Ngô Sĩ Tồn - viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông - Trung Quốc |
Tân Hoa xã ngày 21 tháng 6 đăng bài viết nhan đề vừa thách thức vừa xuyên tạc cho biết "Trung Quốc không nên tham gia trọng tài Biển Đông, có đầy đủ căn cứ luật pháp quốc tế".
Bài viết dẫn lời Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc cho rằng, lập trường "không chấp nhận, không tham gia" Philippines đưa tranh chấp Biển Đông lên tòa án trọng tài quốc tế của Trung Quốc "có đủ căn cứ luật pháp quốc tế" (?), đồng thời "do trọng tài quốc tế hoàn toàn không có cơ chế thực hiện, bất kể cuối cùng đưa ra phán quyết như thế nào, Trung Quốc cũng không cần quan tâm".
Cùng ngày, trong thời gian Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ ba do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, Ngô Sĩ Tồn trả lời báo chí cho rằng, căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, tranh chấp quyền lợi biển có liên quan đến "quy thuộc lãnh thổ" (sở hữu lãnh thổ) "đứng ngoài trình tự giải quyết tranh chấp mang tính cưỡng chế". Ngô Sĩ Tồn coi "tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, hoàn toàn không áp dụng được (với luật pháp quốc tế)".
Như vậy, Trung Quốc nhấn mạnh tranh chấp quyền lợi biển hiện nay là tranh chấp lãnh thổ và tòa án trọng tài không có quyền hạn phán quyết. Tuy nhiên, Philippines kiện nội dung Trung Quốc giải thích sai Công ước, chứ không kiện Trung Quốc về lãnh thổ, tất nhiên vấn đề Philippines kiện sẽ có lợi cho bác bỏ tuyên bố "đường lưỡi bò" bất hợp pháp của Trung Quốc.
Ngoài ra, Ngô Sĩ Tồn lý sự cho rằng, căn cứ vào Công ước, tiền đề của trọng tài cưỡng chế đơn phương là hai bên tranh chấp hoàn toàn không gạt bỏ cơ chế trọng tài bên thứ ba, "mà giữa Trung Quốc-Philippines hoàn toàn có thỏa thuận song phương, đã loại trừ cơ chế trọng tài bên thứ ba" (Nhưng, thực tế và rõ ràng là, Philippines đã thấy không thể đàm phán với Trung Quốc, nên họ quyết tâm kiện).
Theo Ngô Sĩ Tồn, điều 4 của Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong đó có Philippines công bố năm 2002 quy định, tranh chấp Biển Đông do các nước đòi hỏi chủ quyền liên quan trực tiếp thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị, dùng phương thức hòa bình để giải quyết.
Ông Ngô Sĩ Tồn phán tiếp: Thứ ba, năm 2006, Trung Quốc đã căn cứ vào điều 298 của Công ước công khai tuyên bố, Trung Quốc tự động đứng ngoài trình tự trọng tài cưỡng chế trong các vấn đề như quy thuộc đảo đá liên quan, phân định ranh giới biển, quyền lợi lịch sử, hành động quân sự hoặc hành động mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã đưa ra quyết định.
Sau 2 tháng Philippines đưa ra "cáo trạng" lên tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc-Philippines, đầu tháng 6 năm 2014, tòa án trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc trình báo cáo phản hồi chậm nhất là vào ngày 15 tháng 12 năm 2014. Đối với vấn đề này, chính phủ Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh lập trường: Không chấp nhận, không tham gia.
Tàu chiến Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam |
Theo Ngô Sĩ Tồn, tòa án trọng tài quốc tế này được thiết lập lâm thời dựa vào phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, vẫn chưa mở phiên tòa thụ lý, điều họ trước tiên phải làm là xem xét bản thân có quyền xử lý vụ kiện hay không. Chuyên gia Trung Quốc hiện nay đang theo dõi chặt chẽ vụ kiện này, đồng thời tập trung nghiên cứu vấn đề quyền xử lý vụ kiện của tòa trọng tài nhưng thực chất là đang tìm kẽ hở để đưa ra, biện minh cho những hành động ngang ngược của mình.
Ông ta cho rằng, mặc dù vấn đề Biển Đông được đưa ra phán quyết, do tòa án trọng tài quốc tế không có cơ chế thực hiện cưỡng chế, Trung Quốc "hoàn toàn không quan tâm" đến phán quyết. Phía Philippines biết rõ điều này, họ "cố ý đưa ra vụ kiện với mục đích thực sự là tạo ra dư luận, bôi đen Trung Quốc" - Ngô Sĩ Tồn lo ngại.
