văn bản khi ban hành (mặc dù đã có nêu thành điều khoản trong văn bản…nhưng mấy ai để ý vì đã sẵn một tâm lí căng thẳng ngay từ trước rồi!).

Tuy nhiên, nếu đọc kĩ, chúng ta cũng có thể thấy tinh thần cố gắng sử dụng, xâu chuỗi đến mức tối đa các thông tin, dữ liệu hay minh chứng từ các khía cạnh thực hiện nhiệm vụ như là một viên chức, bên cạnh các yêu cầu đặc thù trong hoạt động sư phạm của người giáo viên trong chuẩn này.

Cá nhân tôi cũng mong muốn đề xuất làm thế nào để khi đánh giá năng lực giáo viên chúng ta có thể dễ dàng sử dụng các minh chứng mang tính tổng hợp, có thể chấp nhận thay thế tương đương để tiện cho giáo viên.

Chẳng hạn, cuối năm một giáo viên - đảng viên nếu đã được nhận xét là không vi phạm kỉ luật, có lối sống, đạo đức tốt, chan hòa, giản dị, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ thì điều này cũng sẽ được công nhận tương đương với một tiêu chí nào đó trong chuẩn mà không cần phải đưa thêm minh chứng.

Giáo viên tự “định vị, định hướng” bản thân để phấn đấu

Những tiêu chí được coi là điểm mới trong dự thảo đang được xã hội hiểu là cao so với thực tế, thậm chí không sát với thực tế, còn chung chung.

Ông có thể dự báo, xuất phát từ thực tế như thế nào những tiêu chí này được xây dựng?

Ông Tôn Quang Cường: Theo kinh nghiệm của cá nhân, tôi thấy những cặp mâu thuẫn rất hay xuất hiện trong suy nghĩ và tâm lí khi có văn bản mới đó là: mới - cũ thế nào, chung - riêng, cụ thể ra làm sao, thực tế - “trên trời” ở điểm nào…?

Xét về tổng thể, chúng ta đang cố gắng đưa ra một “mẫu hình” về năng lực của người giáo viên trong tương lai gần chứ không phải xây dựng một khuôn để đánh giá giáo viên của ngày hôm nay hay từ hôm qua.

Như vậy, ở một góc nhìn nào đó, có thể là “cao” so với hôm nay hay hôm qua nhưng chỉ một vài năm nữa thì…(cười). Liệu lúc đó chúng ta có bằng lòng với chính mình hay không?

Có tiêu chuẩn thì giáo viên mới biết mình đang ở đâu! ảnh 4Yêu cầu về ngoại ngữ trong Dự thảo chuẩn giáo viên là không khả thi

Tôi cũng rất chia sẻ với nhiều ý kiến cho rằng giáo viên thể dục (chẳng hạn) có cần biết tiếng Anh hay tin học cơ bản không?

Nhưng thử đặt lại vấn đề một chút rằng nếu tạo điều kiện cho họ được nâng cấp tiếng Anh hay tin học, công nghệ dạy học mới thì việc dạy học, giáo dục cho những thế hệ tiếp theo sẽ như thế nào?

Con em các dân tộc thiểu số sẽ đỡ thiệt thòi biết bao nếu giáo viên của chúng ta công tác tại địa phương đó lại biết thêm cả tiếng dân tộc.

Tôi cũng cho rằng ban soạn thảo cũng đã phải có những số liệu điều tra khảo sát để đánh giá đúng hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp tại thời điểm này. Không thể vì một số ít “hiện trạng” mà chúng ta tự bằng lòng mãi với những gì đang có.

Về cơ bản, nội dung chuẩn lần này cũng kế thừa nhiều điểm chính của chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp được ban hành trước đây thể hiện được tính bao trùm trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên. Trên tinh thần đó có bổ sung, điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Cũng phải thừa nhận rằng không phải bất cứ nước nào, ở những thời điểm khác nhau chuẩn đều được giáo viên đón chào hưởng ứng.

Bản thân tôi cũng rất háo hức đón chờ những ý kiến luận bàn, chia sẻ của “những người trong cuộc” trong 2 tháng tới đây.

Ông có thể cho biết khái quát hình ảnh người giáo viên phổ thông sẽ như thế nào khi được áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí trong dự thảo chuẩn giáo viên phổ thông?

Ông Tôn Quang Cường: Tôi có để ý đến cái mức tốt (cao nhất) ở các tiêu chí trong chuẩn thì phát hiện ra một điều rất thú vị: luôn có sự lan tỏa, chia sẻ và vai trò dẫn dắt trong các hoạt động nghề nghiệp và bối cảnh bộc lộ năng lực, phẩm chất cá nhân.

Tôi có thể nói tóm tắt như sau: chuyên nghiệp, thân thiện và hợp tác để phát triển.

Với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí, người giáo viên phổ thông mới sẽ thúc đẩy môi trường giáo dục phổ thông như thế nào trước sức ép của cơ chế thị trường?

Ông Tôn Quang Cường: Thật khó để trả lời thẳng vào câu hỏi của anh!

Tôi xin được diễn đạt thế này: người giáo viên đáp ứng được các tiêu chí và tiêu chuẩn này sẽ rất tự tin trong hoạt động nghề nghiệp sư phạm của mình.

Có tiêu chuẩn thì giáo viên mới biết mình đang ở đâu! ảnh 5Thước đo nào chuẩn cho giáo viên ngoại ngữ?

Một cách tường minh, cụ thể, họ biết được mình đang ở đâu, cần phải làm gì và làm như thế nào để phát triển hơn nữa.

Họ sẽ có được khả năng tự định vị, định hướng giải pháp theo chuẩn một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của bản thân, trong bối cảnh từng nhà trường cụ thể.

Và như vậy, mỗi giáo viên sẽ là người kết nối lớp học, nhà trường với các vấn đề của thực tế đời sống, sàng lọc được những tác động tiêu cực từ bên ngoài, thực hiện tốt vai trò dạy học, giáo dục và phát triển con người.

Bằng các “năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm” trên cơ sở phát huy được những “phẩm chất nghề nghiệp” đặc thù, người giáo viên có thể xây dựng được một “môi trường dân chủ” trong giáo dục, kết nối và mở rộng các mối “quan hệ xã hội”.

Vấn đề còn lại và tiếp theo là các bên liên quan sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào cho giáo viên thực hiện tốt vai trò và phát triển được các năng lực trong hoạt động chuyên môn của mình?

Câu trả lời xin dành cho các nhà lập chính sách, các nhà quản lí giáo dục.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Ngọc