Con tôi đã phải học trường công như thế

24/08/2017 07:10
Thảo Ly
(GDVN) - Ngày càng có nhiều phụ huynh không tin tưởng vào sự giảng dạy của một số trường công. Lựa chọn đúng đắn nhất lúc này là những trường tư thục.

LTS: Là một người mẹ từng cho con chuyển trường từ trường công lập sang tư thục, chị Thảo Ly gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về thực tế con chị đã học tập ở trường công như thế nào.

Bài viết thể hiện nội dung, quan điểm, cách hành văn của tác giả. Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết.

2 giờ sáng, thấy con vẫn ngồi miệt mài đọc bài theo kiểu “tụng kinh”, tôi nhẹ nhàng nói: “Khuya quá rồi, ngủ để mai còn sức mà đến trường con ạ”.

Cô bé nói như mếu: “Sáng mai con thi rồi mẹ, nhưng con học hoài vẫn không thuộc môn Giáo dục quốc phòng”.

Tưởng mình nghe nhầm, tôi hỏi lại: “Giáo dục quốc phòng sao phải học thuộc lòng hả con?

Con chỉ cần nghe thầy cô giảng, hiểu bài và làm theo sự hiểu biết của mình là được, có nhất thiết phải thuộc từng câu chữ như thế không?”.

Ngày càng nhiều phụ huynh mất niềm tin vào chất lượng giảng dạy tại trường công. (Ảnh minh họa trên Báo Người Lao động)
Ngày càng nhiều phụ huynh mất niềm tin vào chất lượng giảng dạy tại trường công. (Ảnh minh họa trên Báo Người Lao động)

Nghe thế, cô con gái giãy nảy:

Sao được hả mẹ? Học kì 1 con bị điểm 3 cũng vì nghe lời mẹ học ý thôi đó. Thầy giáo của con khi dò bài là cầm cuốn vở coi từng chữ xem học trò có bị thiếu chữ không kia đó”.

Chẳng riêng gì môn Giáo dục quốc phòng, những môn như Sử, Địa, Giáo dục công dân… thầy cô vẫn bắt học sinh học thuộc lòng trong vở ghi, trong sách giáo khoa đó thôi.

Nhìn con học mỗi ngày, tôi thấy tội và thương cho con, thương cho những đứa học trò giống con mình.

Có lẽ do đọc vanh vách nhưng vẫn không hiểu hết nội dung nên dù có học thuộc cỡ nào chỉ thi xong là mọi kiến thức đều quên tuốt luột.

Tôi đem chuyện này phản ánh cho một số giáo viên đang dạy trường công thì được trả lời:

Nhiều thầy cô luôn tỏ ra môn mình đang dạy là quan trọng nhất nên ra sức ép học sinh phải học thuộc lòng từng câu từng chữ”.

Khổ nỗi những giáo viên này, đôi khi lên lớp ít chú tâm vào việc triển khai bài học theo phương pháp dạy học tích cực để học sinh nắm ý, hiểu bài mà thầy cô chủ yếu cho các em đọc trong sách, giải thích qua loa và bắt về nhà học thuộc lòng mỗi khi thi hoặc kiểm tra.

Con tôi đã phải học trường công như thế ảnh 2

Đây là các lý do để cô Phan Tuyết chuyển con từ trường công sang trường tư thục

Những môn như Toán, Lý, Hóa, Anh văn… không ít giáo viên giảng dạy thiếu nhiệt tình để kéo học sinh về lớp học thêm.

Học nửa vời, em nào muốn hiểu bài buộc phải đi học thêm.

Thế là, các lớp học thêm của thầy cô cứ đông nghìn nghịt.

Nhưng cực nhất là nhà trường đã tổ chức ôn tập ngay tại trường cũng những thầy cô này dạy.

Nhưng có lẽ học phí học sinh nộp trên trường giáo viên dạy chỉ được chia 80% còn 20% nộp về trường cho công tác thu, quản lý quỹ… nên thầy cô dạy ôn ở trường vẫn không mặn mà cho lắm.

