LTS: Dạy thêm, học thêm đã trở thành vấn nạn mà nhiều người lên án bởi những hậu quả tác động đến học sinh.
Trong bài viết này, thầy Bùi Nam nhấn mạnh đến việc phải cấm hoàn toàn việc giáo viên dạy thêm trong giờ hành chính.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vấn đề dạy thêm, học thêm luôn là một đề tài nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, giáo viên và nhân dân trong cả nước.
Việc dạy thêm đã để lại nhiều hệ quả rất xấu cho ngành giáo dục, từ o ép học sinh học thêm, học thêm khiến học sinh lười tự học, lười suy nghĩ, học thêm chính là việc vay mượn kiến thức sau đó hầu hết đều quên hết chỉ có mất tiền, mất thời gian là thật.
Gia đình học sinh thì ngày càng nghèo hơn, học sinh học càng thụ động hơn có nhiều em bị bệnh kể cả tâm thần do học quá nhiều và áp lực thành tích học tập.
Và quan trọng là các học sinh học giỏi đỗ vào các trường đại học danh tiếng hay đạt các suất học bổng đi du học nước ngoài đa số nhờ tự học mà không phải từ học thêm.
Là giáo viên hàng ngày phải chứng kiến việc các em học sinh lao vào việc học thêm, cha, mẹ các em phải tốn một khoản tiền không nhỏ để cho các em học thêm, tôi cảm thấy thật áy náy với bản thân, với người thân và với chính các em học sinh.
Phải quản lý chặt việc dạy thêm để tránh những hậu quả xấu gây bức xúc xã hội. Ảnh minh họa: infonet.vn |
Nỗi trăn trở của lãnh đạo và giáo viên
Trong ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết nhiệm vụ năm học 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2018 – 2019.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu: “từ xin điểm làm đẹp học bạ cho đến dạy thêm, học thêm có phải từ các thầy cô không gương mẫu hay không?
Năm học này, Bộ trưởng phải phát động làm sao các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, không thể như thế này được.
Ai vi phạm, nhất định phải ra khỏi ngành.
Khi sa thải một người ra khỏi ngành, mất việc làm, tác động không tốt đến người đó và gia đình. Nhưng, chúng ta không phải vì thế mà làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ”.
Dịch dạy thêm, học thêm trái phép bắt đầu bùng phát tại Hải Phòng |
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi vào sáng 12/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của mình; đồng thời chia sẻ thế hệ trước đây học không nặng nề mà rất nhiều kiến thức từ thửa nhỏ còn nhớ mãi, học sinh được hưởng 3 tháng hè trọn vẹn, trong khi giờ gần như không có nghỉ hè, học thêm quá nhiều, không có tuổi thơ vui chơi.
Bản thân tôi, sau nhiều bài viết và nhiều bài viết của các tác giả khác trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bàn về việc giáo viên dùng quyền lực để o ép học sinh học thêm như:
Đa số giáo viên dạy thêm vì tiền, Phải xử lý mạnh tay giáo viên dạy thêm, Giáo viên phải thề không dạy thêm trái pháp luật, Dịch dạy thêm, học thêm trái phép bắt đầu bùng phát tại Hải Phòng, Năm trước thành tích rất cao năm sau vẫn phải ào ào học thêm,…
Điều đó cho thấy việc dạy thêm đã biến tướng nghiêm trọng, rất nhiều người phản đối dạy thêm chỉ có người dạy thêm là ủng hộ.
Dạy thêm và quản lý việc dạy thêm
Theo định nghĩa dạy thêm là hoạt động tổ chức hoạt động dạy và có thu tiền, mọi hoạt động dạy khác không thu tiền không gọi là dạy thêm.
Hoạt động dạy thêm thực chất là hoạt động kinh doanh, mua và bán trong thị trường giáo dục!
Như trường hợp học sinh học yếu và giáo viên tổ chức kèm cặp, phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức không có thu tiền không gọi là dạy thêm.
Vi phạm dạy thêm còn rất nhiều nhưng đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có động thái gì để ngăn chặn biến tướng của dạy thêm hay xử lý mạnh tay giáo viên vi phạm dạy thêm.
Việc dạy thêm được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, nhưng hiện nay thông tư trên đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, từ khi ban hành thông tư trên đến nay, việc dạy thêm theo tôi không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn.
Do đó thay đổi Thông tư 17 để hạn chế dạy thêm học thêm là tất yếu.
Tôi rất hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản, thông tư về siết chặt dạy thêm học thêm hơn nữa để tiến tới cấm giáo viên hưởng lương dạy thêm.
Vì sao dạy thêm giờ hành chính hầu hết là trái pháp luật
Tôi rất hy vọng về nền giáo dục tiên tiến như một số nước trên thế giới không có dạy thêm học thêm như Phần Lan, Singapore, Úc,… khi đó mọi giáo viên đều dạy hết mình yêu thương học sinh, như con, em của họ.
Tôi đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu các văn vản quy phạm pháp luật để có thể tìm ra giải pháp nhằm để hạn chế dạy thêm.
Đến hôm nay sau quá trình nghiên cứu tôi cảm thấy rất vui, rất vui vì tôi tìm được giải pháp để các nhà lãnh đạo, quản lý có thể tham khảo có thể chỉ đạo để hạn chế tối đa việc dạy thêm học thêm.
Rất mong nhận được sự lưu tâm từ lãnh đạo các cấp và nhân dân.
Tôi nhận thấy việc cấp phép và giáo viên dạy thêm trong giờ hành chính hầu hết đều trái luật vì các căn cứ pháp lý sau đây:
Thứ nhất, Thông tư số: 36/1999/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ đối với ngành giáo dục và đào tạo qua đó quy định giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông làm việc 40 giờ/tuần.
Thứ hai, Văn bản số: 03/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ở điều 5 – chương II quy định về thời gian làm việc, nghỉ hàng năm của giáo viên quy định thời gian làm việc ủa giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông là 42 tuần/năm.
Thứ ba, Luật Viên chức số 58/2010/QH12, Luật Giáo dục số 23/VBHN-VPQH quy định về thời gian nghỉ hàng năm của viên chức (nhà giáo) là được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật.
Căn cứ các quy định trên ngoài nhiệm vụ giảng dạy các tiết theo định mức quy định của từng cấp học, giáo viên không chỉ giảng dạy, giáo dục và làm các công tác khác trừ thời gian nghỉ lễ, tết, nghỉ hè, giáo viên phải làm việc 42 tuần/ năm học và 40 giờ/tuần (giờ hành chính).
Như vậy có nghĩa là giáo viên đang hưởng lương từ sự nghiệp công lập ngoài các tiết giảng dạy có thể dùng thời gian còn lại để soạn bài, học tập bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt tổ, nhóm,… hay nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động đã được nhà nước trả lương cho thời gian trên.
Vì thế, không được dùng giờ hành chính để dạy thêm, nếu dạy thêm trong thời gian trên là trái pháp luật, vì vừa nhận lương nhà nước, vừa “ăn cắp” giờ hành chính của nhà nước để dạy thêm nhận tiền, đây là việc làm sai trái cần chấn chỉnh.
Có một số bình luận của một số giáo viên dạy thêm là tại sao bác sĩ làm thêm được nhưng tại sao giáo viên không được làm thêm?
Lương giáo viên còn thấp không dạy thêm sẽ không đủ sống?
Thì nay đã rõ bác sĩ cũng như giáo viên là viên chức cùng làm việc 40 giờ/tuần, bác sĩ được khám bệnh nhưng làm ngoài giờ hành chính.
Giáo viên muốn dạy thêm phải dạy ngoài giờ hành chính thì chỉ còn thời gian chiều tối và ban đêm, nhưng thời gian chiều tối là thời gian nghỉ ngơi, chơi thể thao của học sinh hay ban đêm nếu bắt học sinh học thêm thu tiền thì “ác” quá.
Còn về chế độ lương chưa tương xứng thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang nghiên cứu xem xét cho phù hợp chứ không thể vì lương chưa cao mà làm điều trái pháp luật.
Nên việc dừng dạy thêm trên cả nước là hợp lý và phù hợp với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và dần dần trả lại môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, nhân văn.
Phải cấm giáo viên dạy thêm trong giờ hành chính
Quận Bình Tân sẽ thực hiện nhiều biện pháp chống dạy thêm không phép |
Hiện nay lợi dụng thông tư cho phép giáo viên đang hưởng lương được dạy thêm ngoài nhà trường, khi được cấp phép nhiều giáo viên dạy thêm trong giờ hành chính rất nhiều, dẫn đến những hậu quả khôn lường mà nhiều bài viết đã phân tích.
Như đã phân tích ở trên việc dạy thêm là sai, trái pháp luật nên giáo viên phải ngừng ngay việc dạy thêm trong giờ hành chính ở nhà, ở các trung tâm dạy thêm.
Đề nghị các trung tâm dạy thêm không tổ chức cho giáo viên dạy thêm đang hưởng lương dạy trong giờ hành chính.
Kiên quyết dẹp các trung tâm dạy thêm nếu vi phạm.
Kiên quyết cho ra khỏi ngành nếu giáo viên cố tình vi phạm làm hoen ố hình ảnh người thầy, hoen ố môi trường giáo dục.
Quy định đã rõ, rất mong Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ban ngành khác, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật và triển khai công văn về việc thực hiện nghiêm việc 40 giờ/tuần của giáo viên, chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay nhất là trong giờ hành chính.
Tôi thật tâm hy vọng sau bài viết của tôi, các cấp lãnh đạo xem xét và tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan sẽ cải thiện rõ rệt.
Rất mong!