Tháng 9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thống nhất tổ chức kỳ thi tuyển hơn 1.658 chỉ tiêu giáo viên cho các cơ sở giáo dục trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
Theo đó, Sở giáo dục và Ủy ban nhân dân các huyện sẽ tự xây dựng kế hoạch cụ thể thi tuyển giáo viên theo quy định.
Theo đại diện sở Nội vụ Quảng Ngãi, có hàng ngàn thí sinh tham gia kỳ thi tuyển lần này.
14 huyện, thành phố của Quảng Ngãi đã thành lập các hội đồng thi tuyển giáo viên (mỗi huyện/thành phố có một hội đồng) để tổ chức thi.
Kỳ thi sẽ bao gồm các phần: thi các môn thi gồm thực hành, nghiệp vụ chuyên ngành và kiến thức chung.
Tuy nhiên, nhiều bất cập, nghi vấn đã nảy sinh sau khi các Hội đồng thi thông báo kết quả điểm số cũng như việc chấm phúc khảo.
Bi hài từ rớt… thành thủ khoa
Tại Hội đồng thi tuyển giáo viên huyện Bình Sơn, sau khi thông báo kết quả vào tháng 2 vừa qua thì có đến 86 trường hợp thí sinh có đơn xin phúc khảo.
Công văn thống nhất thi tuyển hơn 1.650 chỉ tiêu giáo viên của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: AP |
Điểm khá bất thường là sau phúc khảo, có đến 74 trường hợp biến đổi điểm (71 thí sinh tăng điểm và chỉ 3 thí sinh giảm điểm), trong đó có đến 14 người được tăng điểm ở cả hai môn, 10 thí sinh hết điểm liệt.
Việc tăng điểm một cách đột biến tại Hội đồng thi này đã gây xôn xao dư luận. Nhiều nghi vấn được đặt ra sau khi có điểm phúc khảo, bởi có người tăng đến 14 điểm.
Hệ lụy của nó là hàng loạt trường hợp thí sinh từ chỗ bị rớt thành đậu và ngược lại, từ đậu thành rớt.
Ở bộ môn Hóa học (giáo viên trung học cơ sở) có số lượng chỉ tiêu là 2 người nhưng có đến 41 thí sinh tham dự. Theo đó, chị NTTO. có số điểm đứng thứ 3 và bị rớt.
Nhưng sau khi phúc khảo, số điểm chị O. được tăng lên thành 365,67 điểm, vượt qua hai thí sinh được xếp thứ nhất và thứ hai trước đó. Còn chị NTH. với số điểm 363,17 điểm đã bị loại.
Ở bộ môn Tin học có 62 thí sinh tham dự nhưng chỉ có 32 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong lần công bố kết quả điểm đầu tiên thì chỉ có 26 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, những thí sinh còn lại bị “điểm liệt”.
Tuy nhiên, sau khi phúc khảo thì có 11/11 thí sinh được tăng điểm, cá biệt có người tăng lên đến 10 điểm. Qua đó, nhiều thí sinh đã vượt qua kỳ thi để được tuyển dụng với nhiều nghi ngờ.
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, có 86 thí sinh bị rớt đã nộp đơn xin phúc khảo bài thi và sau đó thì có đến 13 trường hợp từ không trúng tuyển lên trúng tuyển.
Theo đại diện huyện ủy Bình Sơn, ngay khi có dư luận xảy ra, đã yêu cầu các Hội đồng thi báo cáo lại hồ sơ, sự việc.
Theo tìm hiểu, tình trạng “tăng đột biến” điểm sau phúc khảo không chỉ xảy ra ở Bình Sơn mà còn ở nhiều Hội đồng thi tuyển giáo viên các huyện khác như: Đức Phổ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa…
Đề xuất thành lập đoàn đi chấm thi lại
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Dụng, giám đốc sở Nội vụ Quảng Ngãi cho hay, đã kiểm tra các thông tin nói trên và ngày 2/4 tới đây sẽ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để thành lập đoàn đi kiểm tra, chấm thi lại.
“Chúng tôi sẽ huy động một số giáo viên có kinh nghiệm, phân ra các đoàn và lên đường đi chấm thi lại.
Số giáo viên này là những người công tâm, đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn thông tư 16 Bộ Nội vụ và do sở Giáo dục và Đào tạo đề cử sang”, ông Dụng nói.
Thi tuyển cạnh tranh nhưng phải đánh giá đúng năng lực người thầy |
Cũng theo ông Dụng, trước hết là các đoàn sẽ chấm lại các bài thi mà lên điểm trên trời sau phúc khảo, gây hoang mang trong dư luận.
“Tuy nhiên, sẽ chỉ chấm lại những bài phúc khảo mà lên điểm đột biến, những bài điểm cao thủ khoa mà bị nghi ngờ…
Mình sẽ lấy ra chấm lại thử. Có thể bốc ngẫu nhiên một số bài thi ra để chấm lại coi có bị “ghìm” điểm không?”, ông Dụng thông tin.
Ông Dụng phân tích thêm, nguyên nhân ban đầu do anh (Hội đồng thi tuyển giáo viện huyện/thành phố) chấm như thế nào đó không biết, mà điểm số lại chênh lệch quá lớn giữa trước và sau phúc khảo.
Theo Nghị định 59 thì sở Nội vụ không dính dáng gì đến việc thi tuyển mà trách nhiệm thuộc về Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố.
“Riêng cấp trung học phổ thông do sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi nghiêm túc thì đã chọn ra được giáo viên đi dạy rồi.
Trong số 14 huyện/thành phố thì có bốn huyện thực hiện nghiêm túc và đã cho giáo viên đi dạy. Còn 10 huyện phải chấm lại. Phải rà soát lại, có thể mất thời gian cả tháng nhưng phải làm đúng quy trình”, ông Dụng khẳng định.