Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, khoảng giữa tháng 2 này, Bộ sẽ công bố, ban hành chính thức Quy chế kỳ thi quốc gia THPT. Nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh, đặc biệt các em học sinh rất mong chờ những thông tin chính thức ấy.
Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thành kỳ thi quốc gia chung, được xem là bước đột phá trong đổi mới giáo dục, hy vọng mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nhân dân và Nhà nước.
Trong khi chờ đợi Quy chế thi ban hành, hầu hết các trường THPT trên cả nước đã, đang có những bước chuẩn bị khá chủ động, tích cực về định hướng, lựa chọn môn thi, tổ chức phụ đạo, dạy tăng tiết cho các em học sinh lớp 12.
Thầy Trương Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa ( Quảng Ngãi) cho hay:” Nhằm chuẩn bị cho các em lớp 12 có tâm thế, tự tin tốt nhất trước kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, từ tháng 10.2014, nhà trường đã phân công giáo viên ôn tập trái buổi cho các em 3 môn thi bắt buộc, với số lượng 1 buổi/tuần. Sau khi kết thúc học kỳ 1, trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký theo nguyện vọng và dự kiến sẽ bắt đầu phụ đạo vào đầu tháng 2 này.
Đồng thời, nhà trường cũng cho các em đăng ký nguyện vọng giáo viên trực tiếp ôn tập. Như vậy, các em sẽ có điều kiện học tập tốt nhất, nhằm trang bị cho mình những kiến thức để bước vào kỳ thi quan trọng này. Đến tháng 4.2015, sau khi hoàn thành chương trình học chính khóa, trường sẽ tiếp tục tổ chức ôn tập cho các em vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH. Đến cuối tháng 5, các em sẽ được nghỉ và ôn tập tại nhà”.
Thầy Đặng Văn Giữ, Hiệu trưởng, trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: "Kỳ thi “ 2 trong 1” sắp tới nhà trường, thầy cô giáo chúng tôi lo lắng lắm, vì đây toàn là con em đồng bào dân tộc thiểu số từ 6 huyện miền núi Quảng Ngãi theo học, khả năng học tập, thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng các môn văn hóa , nhất là môn Tiếng Anh, Toán của các em còn hạn chế, yếu kém nhiều.
Chúng tôi đã tổ chức dạy tăng tiết, tăng buổi các môn thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ và những môn tự chọn cho học sinh 12. Dự tính, sau kết thúc chương trình, nhà trường tiếp tục ôn tập cho các em đến khoảng đầu tháng 6. Nhìn chung, các em biết lo lắng và rất tích cực ôn tập, học bài; buổi không học và ban đêm nhà trường bố trí cho các em từ ký túc xá đến tự học, học nhóm, truy bài dưới sự quản lý, giám sát của các thầy cô giáo.
Nắm bắt được khả năng và thực lực của học sinh mình, nhà trường cũng định hướng học sinh lớp 12 nên thi ở cụm địa phương với mục tiêu công nhận tốt nghiệp, học nghề, trung cấp, cao đẳng và chọn các môn tự chọn phù hợp, dễ kiếm điểm như Lịch sử, Địa lý. Qua khảo sát, đăng ký, phần lớn học sinh 12 đi theo định hướng của nhà trường”.
Các trường đại học dần hé lộ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh năm 2015
(GDVN) - Các trường đại học như Đại học Đà Nẵng, Đại học Ngân hàng Tp Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Thái Bình... công bố chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh 2015.
Được biết, về phía Sở GD & ĐT Quảng Ngãi, năm nay có sự quan tâm, chỉ đạo khá sát sao việc dạy và học ở nhà trường phổ thông, đặc biệt các trường THPT, học sinh lớp 12 bằng công văn hướng dẫn ôn tập, giảng dạy và tổ chức thi học kỳ 1 theo đề chung của Sở. Trong đó, đề thi các môn tự nhiên có sự phân hóa rõ rệt, đề thi môn xã hội có hướng mở để các em làm quen. Dự kiến thi học kỳ II đối với khối lớp 12, Sở GD & ĐT Quảng Ngãi sẽ tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 toàn tỉnh để các em có cơ hội làm quen, tập dượt với kỳ thi quốc gia “2 trong 1”.
Trường THPT Nguyễn Văn Xiện ở huyện An Bình ( tỉnh Kiên Giang), nhà trường cũng đã tổ chức cho gần 250 học sinh khối lớp 12 đăng ký môn tự chọn và tổ chức, sắp xếp theo các môn học.
