LTS: Đưa ra những nguyên nhân nhằm lý giải vì sao các em học sinh phải học thêm trong dịp hè, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hơn 2 tháng nghỉ hè, nhiều học sinh không có sân chơi, nhất là những sân chơi tập thể.
Vì thế, nhiều em chỉ biết quanh quẩn ở nhà hoặc học thêm với các thầy cô hay tới các trung tâm gia sư để giết thời gian.
Nhiều bậc phụ huynh ở thành phố dù không muốn gửi con học hè nhưng cũng không có nhiều lựa chọn.
Dù biết học hè cũng chẳng mong mang lại nhiều kiến thức cho con em mình nhưng đó là giải pháp khi các em học sinh không có sân chơi, suốt ngày chỉ cắm cúi vào những chiếc điện thoại hay màn hình máy tính.
Các em nhỏ học thêm trong dịp hè (Ảnh minh họa: P.L) |
Học hè có thể nâng cao kiến thức không?
Thực tế, việc học hè không mang lại nhiều kiến thức cho học trò. Phần lớn các thầy cô dạy ở nhà hay trung tâm gia sư cũng chỉ ôn và khái quát lại những kiến thức đã học của lớp trước.
Mỗi buổi học thêm thường là ôn một ít về kiến thức cũ rồi giáo viên giao cho học sinh làm vài bài tập là hết thời gian của buổi học.
Vì chu kỳ nghỉ hè dài mà thầy cô dạy hè hay chủ các trung tâm gia sư đều muốn “giữ chân” trò nên phương châm của họ là giảng lại thật kỹ, thật sâu và quan tâm thật sát tới từng em học sinh.
Mỗi buổi học thường chỉ 90 phút nên thời gian cũng nhanh chóng trôi đi.
Khi bắt đầu vào lớp, thầy cô thường cho lớp khởi động, kể một vài câu chuyện phiếm, làm một vài trò cho học sinh vui vẻ. Sau đó, giáo viên giảng dạy vài chục phút là đến phần luyện tập.
Em này lên làm, em khác nhận xét, thầy cô nhận xét… chỉ thế thôi cũng đã hết thời gian buổi học.
Dạy như thế vừa nhẹ nhàng mà học sinh lại thích bởi ngày hè nên em nào cũng muốn thảnh thơi, thoải mái, chơi vui là chính.
Hơn nữa, nếu giáo viên dạy nhiệt tình thì việc hệ thống lại kiến thức môn học của một lớp chỉ vài ba buổi là cơ bản xong. Nhưng, làm như vậy thì thầy “còn vốn” đâu để dạy trò suốt mùa hè?
Vì thế, thầy cứ “cò cưa” hết mùa hè bằng những cách dạy nhẹ nhàng, đi kĩ, đi chậm và sâu sát tới từng học sinh.
Thực tế, thầy dạy như vậy vừa được tiếng là dạy hay, dạy kĩ, học sinh hiểu bài mà phụ huynh cũng tin tưởng và giới thiệu thêm nhiều học sinh khác đến học nữa.
Khi dạy hết kiến thức cũ của năm học trước thì thầy cô bắt đầu dạy chương trình mới của năm học tới.
Phần này, học sinh chưa học nên khó hơn và cũng vì thế, thầy cứ chậm rãi, thủng thỉnh đi từng vấn đề càng chi tiết, càng tỉ mỉ để học sinh nắm sâu, nắm kĩ.
Một bài một buổi không hết thì 2, 3 buổi cũng có sao đâu.
Càng kĩ, học sinh càng hiểu bài mà dạy thêm thì có ai thúc giục và quản lý về hành chính đâu mà sợ.
Phương châm vừa dạy vừa dỗ, vừa dạy vừa cho học sinh chơi là điều mà các thầy cô dạy thêm hướng tới.
Người trong nghề, ai cũng biết việc dạy trước chương trình là điều cấm kị bởi học trước chương trình không chỉ vi phạm về quy chế chuyên môn mà còn tạo ra sự chủ quan, ỷ lại của học trò khi vào năm học mới.
Nhưng, không dạy trước chương trình thì dạy cái gì suốt mấy tháng hè. Những kiến thức cũ thì giỏi lắm cũng chỉ “cầm cự” được một nửa mùa hè là hết.
Tâm lý phụ huynh
Phải nói rằng tâm lý phụ huynh hiện nay thường rất hay bị động. Nhiều người thấy bạn bè của con mình đi học hè là cũng muốn cho con đi học theo. Bởi, ai cũng sợ không học hè thì con mình sẽ khó theo được bạn bè trong lớp.
Chính vì thế, em này học thì em khác cũng theo. Tâm lý dù tốn một chút nhưng an tâm về tư tưởng vẫn hơn bởi áp lực thi cử, thành tích trong nhà trường hiện nay đã tạo nên sự lo lắng cho phụ huynh.
