Nhà trường khổ sở, bội thực vì giấy tờ, báo cáo... quá nhiều

23/02/2018 06:13
THIÊN ẤN
(GDVN) - Nhiều địa phương, cấp quản lý ngành giáo dục chưa hề có động thái, biện pháp cải cách nào cả, tiếp tục “hành hạ” cấp dưới với đủ các loại hồ sơ, báo cáo...

LTS: Phản ánh áp lực gánh nặng về hồ sơ giấy tờ, các thủ tục báo cáo quá nhiều tại trường phổ thông năm này qua năm khác, thầy giáo Thiên Ấn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định rõ để giải quyết vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Qua diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, năm 2016, tôi từng có bài viết phản ánh về tình trạng các cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục ngập đầu trong làm hồ sơ, báo cáo… được nhiều bạn đọc cả nước đồng tình.

Trong bài, tôi cũng đề nghị các cấp quản lý giáo dục và tổ chức đảng cấp trên cần sớm tinh giản các loại báo cáo, biểu mẫu, hồ sơ không cần thiết, chồng chéo gây lãng phí công sức, thời gian của cấp quản lý ở nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng áp lực, quá tải trong việc đọc tài liệu, làm báo cáo, hồ sơ… đối với các Ban giám hiệu, cán bộ phụ trách tổ chức đảng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Các cán bộ quản lý giáo dục ở cấp cơ sở tiếp tục bị “hành hạ”, bị áp lực vô cùng.

Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: Pinterest.com
Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: Pinterest.com

Trước hết là các tổ chức cơ sở đảng, nếu là chi bộ đảng thì đỡ việc, đỡ báo cáo, còn nếu là đảng bộ (có số đảng viên từ 30 người trở lên) thì "cả trời" tài liệu, báo cáo, công việc…

Mỗi năm có 4 đến 5 chuyên đề sinh hoạt đảng theo chủ điểm của cấp trên đưa xuống, yêu cầu cấp dưới phải tổ chức thực hiện.

Nào trang trí biểu ngữ, nào mời lãnh đạo cấp trên về dự, nào phân công viết và trình bày tham luận, nào gửi kết quả sinh hoạt về cấp trên…

Cứ mỗi một nội dung, chủ điểm, nghị quyết của thành phố, tỉnh, trung ương ban hành, sau khi tổ chức học tập, quán triệt trong đảng viên, quần chúng, đối với cấp ủy đảng, các đảng viên trong từng chi bộ, đảng bộ là phải viết cam kết, kế hoạch, chương trình hành động, một bản lưu ở chi bộ, đảng bộ, còn một bản, tập hợp lại gửi lên tổ chức đảng cấp trên.

Đơn vị nào chậm trễ thì ngay lập tức bị cấp trên nhắc nhở, phê bình qua điện thoại, trong các hội nghị.

Nhà trường khổ sở, bội thực vì giấy tờ, báo cáo... quá nhiều ảnh 2Thầy cô gồng mình với gánh nặng hồ sơ sổ sách

Để có sản phẩm kịp thời gửi lên cấp trên, một số cán bộ, đảng viên buộc phải tận dụng, cóp nhặt trên mạng, chỉnh sửa sơ sơ gì đó, kiểu như sao chép sản phẩm sáng kiến kinh nghiệm khi thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, đăng ký các danh hiệu thi đua hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm.

Hàng tháng có đến cả chồng tài liệu gửi về các chi, đảng bộ.

Một số tài liệu về thông tin, số liệu của Ban tuyên giáo phát hành vào cuối tháng, đầu tháng đã rất cũ kỹ, lạc hậu, không còn tính thời sự nữa nhưng các chi, đảng bộ vẫn phải tiếp nhận, chất thành chồng trong tủ.

Chi bộ không đặt mua và đọc báo đảng của địa phương và trung ương cũng bị phê bình, kiểm điểm.

