LTS: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với việc gia nhập WTO của nước ta, khi giáo dục đại học không đủ sức cạnh tranh vì suất đầu tư cho nó quá thấp so với thế giới, nước ta tất yếu rơi vào tình trạng khó khăn biểu hiện ở hiện tượng gọi là “tỵ nạn giáo dục”, thất thoát chất xám…
Theo thông lệ quốc tế, một nước ở trình độ như Việt Nam chi phí đơn vị cho đào tạo đại học phải vào cỡ 120-150% GDP/đầu người, tức cỡ 1.200 USD năm 2009 (và khoảng 3.000USD vào năm 2014 khi GDP/đâù người 2.300USD). Chi phí đơn vị này còn tùy thuộc loại trường, loại ngành nghề đào tạo.
Theo quan niệm hiện nay trên thế giới, giáo dục đại học có đặc trưng của hàng hóa công (UNESCO), nhưng chứa đựng nhiều yếu tố của hàng hóa tư (WB).
Người được thụ hưởng giáo dục đại học thường có thu nhập cao hơn người không được thụ hưởng, nên đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai của mình.
Vì các đặc điểm đa dạng của giáo dục đại học, hiện nay quan niệm phổ biến trên thế giới là chi phí cho giáo dục đại học phải được chia sẻ giữa Nhà nước, người học và cộng đồng.
Đối với giáo dục đại học Việt Nam, trên cơ sở chi phí hiện tại (tỷ lệ 3 thành phần: Nhà nước cỡ 55%, người học cỡ 42% và cộng đồng cỡ 3%), bài viết của GS. Phạm Phụ - Trường Đại học Bách khoa – Đại h Quốc gia TP. HCM) sẽ đề xuất một mô hình chia sẽ chi phí mới.
Trong phần đầu tư cho giáo dục đại học, bài viết còn đặt vấn đề nên vay quốc tế để đầu tư cho giáo dục đại học, vì theo tính toán của các chuyên gia, với các nước có thu nhập thấp và trung bình, việc vay vốn để đầu tư cho giáo dục đại học đem lại suất thu lợi lớn hơn 10% đối với xã hội và gần 20% đối với cá nhân, còn vay vốn để đầu tư cho công nghiệp thì suất thu lợi khó đạt được 10%.
Vay vốn quốc tế có thể tạo nên một tác động mạnh để tăng cường giáo dục đại học phục vụ cho việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, vì đây chính là chỗ thắt cổ chai ngăn cản sự tiến bộ của kinh tế xã hội Việt Nam.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết về chủ đề này của Giáo sư Phạm Phụ.
Đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa
Thực chất của toàn cầu hóa là 3 luồng di chuyển tự do. Luồng thứ nhất là hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa vật phẩm và hàng hóa dịch vụ, trong đó có dịch vụ giáo dục đại học. Luồng thứ hai là vốn.
Khi vốn di chuyển tự do thì cơ hội đầu tư, trong đó có đầu tư cho giáo dục đại học, cũng được xem xét trên quy mô toàn cầu với gần như cùng một “giá sử dụng vốn” (cost of capital). Và luồng thứ ba là di dân. Điều này cũng có nghĩa, sẽ hình thành một thị trường nguồn nhân lực có tính toàn cầu.
Việt Nam đã tham gia WTO từ năm 2007, nghĩa là sẽ có cả 3 luồng di chuyển tự do nói trên giữa Việt Nam và các nước trên thế giới và tác động lên các loại dịch vụ trong đó có dịch vụ giáo dục đại học.
Do đó, đại học Việt Nam nay cũng phải có đủ khả năng cạnh tranh và cũng phải biết cách cạnh tranh với đại học của nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, cả về chất lượng cũng như giá thành, cạnh tranh để có thêm nguồn lực tài chính, cạnh tranh để có thêm thầy giáo giỏi, học trò giỏi vv… Và, dĩ nhiên, tất cả đều phải trên cùng một mặt bằng giá so sánh, tính theo sức mua của đồng tiền.
Để có được khả năng cạnh tranh đó, trước hết Việt Nam cần phải có “Suất đầu tư” thỏa đáng cho giáo dục đại học. “Suất đầu tư” trong giáo dục đại học trên thế giới lại thường được biểu thị qua một chỉ số gọi là “Chi phí đơn vị” (Unit cost) – chi phí cho một sinh viên trong một năm.
Ở Việt Nam, vào năm 2009, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, chi từ Ngân sách Nhà nước bình quân cho một sinh viên đại học công lập là 7,14 triệu/năm. Nếu mức học phí là 2,4 triệu/năm thì gần đúng có thể cho rằng, mức chi phí đơn vị ở ĐH công lập hiện nay là 9,54 triệu/năm, tương đương khoảng 500 – 550USD/SV – năm.
