Thời gian gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 là từ khóa mà nhà nhà người người nhắc đến với nhiều ý kiến bàn thảo vô cùng đa dạng.
Riêng với công tác giảng dạy văn chương trong phạm vi giảng đường, cần có những đổi thay gì trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với giảng viên văn học Trần Xuân Tiến (Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Văn Hiến) xung quanh vấn đề này.
Giảng viên văn học Trần Xuân Tiến (Ảnh tác giả cung cấp). |
Phóng viên: Giảng dạy văn chương ở giảng đường, theo thầy, đâu là những khó khăn hiện nay?
Giảng viên văn học Trần Xuân Tiến: Có nhiều trở ngại trong quá trình truyền tải văn chương trong phạm vi bối cảnh hiện nay, nhất là khi văn chương đang nằm trong tình thế cạnh tranh vô cùng khốc liệt bởi các loại hình nghệ thuật khác cũng như các ngành, chuyên ngành học khác.
Nhưng theo tôi, khó khăn lớn nhất là thách thức làm sao để các em sinh viên tiếp thu được yêu cầu của môn học.
Thời gian đầu giảng dạy, tôi đã rất kỳ vọng và tin tưởng rằng bản thân có thể truyền đến đông đảo sinh viên niềm say mến đối với văn chương thông qua những bài giảng được tập trung đầu tư cả về chất lượng nội dung lẫn phương pháp sư phạm.
Song thực tế đã diễn ra không như những gì tôi mong đợi, nhất là đối với những lớp, những khóa mà học phần văn học đơn thuần là một học phần có trong chuẩn khung chương trình đào tạo chứ không phải là chuyên ngành sâu.
Ví dụ học phần Văn học Hàn Quốc trong khung chương trình cử nhân Hàn Quốc học, các sinh viên này học tiếng Hàn là chủ yếu. Điều này tương tự với ngành Nhật Bản học, hay các ngành đất nước học khác. Có nhiều rào cản để yêu cầu sinh viên tiếp nhận văn chương trong khi tầm đón đợi của các em hoàn toàn khác.
Vậy chúng ta cần có biện pháp nào để cải thiện, thưa thầy?
Giảng viên văn học Trần Xuân Tiến: Sau thời gian trăn trở, tôi tự nghiệm rằng tôi đã quá duy ý chí trong một nỗ lực bất khả thi.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và mỗi cá nhân hoàn toàn có quyền lựa chọn cho riêng mình một niềm thích thú đối với bất kỳ một lĩnh vực nhất định nào đó.
Muốn thành công, chương trình mới cần tính đến cách mạng 4.0 |
Từ cách nghĩ tích cực đó, trong các buổi học, tôi bắt đầu tự phân nhóm (trong im lặng) các sinh viên mà mình giảng dạy.
Sẽ có những sinh viên dành nhiều tình cảm cho văn chương, xem văn chương như một niềm đam mê cuốn hút, đây là nhóm thứ nhất, rất cần trao đổi thường xuyên để khuyến khích sở thích của các em.
Sẽ có những sinh viên rất nhiệt tình tham gia tiết học nhưng chớ vội xếp vào nhóm thứ nhất, vì sự năng động mà các em thể hiện trên lớp hiện diện trong tất cả các môn học, đây là nhóm thứ hai, không hẳn có cảm tình đặc biệt với văn chương nhưng luôn tích cực quan tâm đến bài giảng.
Nhóm thứ ba là nhóm… trung lập nhưng không có nhiều phản ứng rõ rệt về thái độ của bản thân đối với môn học. Và nhóm còn lại, tất nhiên rồi, là những sinh viên có định kiến xem văn chương là ủy mị, sến súa nên đã thường bày tỏ tâm lý ca thán, uể oải đối với môn học.
Như vậy, với mỗi nhóm sinh viên đặc thù, tôi sẽ cố gắng có những phương pháp sư phạm riêng để thu được kết quả dạy và học tốt nhất có thể. Khi phân nhóm và áp dụng phương thức giảng dạy khác nhau cho mỗi nhóm, tôi dần thu được những kết quả khả quan hơn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày càng lan rộng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đại học. Theo thầy, giảng dạy văn chương cần thay đổi ra sao, trước những thách thức và cơ hội này?
Giảng viên văn học Trần Xuân Tiến: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi thế giới. Giảng dạy văn chương không nằm ngoài bức tranh chứa đựng sự biến chuyển có nhiều ý nghĩa đó của nhân loại. Là một người trong cuộc, với vai trò giảng dạy, tôi đánh giá đây là cơ hội lớn.
Theo tôi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến cho bốn đối tượng sinh viên mà tôi phân nhóm như trên trở nên gần nhau hơn, ít nhất là về mặt ứng dụng văn chương trong cuộc sống. Tức là, cơ hội chuyển hóa, vận dụng văn chương vào cuộc sống của các em là ngang nhau, cả thuận lợi lẫn khó khăn.
Giảng dạy văn chương ngày nay, theo tôi, không đơn thuần chỉ là công việc rao truyền những giá trị nghệ thuật mà các bậc thầy văn chương đã sáng tạo nên, trong phạm vi của những trang sách, mà xa hơn cần tạo ra một cơ chế để người học có thể sử dụng văn chương như là một trong những kỹ năng của đời thường, một trong những vốn liếng để thực hành sống.
Cách mạng công nghiệp 4.0 chứng kiến cuộc chạy đua khốc liệt chưa từng có nhằm biến kho tàng tri thức trừu tượng thành sản phẩm cụ thể để phục vụ tốt hơn nữa cuộc sống của nhân loại.
Đây là những trải nghiệm quý giá mà theo cách giảng dạy truyền thống sẽ khó thỏa mãn. Công tác giảng dạy văn chương rất cần quan tâm đến sự thay đổi này.
Có thể nói, không một lĩnh vực nào trong cuộc sống thiếu vắng sự hiện diện của văn chương, cho dù đó là công nghệ tân tiến, hiện đại nhất. Người thầy cần làm sáng rõ vấn đề này và khơi dậy những nỗ lực sáng tạo từ người học để quá trình vận dụng văn chương vào cuộc sống trở thành một nhu cầu tự thân, bức thiết và tất yếu.
Như vậy, văn chương sẽ hiện diện như là một thành tố tất yếu của bất kỳ một nghề nghiệp nào. Có thể hiểu đơn giản như vậy. Và đó là một nỗ lực còn dài ở phía trước, không chỉ từ phía người dạy.
Cảm ơn thầy đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này. Chúc thầy sức khỏe và thêm thành công!