Thầy Trần Văn Tâm, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để ôn tập có hiệu quả, giáo viên có trách nhiệm ôn tập chuẩn kiến thức cho học sinh trung bình và nâng cao cho học sinh khá. Riêng đối với học sinh, nhà trường cũng định hướng cho các em mức độ đề thi có sự phân hóa rõ rệt.
Theo đổi mới của Bộ, các em không chỉ thi theo Cụm mà kỳ thi còn gộp lại nên giữa các thí sinh sẽ có tính cạnh tranh cao. Vì vậy các em cần củng cố và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết”.
Điều khiến nhiều trường THPT cả nước lo ngại là tỷ lệ học sinh đăng ký các môn tự chọn không đồng đều giữa các môn khối tự nhiên và khối xã hội. Số lượng học sinh đăng ký các môn xã hội không cao, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức ôn tập.
Lịch sử là môn mà học sinh ít chọn nhất, có không ít trường chỉ có vài em đăng ký dự thi. Mặc dù số lượng học sinh không nhiều, thậm chí quá ít ỏi, song các nhà trường vẫn tổ chức thành một lớp để ôn tập, phụ đạo cho các em.
Qua trao đổi với một số đồng nghiệp ở các trường THPT, chúng tôi được biết, năm nay, có nhiều học sinh chọn môn thi tự chọn không những xuất phát từ khả năng bản thân mà còn do yếu tố chất lượng, cách dạy của giáo viên bộ môn đó khá tốt, hợp với “gu” của các em.
Trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Mộ Đức ( Quảng Ngãi), trong 310 học sinh lớp 12 thì bước đầu đã có đến hơn một nửa số đó đăng ký chọn thi môn Lịch sử. Hỏi ra mới biết, các em ở đây chọn thi môn Lịch sử nhiều, vì 5 cô, thầy giáo ở đây dạy môn này dễ hiểu, tạo được hứng thú.
Môn Sinh học năm nay học sinh cũng ít lựa chọn nhưng thật “lạ” các lớp do cô giáo N.T.E ở một trường THPT thuộc huyện Tư Nghĩa ( Quảng Ngãi) lại có đến trên hai phần ba học sinh chọn đăng ký thi môn Sinh học, vì lẽ quan trọng cô giáo này dạy rất nhiệt tình, chăm chút học sinh và có phương pháp dạy học tốt. Mấy “ hiện tượng” cụ thể nêu trên cho chúng ta thấy vấn đề cốt lõi, nơi nào, trường nào, thầy cô giáo bộ môn nào tâm huyết, dạy tốt thì các em sẽ cảm nhận được ngay và mạnh dạn, tự tin lựa chọn môn thi ấy. Nó thể hiện phần nào đấy niềm tin tưởng của học trò đối với những giáo viên đang dạy mình.
Em Nguyễn Thị Thanh Trang, học sinh lớp 12, trường THPT Chư Sê ( Gia Lai) cho hay: "Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, số môn thi tốt nghiệp cũng chỉ 4 môn, giống như năm trước. Mặt khác, học sinh được quyền lựa chọn các môn tự chọn mà mình có thế mạnh, học tốt để thi, đỡ được một phần vất vả, áp lực, mệt mỏi cho việc học, ôn tập, thi cử.
Em nghĩ kết quả thi tốt nghiệp của chúng em năm nay sẽ có tỉ lệ đậu cao. Tuy vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có nhiều thay đổi, về thời gian môn thi, đề thi, nhất là địa điểm thi đi lại, di chuyển xa; kết quả thi tốt nghiệp còn tham gia vào xét tuyển ĐH, CĐ, có tới 4 giấy chứng nhận thi tốt nghiệp, 16 nguyện vọng….khiến chúng em rất lo lắng và bối rối.
Trước những đổi mới đó, chúng em trông mong cấp trên, nhà trường, thầy cô giáo trong thời gian sắp đến hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thi tốt nghiệp, lựa chọn ngành nghề, làm hồ sơ xét tuyển ĐH,CĐ cho chúng em thật kỹ lưỡng, chu đáo, vì thực tế thông tin về thi cử, ngành nghề trên mạng khá nhiều, thành nhiễu loạn, lắm lúc độ tin cậy không cao, giữa quảng bá với thực tế trường lớp khi ra học còn có khoảng cách khá xa. ”