Trong khi đó, mức chi phí đơn vị từ năm 2004 – 2005, bình quân ở Mỹ đã là 22.000 USD, các nước OECD 12.000 USD, Đài Loan 7.000 USD, vv…
GS. Phạm Phụ - Tác giả bài viết. Ảnh trên Giaoduc.net.vn |
Điều này có nghĩa, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức chi phí đơn vị 500 – 550 USD, hay là khoảng 50% GDP/đn, như đã nêu ở trên, giáo dục đại học Việt Nam cũng như chính chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ngày nay, không thể nói chất lượng sản phẩm của tôi tương đương như của anh nhưng giá thành chỉ bằng 1/5 hay 1/3. Chính WB (2004) cũng đã có nhận xét: “Chi tiêu bình quân trên đầu sinh viên công lập (ở Việt Nam) đạt từ 53% đến 57% GDP/đầu người, con số này thấp hơn nhiều so với bình quân của 117 quốc gia trên thế giới có số liệu, khoảng 93% GDP/đầu người.
Hệ quả của thực trạng trên còn là: Thứ nhất, xuất hiện một phong trào du học tự túc ở những ĐH cấp thấp mà báo chí đã gọi là “tỵ nạn du học”.
Hiện đã có trên 50.000 sinh viên đi du học tự túc, phần lớn thuộc loại này, và chi phí xã hội hàng năm có thể lên đến khoảng 800 triệu USD, nếu so với ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho 1,7 triệu sinh viên đang học trong nước là khoảng 500 triệu USD thì quả là những chi phí không hợp lý.
Thứ hai, đại học Việt Nam đã bị đối xử “bình đẳng quốc gia” ngược (National Treatment), nghĩa là “phân khúc thị trường” chi phí cao của dịch vụ giáo dục đại học lại đang được dành ưu tiên cho đại học của nước ngoài đến Việt Nam.
Và thứ ba, Việt Nam sẽ bị “chảy máu chất xám”, trước hết là ở chi phí đơn vị. Đã có hiện tượng mà thế giới gọi là “decamp” (đột ngột “tẩu thoát”) của thầy, cô giáo ở đại học theo rất nhiều dạng thức khác nhau.
Cần có mức chi phí đơn vị thỏa đáng
Vấn đề nảy sinh trước hết là, chi phí đơn vị hợp lý hiện nay nên là bao nhiêu? Nếu so sánh theo kiểu “Giáo dục so sánh” và suy luận theo cách ước tính của một số chuyên gia ở WB ta thấy, với các nước phát triển cao, tỷ lệ chi phí đơn vị/GDP đầu người chỉ cần ở mức 50 – 60%.
Với các nước phát triển trung bình, tỷ lệ này thường lại vào khoảng 80 – 100%, còn với các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này lại cần đến khoảng 120 – 150%.
Nghĩa là, không thể so sánh theo con số USD tuyệt đối mà cũng không thể so sánh thuần túy theo con số GDP/đầu người. Điều này cũng được rút ra từ mối quan hệ giữa chi phí đơn vị / GDP-đầu người và GDP/ đầu người như sau:
Vậy nếu GDP/đầu người của Việt Nam năm 2009 là 1.000 USD thì chi phí đơn vị /GDP-đầu người hợp lý sẽ vào khoảng 120% hay chi phí đơn vị = 1.200 USD (vào năm 2014 GDP/đâù người của Việt Nam khoảng 2300USD chi phí đơn vị phải vào cỡ 3.000 USD).
Khảo sát thực tế ở Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc gia Tp.HCM vào năm 2009, với chi phí đơn vị khoảng 1.500 USD và Đại học Hoa Sen Tp.HCM với chi phí đơn vị khoảng 700 USD cho thấy rõ, dù điểm đầu vào chỉ ở điểm khá hoặc điểm sàn, việc tổ chức học tập ở các trường này khá tốt, sinh viên khá tự tin và hy vọng chất lượng đào tạo tốt hơn nhiều…với, vẫn là những nhà quản lý và thầy giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là chi phí đơn vị trung bình của nền giáo dục đại học. Trên thực tế, chi phí đơn vị hợp lý cho các ngành nghề đào tạo khác nhau cũng như chất lượng đào tạo khác nhau sẽ rất khác nhau. Tham khảo các con số thống kê của Nhật và Thái lan như ở dưới đây cho thấy rõ điều đó.
Hình 2: Chi phí thường xuyên trong Chi phí đơn vị ở Nhật (1996). |
STT |
Loại ĐH |
CPĐV (USD) |
HP trung bình (USD) |
1 |
ĐH công, truyền thống |
2.500 – 3.500 |
400 |
2 |
ĐH công nghệ |
1.200 |
300 |
3 |
ĐH sư phạm |
500 |
240 |
4 |
ĐH mở |
120 |
70 |
Bảng 1: Chi phí đơn vị cho các loại trường Đại học khác nhau ở Thái Lan (2005)
Điều gì gánh chịu chi phí ở giáo dục đại học?
Đã khoảng 20 năm qua, khi tài chính cho giáo dục đại học đã lâm vào “cảnh cùng quẫn” (theo WB), WB đã gọi đây là “Hàng hóa cá nhân”, trong khi đó, UNESCO vẫn gọi là “Hàng hóa công cộng”. Tại sao hai tổ chức quốc tế lại gọi ngược chiều với nhau như vậy?
