LTS: Những bất cập trong hệ thống giáo dục trường công đã được nhiều phụ huynh phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Với tư cách là một giáo viên, một người làm công tác quản lý tại một trường công lập, thầy giáo Hữu Sơn chỉ ra những hạn chế cơ bản của hệ thống trường công cần được khắc phục để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục một cách hiệu quả.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hệ thống trường công lập ở các bậc học phổ thông lâu nay được Nhà nước quan tâm và đầu tư toàn diện về mọi mặt, từ đất đai, phòng ốc, cơ sở vật chất, trang thiết bị đến kinh phí chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và các chi phí khác.
Có một số trường, nhất là các trường trung học phổ thông chuyên còn nhận được sự hỗ trợ, ưu tiên lớn của các địa phương, tổ chức và cá nhân.
Có thể nói, hệ thống trường công lập ở Việt Nam thừa hưởng nhiều ưu thế vượt trội so với hệ thống trường tư thục, dân lập, vốn “sinh sau đẻ muộn”, chủ yếu dựa vào nguồn lực tự có, tự đóng góp của tổ chức, cá nhân và học phí của phụ huynh học sinh.
Được Nhà nước bao cấp toàn diện nên mức thu học phí của trường công áp dụng cho từng đối tượng, vùng miền ở mức rất thấp (từ vài chục ngàn đồng đến mấy trăm ngàn đồng), phù hợp với điều kiện kinh tế của đại bộ phận nhân dân, phụ huynh học sinh.
Trường công lập còn tồn tại những hạn chế cơ bản cần sớm được giải quyết. (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân) |
Vì phải tự lo, tự hạch toán mọi chi phí, hoạt động nên mức học phí các trường ngoài công lập phải cao hơn trường công gấp mấy chục lần, điều kiện kinh tế của số đông phụ huynh không thể cáng đáng nổi với mức học phí cao như vậy, có muốn cho con em theo học trường tư cũng thật khó.
Mặc dù được thừa hưởng mọi thứ từ “bầu sữa” ngân sách của Nhà nước nhưng qua một chặng đường dài hình thành và phát triển, nhiều trường học ở các bậc học thuộc hệ thống trường công lập vẫn “giậm chân tại chỗ”, không để lại những dấu ấn, nét riêng trong học sinh và phụ huynh về các mặt của hoạt động giáo dục và còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém.
Yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành hay bại, chất lượng giáo dục của từng nhà trường có đảm bảo hay không, đó chính là đội ngũ thầy, cô giáo.
Các trường công lập gần đây được tự chủ về tài chính, hằng năm cấp trên rót một cục kinh phí về, nhà trường tự điều tiết chi tiêu, mua sắm, trả lương…
Còn tự chủ về nhân lực thì chưa bao giờ. Cấp trên phân công, bổ nhiệm giáo viên nào thì nhà trường chỉ biết tiếp nhận người ấy.
Con tôi đã phải học trường công như thế |
Trong quá trình làm việc, công tác, một số giáo viên năng lực hạn chế, ỳ ạch trong đổi mới phương pháp, lại dùng đủ chiêu để chèn ép con em phụ huynh dạy thêm trái phép.
Chính điều này khiến nhiều phụ huynh học sinh không hài lòng, chán trường công, thậm chí bức xúc, khiếu kiện các cơ quan chức năng.
Có những giáo viên trường công ỷ mình đã là "biên chế nhà nước", diện con ông cháu cha, muốn làm kiểu gì chả được?
Ngoài ra còn phải kể đến lối đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức luôn dễ dãi, nể nang, lấy chủ nghĩa duy tình làm đầu, đã tồn tại khá phổ biến ở các cơ sở giáo dục (kể cả lĩnh vực, ngành nghề khác).
Điều này làm cho nhiều công chức, viên chức ngành giáo dục càng trở nên lười nhác, dựa dẫm, ỷ lại, thiếu năng động trong thực thi nhiệm vụ của nhà trường, thua xa giáo viên trường tư.
Số giáo viên thuộc diện ấy hiện đâu thiếu gì trong các trường công lập thì làm sao hệ thống trường này đồng bộ, mạnh lên được?
Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục ở hệ thống trường công lập hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Làm việc cầm chừng, nặng về giải quyết sự vụ, thiếu chủ động, sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý.
Đến hẹn lại lên, trên chỉ đạo, hướng dẫn sao, dưới này làm y vậy, thậm chí có người còn cố tình làm trái, có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, lợi ích nhóm, tham nhũng…
Cán bộ như thế thì không tập hợp được sức mạnh, khối đoàn kết và tinh thần trách nhiệm cao của các cá nhân và tập thể nhà trường phục vụ cho quyền lợi, lợi ích chính đáng của học sinh và phụ huynh.
Mặt khác, chính thực tế thường xuyên thay đổi, luân chuyển cán bộ quản lý ở hệ thống trường công đã khiến chất lượng hoạt động bị ảnh hưởng.
Có những công việc, sáng kiến đời hiệu trưởng này làm tốt nhưng người mới lên thay không tiếp tục duy trì khiến thương hiệu, chất lượng giáo dục trồi sụt theo tên tuổi của hiệu trưởng.
Cơ chế, chính sách của ngành giáo dục lại nảy sinh nhiều bất cập qua thực tiễn; nội dung, chương trình, thi cử luôn trong tình trạng thay đổi, xáo trộn quá lớn;
Có vô số cuộc thi được tổ chức triền miên gây áp lực, căng thẳng cho thầy và trò; họp hành, hồ sơ, sổ sách… tiếp tục đè nặng và tốn kém công sức, thời gian của cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên…
Những hạn chế từ cơ chế, quy định của cơ quan quản lý giáo dục trở thành nút thắt, cản trở, ảnh hưởng không ít đến niềm tin, động lực làm việc, cống hiến của thầy, cô giáo trường công (kể cả trường tư).