Trong khi thông tin, thời sự ở địa phương và cả nước, các cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên đã cập nhật hàng ngày qua Internet, báo mạng…

Có một số đảng viên từng đề xuất ý kiến lên cấp trên, những tài liệu, sách, báo nào mà chậm về thông tin, thừa về số lượng thì không cần thiết in ấn, phát hành và bắt phải mua, để đỡ lãng phí, tốn kém kinh phí và thời gian của đơn vị.

Nhưng cấp trên vẫn chưa có kế hoạch, biện pháp để khắc phục tồn tại ấy.

Nhiều cán bộ, đảng viên ở trường học bây giờ thường có tâm lý chán và né tránh làm cấp ủy đảng, vì quá mệt mỏi với các công việc kiểm tra, giám sát, công việc đọc tài liệu, viết các loại báo cáo, làm các biểu mẫu theo yêu cầu của tổ chức đảng cấp trên.

Các tổ chức đảng chuyên trách như Đảng ủy xã, huyện ủy, tỉnh ủy… hay sản sinh ra các chủ điểm, báo cáo, tài liệu… là chuyện bình thường, không mấy áp lực, nặng nề.

Song đối với các đơn vị trường học, ngoài công tác đảng ra, còn phải gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề về chuyên môn, các hoạt động giáo dục, các loại báo cáo, biểu mẫu của quản lý cấp trên thì quả thực là quá sức, khó thể làm tốt được, nếu tài liệu, báo cáo, sinh hoạt, tổ chức chuyên đề cử nhiều và dày đặc như hiện nay.

Các tổ chức đảng cấp trên cần có một chế độ riêng, tinh gọn về gửi báo cáo, biểu mẫu, tài liệu, sinh hoạt đối với các đơn vị, ngành nghề đặc thù như trường học.

Hệ thống email kết nối giữa các trường và Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo lúc nào cũng đủ thứ báo cáo, biểu mẫu yêu cầu của bộ phận, phòng, ban cấp trên đến các cơ sở giáo dục.

Nhà trường khổ sở, bội thực vì giấy tờ, báo cáo... quá nhiều ảnh 3Có quá nhiều các loại hồ sơ sổ sách vô bổ

Vất vả, áp lực nhất là giai đoạn kết thúc học kỳ 1 và cả năm học, mỗi nhà trường phải báo cáo tới 25 biểu mẫu cho Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Mà đâu phải báo cáo cho một đầu mối là Văn phòng, nào là còn Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Giáo dục phổ thông nữa chứ.

Tại sao các đơn vị phải gửi một loại báo cáo, biểu mẫu cho nhiều bộ phận, phòng, ban vậy?

Các vị ở trên có thấy sự lãng phí và mất công của cấp dưới hay không?

Bấy lâu nay, các địa phương, trường học thường sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ Pmis để nhập thông tin về cán bộ, giáo viên, nhân viên và gửi về cấp quản lý theo từng năm, từng học kỳ.

Ấy thế mà, khi đi học cái gì, thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều chuyển, nâng hạng… thì tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên lại phải viết sơ yếu lý lịch gửi lên trên cùng các loại hồ sơ, giấy tờ khác nữa.

Vậy cái phần mềm kia, tốn nhiều tiền bạc và công sức của nhà trường chẳng để làm gì ư?

Thủ tướng Chính phủ từng ra một chỉ thị về yêu cầu cải cách hành chính, trong đó có tinh giản hồ sơ, giấy tờ từ năm 2006.

Thế nhưng 12 năm qua, nhiều địa phương, cấp quản lý ngành giáo dục lại không hề có động thái, biện pháp cải cách nào cả, tiếp tục “hành hạ” cấp dưới với đủ các loại hồ sơ, biểu mẫu, báo cáo.

Tôi thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một thông tư quy định cụ thể về chế độ họp hành, hồ sơ, báo cáo, biểu mẫu, giấy tờ đối với ngành giáo dục.

Cứ để trôi nổi thế này, mạnh ai nấy làm, hứng lên bắt cấp dưới báo cáo suốt thế này là rất không ổn.

THIÊN ẤN