Về tình hình khu vực Biển Đông hiện nay, Ngô Sĩ Tồn cho rằng, tình hình tổng thể của Biển Đông tuy "có thể kiểm soát", nhưng "tranh chấp" chủ quyền đảo đá và khai thác tài nguyên (thực chất là Trung Quốc đang ra sức xâm lấn Biển Đông, cho tàu chiến, máy bay quân sự... xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam...) làm cho tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên, triển vọng tiến hành hợp tác không hề lạc quan.
Ông Tồn tuyên truyền, việc "tư pháp hóa" vấn đề Biển Đông là một xu thế mới của tình hình Biển Đông hiện nay. Vấn đề Biển Đông đã có từ lâu, vô cùng phức tạp, không phải là chỉ thông qua cơ chế của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển là có thể giải quyết.
Tàu tuần tiễu săn ngầm Hải quân Trung Quốc tham gia xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam |
Ông Tồn nói: "Một số nước đơn phương đưa tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra cơ chế bên thứ ba, chỉ có thể làm cho tranh chấp tiếp tục phức tạp hóa, khiến cho các nước liên quan tiếp tục đối đầu, cũng không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp".
Có lẽ, theo ông ta, Trung Quốc tìm cách biến đá ngầm của Việt Nam thành đảo, xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bắn chìm tàu cá của Việt Nam, cắt đứt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough... thì đây là những hành động hòa bình, sẽ làm cho Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh? Đây đúng là bản chất "phát triển hòa bình", "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc!
Ngô Sĩ Tồn đưa ra đề xuất: Các bên ở khu vực Biển Đông tăng cường lòng tin, tích cực thúc đẩy hiệp thương để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), làm cho nó trở thành cơ chế kiểm soát khủng hoảng quan trọng của Biển Đông. Nhưng, ông ta quên rằng, ASEAN luôn mong muốn xây dựng cơ chế này, song Trung Quốc luôn làm chậm trễ nó và chỉ muốn làm dần dần, hòng kiếm thời gian từng bước xâm lấn, tạo hiện trạng mới có lợi cho họ, thực chất đó là những hành động vi phạm trắng trợn DOC.
Đối với hợp tác giữa các bên ở khu vực Biển Đông, Ngô Sĩ Tồn dụ dỗ và đánh lạc hướng cho rằng: Các bên cần "dần dần từng bước, từ lĩnh vực ít nhạy cảm quá độ sang lĩnh vực nhạy cảm, chẳng hạn học tập kinh nghiệm thành công xử lý tràn dầu ở các khu vực như vịnh Mexico, xây dựng cơ chế phản ứng nhanh tràn dầu khu vực Biển Đông, ngăn chặn sự cố tràn dầu đe dọa môi trường sinh thái và an toàn hàng hải ở khu vực Biển Đông; xây dựng cơ chế tìm kiếm cứu nạn liên hợp trên biển; triển khai hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng hóa sinh học và lĩnh vực năng lượng.
Trung Quốc âm mưu biến đá ngầm thành đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Như vậy, Ngô Sĩ Tồn đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận, tìm kiếm hợp tác ở các lĩnh vực khác, trong khi vấn đề cấp bách trước mắt và vô cùng nóng bỏng hiện nay là Trung Quốc đang xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vấn đề cấp bách hiện nay là Trung Quốc rút giàn khoan 981 vô điều kiện khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam... chứ không phải làm những việc xa vời như ông ta kiến nghị.
Ông Tồn "dịu giọng" nói: "Trông đợi các bên phá vỡ cục diện bế tắc tranh chấp chủ quyền đảo đá và quyền quản lý biển hiện nay, lấy dũng khí siêu phàm và tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy tiến trình hợp tác khu vực Biển Đông, từ đó thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển khu vực này". Với lời lẽ này có lẽ ông Tồn muốn các nước ven Biển Đông phải lấy “dũng khí siêu phàm” để chịu đựng Trung Quốc bắt nạt và dùng “tầm nhìn chiến lược” để Trung Quốc lấn dần, không phản ứng, bảo đảm giữ “hòa bình” cho Trung Quốc “phát triển”?
Theo bài báo, diễn đàn hòa bình thế giới do Đại học Thanh Hoa Trung Quốc chủ trì thực hiện, Viện ngoại giao nhân dân Trung Quốc tham gia, là diễn đàn an ninh quốc tế cấp cao, phi chính thức đầu tiên do Trung Quốc tổ chức.