Không chỉ là tâm lý lo lắng khi con em mình không bằng bạn bè mà nhiều bậc phụ huynh sợ con em mình ở nhà nhiều sẽ không tốt.
Suốt ngày cứ dán mắt vào những trò chơi online, những trò chơi bạo lực thì lại càng nguy hiểm. Vì thế, học thêm cũng là một giải pháp để con ra khỏi nhà, gián đoạn bớt những trò chơi trực tuyến.
Nhất là đối với những bậc phụ huynh đang làm việc công sở, bán buôn phải thường xuyên đi suốt ngày.
Việc không giám sát được con cái nhiều khi trở thành một nỗi lo thường trực. Quan niệm gửi con nhà thầy cô hay trung tâm được thầy cô giám sát, trông coi vẫn an toàn hơn còn học được chữ nào thì hay chữ đó.
Học hè có ai ép không?
Nếu như trong năm học, nhiều người có ý kiến là không học thêm bị thầy cô thế này, thế khác nhưng học hè thì chắc chắn chẳng có thầy cô nào có thể ép được học sinh.
Nếu học sinh tiểu học thì mỗi năm học với mỗi thầy cô, còn cấp 2-3 thì năm học mới học với ai phụ phụ huynh và học sinh cũng không biết được.
Mỗi môn mỗi thầy, mỗi lớp lại có thầy cô khác dạy nên mọi thông tin, kế hoạch phân công giảng dạy ở thời điểm này cũng gần như chưa có.
Chính vì không ràng buộc bất cứ một lý do nào nên phụ huynh cũng đừng bao giờ phải suy nghĩ cứ bắt buộc phải đưa con mình đi học thêm.
Nếu phụ huynh cảm thấy không thích, không muốn thì sẽ có nhiều lựa chọn cho con em mình.
Các em có thể ở nhà, về quê, đi chơi đâu đó hoặc đăng kí các lớp học online miễn sao thấy phù hợp và có lợi cho mình.
Sân chơi nào cho học sinh trong dịp hè?
Trước khi năm học kết thúc, tất cả các địa phương, các trường học đều có kế hoạch sinh hoạt hè cụ thể cho học sinh.
Và, ngân sách hàng năm đều phân bổ về các địa phương, trường học và các đơn vị cơ sở đều nhận được kinh phí sinh hoạt hè cho các em đội viên.
Trong khi, việc sinh hoạt hè cho học sinh chỉ chủ yếu được tổ chức ở các trường lớn, trường điểm. Các trường ở thôn quê gần như đang để ngỏ…
Việc không tổ chức được sinh hoạt hè cho các em học sinh có nhiều nguyên nhân nhưng mấu chốt chính là những giáo viên phụ trách công tác Đoàn-Đội ở các nhà trường cũng như địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc sinh hoạt hè cho các em học sinh.
Dù kinh phí có nhưng thỉnh thoảng, có một vài hội thi thì cũng chỉ có một số rất ít em được tham gia.
Những em được tham gia thường là các em được giáo viên Đoàn - Đội lựa chọn. Vì thế, các sân chơi lớn, sân chơi tập thể ở nhà trường gần không được phát huy.
Một thực tế là giáo viên, cán bộ Đoàn - Đội ở cơ sở hiện nay chưa có nhiều kĩ năng tổ chức sinh hoạt tập thể cho học sinh. Nhất là đội ngũ cán bộ Đoàn - Đội ở nhà trường.
Phương châm của các Ban giám hiệu khi phân công đội ngũ này thường là những giáo viên nào thiếu tiết, giáo viên nào yếu chuyên môn thì phân công.
Phần nhiều trường sư phạm chưa có khoa Đoàn - Đội nên giáo viên đảm nhận công tác này đều là “tay ngang” chưa có nghiệp vụ.
Chính vì vậy mà sinh hoạt hè dù năm nào các địa phương cũng phát động rầm rộ nhưng khâu thực hiện lại gần như bỏ ngỏ.
Vì thế, vừa lãng phí kinh phí cấp về hàng năm, vừa không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt hè.
Sân chơi tập thể của địa phương, trường học gần như không có nên việc phụ huynh lựa chọn cho con em mình đi học thêm hè cũng là một điều dễ hiểu.
Nên chăng, các tổ chức Đoàn và ngành giáo dục cần có sự kiểm tra sâu sát hơn ở cơ sở để công tác sinh hoạt hè được đi vào nề nếp nhằm hướng tới những sân chơi lành mạnh cho học sinh và cũng là để tránh tình trạng học sinh cứ phải đi học thêm hè tràn lan như hiện nay.