Quanh dự án Luật, đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ với Phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ý kiến của bà về dự thảo Luật.
Đại biểu nhấn mạnh, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là một luật khung và được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm để trình ra tại kỳ họp này.
“Tuy nhiên, trong quá trình đi khảo sát, giám sát việc triển khai thi hành Luật Giáo dục và quá trình thẩm tra dự án Luật, chúng tôi thấy rất nhiều bất cập. Vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị phải sửa toàn diện Luật Giáo dục, không thể chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều”, đại biểu Minh cho hay.
Theo nhận định của bà, Chính phủ cũng đang tiến hành theo hướng này.
Đại biểu Ngô Thị Minh. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Trong các nội dung dự thảo Luật, Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 đã đề cập đến rất nhiều vấn đề.
Chính phủ cũng đã có nhiều tổng kết thực tiễn, thấy các bất cập để đưa vào dự thảo Luật.
“Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Ủy ban chúng tôi còn rất nhiều vấn đề mà dự thảo Luật trình ra Quốc hội chưa đáp ứng được”, đại biểu Minh nhận định .
Theo đại biểu, bà quan tâm nhất là chúng ta phải cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng về giáo dục vào Luật.
Nghị quyết 29 về đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục có rất nhiều định hướng. Trong đó, có hai định hướng mà đại biểu thấy trong dự thảo Luật chưa tính đến giải pháp thực sự căn cơ.
Đại biểu Ngô Thị Minh phân tích, vấn đề thứ nhất, nói về người học, trong chỉ đạo của Đảng có nói rõ ràng rằng, năm 2020, chúng ta phải phổ cập bắt buộc 9 năm.
Nghiên cứu dự thảo Luật lần này, chúng ta chưa thấy được lộ trình để tiến đến bước đấy. Những giải pháp căn cơ đưa ra chưa thấu đáo. Nếu thực hiện như Luật sửa đổi này cũng chưa đáp ứng được thực tiễn.
“Đây là điều lớn nhất mà tôi thấy cần phải tính trong dự thảo Luật này”, đại biểu nêu quan điểm.
Giáo sư Nguyễn Minh Hiển: Có việc mà không phải chạy, người tài sẽ vào sư phạm |
Tiếp đó là chúng ta miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi trước năm 2020.
Nhưng để đảm bảo tính bền vững cho việc miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, hiện nay nhiều nơi dùng chỗ học, chỗ giữ cho trẻ 3, 4 tuổi để nhường chỗ cho trẻ 5 tuổi.
Chúng ta chưa tính đến giải pháp căn cơ để cho trẻ dưới 36 tháng tuổi được có nơi gửi, nơi giữ và thực hiện quyền của mình kể cả ở gia đình, các nhóm trẻ độc lập.
Giáp pháp này, chúng ta phải làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước.
“Trách nhiệm của Nhà nước với những người trực tiếp chăm trẻ để trẻ phát triển toàn diện tại gia đình là thế nào, tại các nhóm trẻ độc lập ra sao?
Trong khi hiện tại, chúng ta mới đảm bảo được 26,2% số trẻ nhỏ này được ra lớp có chỗ trông, giữ”, đại biểu Minh phân tích.
Vấn đề thứ hai là đối với người dạy, hiện nay nói lương nhà giáo được xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp như định hướng Nghị quyết 29 trong Luật chưa thể hiện rõ điều này.
Theo đại biểu Minh, tuy rằng, Chính phủ đang có đề án cải cách tiền lương và cũng mong muốn xếp lương nhà giáo cao nhất.
Nhưng với 1,3 triệu nhà giáo từ mầm non đến cao đằng, đại học thì ngân sách Nhà nước sẽ không lo nổi nếu như lương nhà giáo xếp bậc cao nhất.
Vậy thì đọc dự án luật, chúng ta phải thấy được giải pháp, chính sách để người học, người dạy có lộ trình ra các cơ sở ngoài công lập.
Chính sách với người học, người dạy ở ngoài công lập như thế nào? Trong Luật chưa tính đến. Chúng ta phải tháo điểm này.
“Trong 1,3 triệu giáo viên, hiện có chưa đầy 10% giáo viên ngoài công lập.
Giải pháp nào để có khoảng 40% giáo viên hiện nay thấy ra giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập là phù hợp”, đại biểu nêu.
Các chính sách, sự đãi ngộ đối với giáo viên là như thế nào, trong luật chưa tính đến.
Theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đây là một bài toán khó đặt ra cho Chính phủ nếu thực hiện Nghị quyết 29 về vấn đề lương của nhà giáo.
Kể cả phụ cấp ưu đãi đối với nghề nhà giáo, trong dự thảo Luật cũng chưa làm rõ. “Tất cả các điểm này đều phải tính toán kỹ trong Luật”, đại biểu đánh giá.