Một số điều lưu ý khi thí sinh đăng kí phiếu xét tuyển NV1,2,3,4

28/07/2015 16:16
Thùy Linh
(GDVN) - Năm 2015 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “Hai trong một”. Một hình thức thi mới sẽ dẫn đến nhiều thí sinh bỡ ngỡ trong việc đăng kí xét tuyển các NV.

Năm 2015, để nộp hồ sơ thì buộc thí sinh phải hiểu rõ việc xét tuyển nguyện vọng vào các trường Đại học, Cao đẳng.  Nếu không rất có thể sẽ xảy ra 2 hậu quả: 

Hậu quả 1: Thí sinh không đỗ vào bất cứ một trường Đại học, Cao đẳng nào. Có thể do thiếu kịp thời dẫn đến có thể gặp trục trặc về mặt thời gian nộp hồ sơ, gặp trục trặc về thời gian rút hồ sơ,…

Hậu quả 2: Thí sinh không được học trường hoặc ngành ưa thích. Có thể do nộp không kịp thời hoặc hiểu sai lệch về nguyện vọng. 

Chính vì vậy, thí sinh cần nắm rõ, nắm chắc và nắm đúng quy trình nộp hồ sơ xét tuyển từng nguyện vọng như sau: 

Năm 2015, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh sẽ được nhận đồng thời 4 giấy chứng nhận kết quả chia thành 2 nhóm: Một giấy xét NV1 + 3 giấy ứng với các nguyện vọng bổ sung (NV2, NV3, NV4). 

Thí sinh cần nắm rõ, nắm chắc và nắm đúng quy trình nộp hồ sơ xét tuyển từng nguyện vọng (Ảnh: Xuân Trung)
Thí sinh cần nắm rõ, nắm chắc và nắm đúng quy trình nộp hồ sơ xét tuyển từng nguyện vọng (Ảnh: Xuân Trung)

Với mỗi nguyện vọng học sinh có thể xét tuyển tối đa 4 ngành của cùng một trường hoặc xét 4 khối của cùng một ngành (nếu ngành đó xét tuyển nhiều khối và nếu thí sinh thi đủ tổ hợp tất cả các môn mà trường đó yêu cầu). 

Tuy nhiên trong từng đợt xét tuyển đó mà thí sinh đăng kí 4 ngành hoặc 4 khối của một ngành thì đều phải ghi thứ tự ưu tiên. Ưu tiên 1 là ngành nào, ưu tiên 2 là ngành nào, ưu tiên 3 là ngành nào và ưu tiên 4 là ngành nào. 

Ví dụ: Thí sinh A thi vào ngành Sư phạm Vật lý thì thí sinh A có thể được đăng kí trong trường ĐH Sư phạm Hà Nội như sau: 

Nếu khoa Vật lý tổ chức xét tuyển gồm có tổ hợp các môn: Toán - Lý – Hóa; Toán – Lý – Anh; Văn – Lý – Toán; … thì thí sinh A được phép đăng kí cùng ngành Vật lý đó và có thể có thứ tự ưu tiên là: 

Ưu tiên 1: Toán – Lý – Hóa

Ưu tiên 2
: Lý – Hóa- Anh

Ưu tiên 3
: Toán – Văn –Lý

Ưu tiên 4: Toán – Lý – Anh

Hoặc thí sinh A có thể đăng kí cùng lúc 4 ngành của cùng một trường. Ví dụ trong trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh A có thể đăng kí: 

Khối A: Đăng kí khoa Lý. 

Khối B: Đăng kí khoa Sinh.

Khối C: Đăng kí khoa Địa. 

Khối D1: Đăng kí khoa Tiếng Anh. 

Nhưng để được tham gia xét tuyển nhiều trường, nhiều khối thì buộc thí sinh phải đáp ứng tất cả các môn trong các khối đó. 

Trong mỗi đợt xét tuyển Bộ GD&ĐT có quy định số ngày: nộp hồ sơ, đăng kí hồ sơ nên các thí sinh cần nắm rõ để tránh những hậu quả đáng tiếc. 

Do năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu cứ sau 3 ngày, các trường Đại học, Cao đẳng phải công bố số lượng thi sinh đăng kí xét tuyển the thứ tự từ điểm cao tới thấp. Và thí sinh căn cứ vào chỉ tiêu xét tuyển của trường đó để ước chừng mình có thể đỗ hay không?

Trong thời gian xét tuyển, nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có quyền rút hồ sơ để đăng kí xét tuyển vào trường khác phù hợp hơn.

Điều này buộc thí sinh phải liên tục cập nhật trên website của các trường mà mình đăng kí để cập nhật thông tin kịp thời nhất để xoay chuyển phương án kịp thời hiệu quả. 


Lưu ý đối với xét tuyển nguyện vọng 1: 

- Khi  đăng kí xét tuyển NV1, thí sinh được dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dành cho xét tuyển NV1 để đăng ký. 

- Nếu thí sinh trúng tuyển NV1 thì các nguyện vọng còn lại sẽ không còn giá trị.

- Khi đăng kí xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vị trí ưu tiên 1 thì không được xét các ưu tiên còn lại. 

Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển, thí sinh được phép thay đổi ngành học đã đăng kí hoặc rút hồ sơ để nộp vào các trường khác.

Tuy nhiên, việc rút và chuyển nguyện vọng thí sinh cần phải cân nhắc về mặt thời gian. Hạn chế tối đa tình huống rút hồ sơ giữa chừng. 

Đối với việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NV2, NV3, NV4): 

- Nếu thi sinh trượt NV1 thì mới có cơ hội xét tuyển. 

- Thí sinh dùng 3 bản chính giấy chứng nhận kết quả sử dụng đồng thời cho các đợt  xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Có nghĩa là với 3 giấy nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể nộp đồng thời 3 trường. 

Ví dụ: Trong đợt xét tuyển lần 2: thí sinh có thể nộp 3 trường: ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm HN, ĐH Bách khoa HN. 

Và với mỗi nguyện vọng của một trường, thí sinh cũng có thể đăng kí tối đa 4 ngành hoặc 4 khối trong cùng một ngành giống như NV1. Có nghĩa là trong đợt xét tuyển lần 2 này, thí sinh có thể đăng kí tối đa 12 ngành của 3 trường. 

- Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng  bổ sung nếu không trúng tuyển, thí sinh được phép rút hồ sơ đăng kí dự thi để đăng kí vào trường khác ở đợt tiếp theo. 

- Nếu đợt 2, thí sinh không đỗ ở đợt đăng kí xét tuyển thì rút hồ sơ để đăng kí vào các trường khác ở đợt 3, 4. 

Riêng đối với các trường Công an, Quân đội thí sinh chỉ nộp vào 1 ngành và 1 khối chứ không được đăng kí nhiều ngành của một trường hoặc nhiều khối của cùng một ngành. 

Chúc các em thành công!

Thùy Linh