Hội thảo khoa học “Hệ giá trị-mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” do Qũy hòa bình và phát triển Việt Nam phối hợp với Hội khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Tới dự buổi hội thảo có bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Qũy hòa bình và phát triển Việt Nam; ông Trần Kiều -Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam; ông Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển…
Quang cảnh hội thảo khoa học “Hệ giá trị-mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” (Ảnh: Thùy Linh) |
Tại hội thảo nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến quan trọng.
Khi phát biểu khai mạc bà Nguyễn Thị Bình cho biết: Khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể tuy nhiên vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc đặc biệt là văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi gây bức xúc dư luận.
Đó cũng là nguyên nhân chỉ ra vì sao đất nước ta phát triển kinh tế tốt mà văn hóa xã hội thì không.
Cho nên, đề tài về "Hệ giá trị với tư cách mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục" là sự tiếp nối của hai đề tài nghiên cứu về giáo dục mà Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã thực hiện trong những năm 2007-2013.
Trong quá trình nghiên cứu hai đề tài ấy, một vấn đề lớn luôn được các tác giả đặt ra là mục đích/mục tiêu giáo dục.
Theo báo cáo đề dẫn: Văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi bộc lộ ở mọi mặt đời sống, nổi bật là những biểu hiện bất chấp, coi thường các quy phạm đạo đức, pháp luật và thái độ thờ ơ, vô cảm với những người chứng kiến.
Thậm chí nhiều trường hợp giết nhau chỉ vì lợi ích rất nhỏ hoặc do mâu thuẫn trong ứng xử… Đây là tín hiệu báo động về sự tha hóa nhân tính, khủng hoảng giá trị, bế tắc xã hội.
Bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Qũy hòa bình và phát triển Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Thùy Linh) |
Có ý kiến cho rằng trách nhiệm này thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Về mặt giáo dục, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm phát triển vốn con người để tăng trưởng kinh tế thì chưa đủ.
Vì vậy, với giáo dục, mục đích tối hậu phải là phát triển con người, làm cho mỗi cá nhân đều cảm thấy xứng đáng là giá trị cao nhất của mọi giá trị.
Nhằm thực hiện mục đích ấy, trong bất kỳ tình huống nào nhà trường vẫn phải khắc phục các khuyết tật của mình, tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi.
Muốn thực hiện được, nhà trường phải là một cộng đồng văn hóa, việc hình thành các giá trị đạo đức, luân lý phải là phần quan trọng nhất trong các hoạt động nhà trường. Như vậy rất cần xác lập một hệ giá trị với tư cách mục tiêu phát triển nhân cách của người học.
Trách nhiệm giáo dục bây giờ thuộc về ai, nhà trường, gia đình hay xã hội?(GDVN) -Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? có nhiều người đổ lỗi cho đó là bị tác động bởi "mặt trái của kinh tế thị trường". |
Hệ giá trị cá nhân với tư cách mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục quốc dân cần bảo đảm hài hòa giữa các đặc tính cá nhân và xã hội, dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại, trong đó các giá trị nền tảng và giá trị cốt lõi với hàm ý các giá trị này tạo thành chân đế và bộ khung của nhân cách.
Để các nhà khoa học có thêm thực tiễn về xây dựng hệ giá trị cho việc hoàn thiện phát triển nhân cách học sinh phổ thông, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng) đưa ra hệ giá trị “5 tự” của học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng đang triển khai trong chương trình giáo dục học sinh là: sống tự chủ, sống tự lập, sống tự tin, sống tự trọng và tự chịu trách nhiệm.
Ngoài việc xây dựng hệ giá trị thì cần phải quan tâm thực hiện đến phẩm chất năng lực của nhà giáo và văn hóa học đường. TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Cần phải khôi phục lại nề nếp giáo dục gia đình vì nó đang xuống cấp, khủng hoảng. Không xóa đói giáo dục gia đình chúng ta sẽ không thành công giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội”.
Đồng thời muốn giáo dục không xuống cấp, không khủng hoảng thì cần phải nghĩ đến “thể chế dùng người tài, người có ích cho xã hội” thì xã hội mới phát triển được, nếu không nó sẽ bị bóp méo bởi những hệ phản giá trị của những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường.