Năm 2025, tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 chỉ là ước vọng thiếu cơ sở khoa học

26/09/2016 06:30
TS.Mai Văn Tỉnh
(GDVN) - Các cơ quan triển khai Đề án ngoại ngữ quốc dân phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân nếu Đề án gần 9.400 tỷ đồng thực hiện không hiệu quả.

LTS: Dư luận nóng lên sau ngày 17/9/2016 với các ý kiến trái chiều về Hội nghị “Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2008-2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức triển khai giai đoạn tiếp 2016-2020 với  định hướng 2025. 

Nguyên là chuyên viên cao cấp Vụ Đại học Bộ GD&ĐT, đã cùng các chuyên gia đầu ngành ngoại ngữ Nga, Anh, Trung và Pháp xây dựng chương trình đổi mới dạy-học ngoại ngữ bậc Đại học, Cao đẳng chuyên và không chuyên ngữ những năm đầu thập kỷ 90 trong điều kiện ngân sách rất eo hẹp, TS.Mai Văn Tỉnh có một vài ý kiến góp ý với việc thực hiện đề án trong giai đoạn 2016-2025. 

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và ý kiến của riêng tác giả. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thứ nhất, nhìn một cách khái quát, Đề án này được thực hiện theo Quyết định số 1400/NQ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng phê duyệt.

Tên Đề án là “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2000-2020” với kinh phí dự toán giai đoạn 2008-2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 4.378 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là 4.300 tỷ đồng.

Tổng cộng là 9.378 tỷ đồng (mục 2, điều IV QĐ 1400/QĐ-TTg). 

TS.Mai Văn Tỉnh (Ảnh: Thùy Linh)
TS.Mai Văn Tỉnh (Ảnh: Thùy Linh)

Đề án có Ban chỉ đạo quốc gia do Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và UBND các tỉnh thành. Điều này chứng tỏ, Đảng và Nhà nước có quyết tâm chính trị rất cao đầu tư vào chiến lược dạy-học ngoại ngữ nhằm tạo thế mạnh đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam. 

Thứ hai, qua nghiên cứu tài liệu về Hội nghị ngày 17/9/2016 và kết luận của Bộ trưởng cho thấy việc thực hiện Đề án giai đoạn 2008-2015 và định hướng triển khai giai đoạn 2016-2020 còn có một số hạn chế sau:

-Chưa có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện và tình hình giải ngân giai đoạn 2008-2015.

Tài liệu Hội nghị ngày 17/9/2016 đưa ra chỉ tiêu định lượng theo QĐ/1400/2008 triển khai Đề án, nhưng tình hình thực hiện như thế nào (so với chỉ tiêu đề ra trong QĐ-1400)?

-Thiếu vắng cơ sở xác định các tiêu chí đã được xây dựng trong Đề án: ví dụ khái niệm Chuẩn quốc gia là gì? Chuẩn mực hay Định chuẩn (Standard/Normative)? Tiêu chỉ nào xác định chuẩn hóa, lượng giá trình độ kỹ năng? 

Cần làm rõ điều này để tránh tình trạng chạy đua đạt chuẩn quốc gia nhà trường; Cơ sở nào định lượng chỉ tiêu % bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ cho giai đoạn tới hay chỉ dựa vào kết quả thi THPT quốc gia 2016?

Năm 2025, tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 chỉ là ước vọng thiếu cơ sở khoa học ảnh 2

Bộ Giáo dục giải thích về "ngoại ngữ thứ nhất" và "ngoại ngữ thứ hai"

(GDVN) - Chiều 22/9, Bộ GD&ĐT phản hồi thông tin về dự kiến thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông.

-Khung năng lực tiếng Anh 6 bậc quốc gia so với chuẩn quốc tế châu Âu, chuẩn Anh-Úc, chuẩn Bắc Mỹ như thế nào là những vấn đề cần làm rõ thêm để áp dụng cho các vùng miền khác nhau.

-Quyết định 1400/2008 khẳng định tiếng Anh là ngoại ngữ. Vậy dựa trên cơ sở nào cả về pháp lý lẫn khoa học mà các chuyên gia tham mưu cho Bộ trưởng khẳng định định hướng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tới 2025?
 
Cơ sở nào để quy định thứ tiếng khác (Nga, Trung) là ngoại ngữ 1, còn các tiếng khác (Pháp, Nhật, Hàn) là ngoại ngữ 2 ngoài tiếng Anh? Lộ trình chuẩn bị giáo viên cho các thứ tiếng này thế nào mà đã định triển khai từ năm học 2017-2018? 

Ai và cơ chế nào quyết định những tiếng này là ngoại ngữ 1 và 2 để triển khai từ lớp 3 bậc Tiểu học?

Ai có quyền chọn?

Học sinh/phụ huynh hay nhà trường sẽ quyết định chọn? 

Liệu người dân có phải đôn đáo chay trường, lớp bằng tiền vì lớp dạy ngoại ngữ con em họ theo học không đủ giáo viên dạy thứ tiếng họ muốn?  

Không thấy có tiêu chí khu biệt chuẩn cần đạt cho các vùng miền khác nhau (đồng bằng, miền núi, hải đảo).
 
Còn việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt thì sao? Có được coi là ngoại ngữ không?

Nếu duy ý chí coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì dựa cơ sở khoa học nào để khẳng định, võ đoán 10 năm nữa (2025) sẽ đạt được? 

Thiết nghĩ không nên so sánh với Singapore là nước tách khỏi Malaysia (1965) vốn là thuộc địa của Anh và chỉ có vài triệu dân. Tuy thế ngay ở nước này cũng có Singlish (tiếng Anh cho người Singapore). 

Ngay Thái Lan là nước có lịch sử phi thuộc địa (non-colonial) với hệ thống giáo dục Tây phương hóa (Anh-Mỹ) từ thế kỷ 19, đã áp dụng hệ thống tín chỉ ở cả phổ thông và đại học từ lâu, ấy vậy mà người dân Thái tuổi trung niên trở lên vẫn không nói thạo tiếng Anh.

Thứ ba, xét theo chiều dài lịch sử ngôn ngữ-văn hóa, nước Việt Nam chịu 1000 năm Bắc thuộc mà tiếng Hán không thể trở thành ngôn ngữ thứ hai (có chữ Nôm cho trí thức bình dân với đại bộ phận dân nghèo mù chữ), dưới 100 năm Pháp thuộc tiếng Pháp không thể là ngôn ngữ thứ hai. 

Ví dụ trí thức có học mà nói tiếng bồi để tả con hổ là “nó tí ti jaune (vàng), tí ti noir (đen), nó sực cả toa, nó sực cả moa”. 

Năm 2025, tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 chỉ là ước vọng thiếu cơ sở khoa học ảnh 3

“Nếu dạy Ngoại ngữ mà không chuẩn thì thà không dạy còn hơn”

(GDVN) - “Chúng ta không đưa ra mục tiêu đến năm bao nhiêu thì tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai nhưng phải tạo được sự thay đổi dần dần."

Ngoài nói tiếng tây bồi, phương pháp dạy-học ngoại ngữ nhiều thế kỷ qua vẫn chỉ tầm chương trích cú, nặng lý thuyết văn phạm, nhẹ dạy kỹ năng thực hành nên khả năng giao tiếp rất kém.

Ngoài giờ học ngoại ngữ trên lớp, người học không có môi trường tiếng để thực hành luyện tập và giao tiếp. 

Ngày 19/5/2015 GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT có bức tâm thư gửi Bộ Chính trị đã tha thiết đề nghị Bộ Chính trị và Ban bí thư ban hành một chỉ thị về chiến lược dạy-học tiếng Anh như Chỉ thị 58/2000 phát triển công nghệ thông tin với hy vọng việc dạy và học tiếng Anh sẽ tốt hơn ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng ngoại ngữ chỉ là công cụ giao tiếp, chứ không phải là công cụ chính trị.

Việc học tốt bất cứ ngoại ngữ nào đều phụ thuộc vào nhu cầu tự thân, tự học là chính, không thể áp đặt duy ý chí, nhất là trong nền kinh tế thị trường. 

Cái mà Việt Nam thiếu lâu nay chính là một chiến lược quốc gia về ngôn ngữ/ngoại ngữ đúng đắn dài hạn, có cơ chế mềm dẻo để học sinh sinh viên tự chọn, phục vụ nhu cầu hành nghề sau khi ra trường. 

Điều này không thấy nêu trong Đề án.

Các chuyên gia ngoại ngữ xuất sắc của Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều này nếu Chính phủ biết lắng nghe và mời họ tham gia  xây dựng chiến lược dạy-học ngoại ngữ tầm quốc gia.

Trong bài viết “Cái bắt buộc tất yếu sinh ra đổi mới” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 10/3/2016, chúng tôi đã phân tích: 

“Tiếng Anh - công cụ toàn cầu cho quốc tế hóa giáo dục được hiểu như thế nào?

