Liên quan đến những lùm xùm trong kỳ thi tuyển giáo viên tại các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, hiện sở Nội vụ đang đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, đi chấm thi lại.
Nhận được thư tố cáo nặc danh
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) xác nhận, trước khi có kết quả cuộc thi, Ban thường vụ huyện ủy đã nhận được một đơn tố cáo nặc danh về những bất thường trong việc thi tuyển giáo viên của huyện.
Việc thi tuyển cả ngàn giáo viên đòi hỏi các địa phương phải có cơ sở "hậu cần" tốt, nguồn nhân lực kinh nghiệm trong việc ra đề, chấm thi... (trong ảnh: kiểm tra thông tin thí sinh tại một cuộc thi viên chức ở Quảng Nam/AP) |
Tuy là đơn nặc danh nhưng Ban thường vụ nhận thấy nội dung đơn có cơ sở và có thể sẽ tạo dư luận không hay nên đã họp để bàn cách giải quyết.
Đồng thời, photo đơn tố cáo này gửi các đồng chí trong Ban thường vụ xem và nắm nội dung đó để chỉ đạo tập trung xử lý.
“Mình thấy không ổn nên huyện ủy làm văn bản gửi Ủy ban nhân dân huyện báo cáo hết quá trình thi tuyển giáo viên diễn ra như thế nào?”, bà Thư nói.
Đã trượt, phúc khảo thành... thủ khoa, bi hài thi tuyển giáo viên ở Quảng Ngãi |
Theo tìm hiểu, không chỉ xuất hiện đơn tố cáo nặc danh mà một số lãnh đạo của huyện còn nhận được tin nhắn phản ánh về những bất cập, khuất tất trong kỳ thi này.
“Có người nhắn tin cho tôi với nội dung: ‘có người ngồi gần cháu làm bài không được nhưng vẫn được chấm điểm cao’.
Tuy nhiên, do không có cơ sở để kiểm chứng nên tôi chỉ khuyên bạn này nên làm đơn phúc khảo”, một nguồn tin cho hay.
Không chỉ xuất hiện dư luận lùm xùm từ khi mới công bố điểm thi (đợt đầu), ngay sau khi có kết quả phúc khảo với việc nhiều thí sinh được tăng điểm một cách bất thường.
Trong đó, có thí sinh tăng cao nhất là hơn 7 - 10 điểm, từ chỗ bị rớt… thành thủ khoa thì càng có nhiều thông tin tố cáo tiêu cực hơn gửi đến các cơ quan chức năng và dư luận.
Nhiều thí sinh bức xúc vì mức chênh lệch điểm giữa trước và sau phúc khảo quá lớn.
“Khi chấm thi, việc điểm số chênh lệch là chuyện bình thường. Nhưng chênh lệch nhiều nhất là 1 – 2 điểm, ở đây lệch hơn 10 điểm thì sao không nghi ngờ được”, một thí sinh bức xúc nói.
“Sức ép” quá lớn từ một kỳ thi
Theo ông Đoàn Dụng, giám đốc sở Nội vụ Quảng Ngãi, theo Nghị định 59 thì sở Nội vụ không dính dáng gì đến việc thi tuyển mà trách nhiệm thuộc về Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố.
Qua nhiều năm không thi tuyển giáo viên, khi tổ chức thi tuyển hơn 1.650 giáo viên thì nhiều huyện/thành phố cũng chịu sức ép khá lớn. Từ khâu tổ chức ra đề - coi thi – chấm thi – công bố… đều cần đến nhân lực có kinh nghiệm.
Phúc khảo biến trượt thành thủ khoa thì phải xem xét kỉ luật ban giám khảo |
Có ý kiến cho rằng, với một cuộc thi có hơn ngàn người tham dự (chỉ tính riêng tại Bình Sơn) thì khả năng “hậu cần” của một Hội đồng thi do Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì là không đủ.
Bà Hà Thị Anh Thư chia sẻ, ngay từ đầu kỳ thi, huyện ủy đã nói rõ ràng: nếu các anh làm không được thì nên đề xuất với huyện bố trí cho Ủy ban kiểm tra, Ban tuyên giáo, nếu cần là cả công an để cùng tham gia.
Tuy nhiên, phía Ủy ban nhân dân huyện vẫn khăng khăng là cơ quan này làm được.
“Hiện huyện ủy đã ký văn bản báo cáo nội dung đó và giải quyết dư luận vấn đề đó với tỉnh. Mình không có khả năng và không đủ thẩm quyền để chấm lại. Nên đề nghị nhờ tỉnh hỗ trợ”, bà Thư cho hay.
Dư luận đặt nghi ngờ rằng, trong danh sách thí sinh trúng tuyển nhờ phúc khảo tăng điểm này thì có bao nhiêu người có quan hệ với lãnh đạo huyện!?