Và tại sao, thực tế trong suốt 20 năm qua cũng đã diễn tiến theo xu thế của WB hơn là của UNESCO?
Thiết nghĩ, có lẽ UNESCO đã gọi dịch vụ giáo dục đại học là “Hàng hóa công cộng” theo ý nghĩa xã hội của nó.
Vì, theo [Cohen & Henry, 2001], giáo dục đại học là lĩnh vực đồng thời thỏa mãn hai tiêu chí cơ bản của một hàng hóa công cộng. Tiêu chí một là “tính thiết yếu” của dịch vụ, là tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội và còn để tạo nên mối liên kết xã hội.
Tiêu chí hai là nó bị rơi vào vùng “cơ chế thị trường bị thất bại” (market failure) mà biểu hiện rõ nhất của nó là “tác động ngoại biên” (Externalities) cũng như “tác động lan tỏa” (Spill-over effects) dương đối với xã hội và “thông tin bất đối xứng”.
“Tác động ngoại biên” thể hiện ở nhiều mặt, từ việc làm cho năng suất lao động xã hội cao hơn, tỷ lệ có việc làm cao hơn, tuổi thọ cao hơn, con cái mạnh khoẻ hơn, ít phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước hơn… cho đến tội phạm và tù tội ít hơn, đóng góp cho từ thiện nhiều hơn, v.v…, nếu có trình độ giáo dục cao hơn.
Riêng về tác động đến tỷ lệ có việc làm cao hơn, có thể minh họa qua bảng thống kê (Bảng 1) sau đây (Michael & Kretovics, 2004). Như vậy, phụ nữ ở Ý, tỷ lệ có việc làm đã tăng từ 34% lên đến 81% nếu được giáo dục thêm từ trình độ dưới trung học phổ thông lên đến đại học và “sau” đại học. Còn các con số tương ứng của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ là 22% và 71%.
Nước |
Trung bình |
Dưới trung học phổ thông |
Trên trung học phổ thông |
Đại học |
Pháp |
85/70 |
76/57 |
88/76 |
92/84 |
Ý |
80/50 |
74/34 |
86/67 |
91/81 |
Hàn Quốc |
88/57 |
84/61 |
89/53 |
91/56 |
Nhật |
95/63 |
87/56 |
95/63 |
97/68 |
Úc |
86/66 |
79/55 |
89/68 |
92/83 |
Mexico |
94/43 |
94/37 |
96/56 |
94/70 |
Tây Ban Nha |
86/54 |
83/41 |
90/66 |
91/83 |
Thổ Nhĩ Kỳ |
84/27 |
82/22 |
87/32 |
87/71 |
Mỹ |
87/73 |
75/52 |
86/73 |
92/81 |
Bảng 2. Tỷ lệ (%) tham gia lực lượng lao động (2001) của
những người từ 25 đến 64 tuổi (Nam/Nữ)
Chính vì vậy, vì “tác động ngoại biên” dương của dịch vụ giáo dục cũng như chính sự “sòng phẳng” của cơ chế thị trường, ở hầu hết các nước trên thế giới Nhà nước luôn có tài trợ cho dịch vụ giáo dục đại học.
Còn thị trường dịch vụ giáo dục đại học có “thông tin bất đối xứng” vì rằng, ở đây, người mua thường được biết rất ít về loại hàng hóa dịch vụ mà họ đang mua và rất dễ lâm vào tình cảnh nhận được một chất lượng dịch vụ thấp hơn nhiều so với chất lượng mà họ kỳ vọng cũng như cái giá mà họ đã phải trả.
Ở đây cũng khó mà ký kết được những hợp đồng về việc đảm bảo chất lượng của dịch vụ. Thị trường như vậy thường rất dễ bị tổn thương và chỉ là “thị trường của niềm tin” (Trust market, như thị trường giáo dục, y tế, trung tâm chăm sóc người già, trẻ em…), hay còn gọi là “thị trường của vận may”.
Trong khi đó, có lẽ WB đã gọi dịch vụ giáo dục đại học là “Hàng hóa cá nhân” theo ý nghĩa kinh tế học của nó. Trong kinh tế học, người ta phân nhóm các loại hàng hóa theo hai đặc trưng.
Đặc trưng thứ nhất là tính “loại trừ” (excludability), nghĩa là có thể ngăn cản được việc sử dụng hay không? Đặc trưng thứ hai là tính “ganh đua” (rivalry), nghĩa là khi có người sử dụng hàng hóa đó thì có làm giảm đi giá trị đối với người sử dụng khác hay không?
Từ đó có thể nhóm thành 4 loại hàng hóa như ở Hình 3, bao gồm “Hàng hóa cá nhân”, “Độc quyền tự nhiên”, “Tài nguyên chung” và “Hàng hóa công cộng”.
Hàng hóa dịch vụ giáo dục đại học vừa có tính “loại trừ” vừa có tính “ganh đua”, (một em dành được một chỗ học trong giáo dục đại học đương nhiên loại trừ và ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ của em khác). Vì vậy, nó là “Hàng hóa cá nhân”.
Hình 3- Bốn loại hàng hóa. |