Nhiều em cho biết học ôn ở trường cũng chẳng hiểu thêm được nhiều. Thế rồi, học sinh vừa phải học thêm trên trường (bắt buộc) vừa phải đến nhà riêng của những thầy cô ấy học thêm tiếp.

Vậy nên mới có tình trạng một môn phải học tới 2 giáo viên. Riêng môn Anh văn, học sinh chỉ được nghe từ chiếc băng cát sét nên chất lượng nghe cũng chưa đảm bảo.

Sĩ số lớp học đông, thời gian thầy cô dành cho từng em hầu như rất ít. Vì thế, dù học 10 năm Anh văn nhưng kĩ năng giao tiếp của các em lại quá yếu.

Ngoài việc học, chuyện xếp loại hạnh kiểm cũng nhiêu khê không kém.

Nếu chẳng may học sinh nào phạm lỗi nhưng suốt quãng thời gian về sau có sự nỗ lực vươn lên cũng chẳng được ghi nhận.

Khi xét hạnh kiểm họ sẵn sàng bỏ qua sự tiến bộ của các em mà cứ lôi những khuyết điểm từ thuở nào ra để xét.

Vì thế không ít học sinh tay “trót nhúng chàm” cũng chẳng buồn sửa chữa, phấn đấu vì “có cố gắng lắm cũng ít được ghi nhận”.

Nhà trường có thể điều động các em đi lao động công ích bất cứ khi nào. Nếu chỉ việc quét sân trường, lau lớp học, dọn nhà vệ sinh còn được.

Có trường bắt học sinh phải khiêng gạch, khiêng xà bần…cho chủ đầu tư xây dựng. Số tiền được họ trả nhà trường lại quản lý…

Rời trường công, tôi chọn một trường tư thục cho con theo học. Chỉ sau một thời gian lực học của con đã biến chuyển rõ rệt.

Cô con gái về kể, thầy cô giảng dạy nhiệt tình. Bài nào chưa hiểu thầy cô vẫn vui lòng giảng lại bao giờ hiểu mới thôi.

Con tôi đã phải học trường công như thế ảnh 3

Tại sao các trường tư thục ở tỉnh lẻ lại đang thoi thóp?

Học nơi đây, do hiểu bài trên lớp và được dành thời gian ôn tập hợp lý nên không phải lo chuyện học thêm, không phải sợ thầy cô đối xử không công bằng, cũng chẳng sợ ai bị đì như trước đây.

Những kiến thức cơ bản luôn được ôn tập kĩ càng.

Kiến thức không trọng tâm được lướt qua, mọi thời gian còn lại tập trung nâng cao kiến thức đối với học sinh khá giỏi, những em yếu, trung bình được phụ đạo riêng.

Việc học Anh văn luôn được đầu tư đúng mức. Các em được học phòng riêng, được học với các chuyên gia nước ngoài, được giao lưu trực tuyến, được đi thực tế để phát triển kĩ năng…

Ngoài giờ học, các em được đăng kí học các môn nghệ thuật, rèn luyện thể chất như âm nhạc, đàn, bóng rổ, bơi, cầu lông, đá bóng… nhờ thế, học sinh được phát triển một cách toàn diện.

Một phụ huynh có con học trường tư chia sẻ, mô hình trường tư kiểu này đã đem đến sự yên tâm cho nhiều gia đình có điều kiện nhưng bận rộn làm ăn, ít có thời gian để ý chuyện học hành của con cái.

Có điều, phần lớn hệ thống trường tư thục mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà chưa có mặt tại các địa phương.

Bởi vậy, việc cho con theo học ở những trường tư thục cũng vô cùng khó khăn.

Ngày càng có nhiều phụ huynh không tin tưởng vào sự giảng dạy của một số trường công. Với cá nhân tôi thấy, lựa chọn đúng đắn nhất cho mình và con lúc này là những trường tư thục.

Nhưng hệ thống trường tư thục vẫn chưa được mở đại trà, có lẽ vì còn thiếu những chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa giáo dục.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Thảo Ly