Trong khi các nhà nghiên cứu giáo dục thách thức tính phổ quát của quan niệm và thực tiễn giáo dục phương Tây, thì tiếng Anh - công cụ toàn cầu cho quốc tế hóa giáo dục, có nét độc đáo mới, tác động mạnh lên chương trình đào tạo, sư phạm học và công tác đánh giá. 

Tuy nhiên, việc quá nhấn mạnh vào tiếng Anh đặt người không phải bản ngữ vào thế bất lợi, làm mất giá trị tiếng mẹ đẻ - chỉ dấu quan trọng của bản sắc văn hóa và cách nhận biết bản địa. 

Ở Việt Nam, khi xác định ưu tiên, thách thức hàng đầu nhằm phản ứng với toàn cầu hóa, các lãnh đạo đại học Việt Nam thường bắt đầu chú ý quá mức đến nhu cầu đào tạo tiếng Anh. 

Có lỗi quốc gia về chiến lược ngoại ngữ trong quá khứ (khi có chiến tranh với ngoại xâm nào thì lại bỏ dạy ngoại ngữ đó ở bậc THPT và Đại học vì coi nó là công cụ chính trị). Hiện tại việc dạy-học ngoại ngữ lại không hề chú ý đến nhu cầu người học ngoại ngữ trong kinh tế thị trường".


Thứ tư, bản tham luận của một số lãnh đạo Sở GD&ĐT (Bến Tre, Quảng Ngãi…) gửi tới Hội nghị cho thấy việc triển khai Đề án chỉ lập kế hoạch xin cấp kinh phí, giải ngân là chính. 

Ngoài việc dùng tiền Đề án mua quá nhiều trang thiết bị đắt tiền, việc sử dụng không hiệu quả, mua sắm không đúng quy định đấu thàu nhà nước chứng tỏ Ban chỉ đạo quốc gia triển khai Đề án quốc gia này rất quan liêu, thiếu trách nhiệm.

Ví dụ có địa phương than phiền phải đấu thầu tuyển chuyên gia đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo phương pháp chào hàng cạnh tranh (hình thức để mua sắm hàng hóa chứ không áp dụng cho tuyển tư vấn). 

Nếu đây là Dự án cấp kinh phí ODA, chắc chắn phải có sự giám sát, hậu kiểm chặt chẽ từng giai đoạn triển khai và sẽ tránh được nhiều lãng phí và sai lầm.

Chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề khác nếu Quốc Hội và Chính phủ cho thanh kiểm tra việc triển khai Đề án này trong giai đoạn 2008-2015. 

Dư luận giới chuyên môn và xã hội khá băn khoăn định hướng chiến lược năm 2025 dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai liệu có phủ toàn quốc được không hay chỉ là một ước vọng thiếu cơ sở khoa học?  

Tại sao không sử dụng vốn xã hội và các nguồn lực có sẵn như các khóa học on-line, MOOCs vv, các chương trình ESP (tiếng Anh cho mục đích chuyên biệt) của nước ngoài soạn sẵn để tạo môi trường thực hành tiếng như chiến lược thông minh ở nhiều nước trong khu vực. 

Bộ GD&ĐT là cơ quan điều phối, nhưng Ban chỉ đạo quốc gia cho Đề án, cụ thể Bộ Tài chính là cơ quan cấp ngân sách, và UBND các tỉnh/thành triển khai Đề án ngoại ngữ quốc dân phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân nếu Đề án gần 9.400 tỷ đồng triển khai không hiệu quả. 

Vấn đề không chỉ là tiền và đều là tiền thuế của dân, mà triển khai Đề án quốc gia như thế này sẽ có nguy cơ làm cho Việt Nam tiếp tục tụt hậu vài thập kỷ nữa so với các nước láng giềng kém phát triển trong khu vực như Myanmar, Lào và Campuchia.

Tài liệu tham khảo: 

1/ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”

2/ Tài liệu về Hội nghị “Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2008-2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 17/9/2016 để triển khai giai đoạn tiếp 2016-2020 với  định hướng 2025.

3/ http://www.moet.gov.vn/ttbt/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=4074

4/ http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160919/de-an-gan-10000-ti-dong-den-nay-lam-duoc-gi/1173678.html

5/  http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ra-soat-chuan-cua-giao-vien-tieng-anh-ca-nuoc-3469834.html

TS.Mai Văn Tỉnh