Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017, cả nước có khoảng 866.000 thí sinh dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi.
Tại thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng điểm thi nhiều nhất với 114 điểm thi. Thành phố Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa cùng có 112 điểm thi. Địa phương có lượng điểm thi ít nhất là tỉnh Kon Tum với 13 điểm thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, kỳ thi quốc gia 2017, Hà Nội có 275 điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi cho thí sinh, với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi trên địa bàn là 72.939 hồ sơ.
Năm nay, Hà Nội có 112 điểm thi với 3.057 phòng thi. Tổng số cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi là 7.018, trong đó có 3.542 cán bộ, giảng viên trường đại học, 3.476 cán bộ, giáo viên trường phổ thông và 1.120 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi.
Cả nước có khoảng 866.000 thí sinh dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Điểm mới năm nay là các điểm thi trải rộng khắp các quận, huyện thay vì tập trung thi tại các điểm trường đại học, trung học phổ thông ở các quận nội thành như mọi năm. Huyện có điểm thi xa nhất là Ba Vì với khoảng cách xa nhất là 20 km (điểm thi trường Trung học phổ thông Bất Bạt).
Kỳ thi quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 21/6 đến ngày 24/6. Cụ thể, ngày 21/6 các thí sinh sẽ làm thủ tục thi và chỉnh sửa lại lần cuối các thông tin cá nhân. Ngày 22/6, ngày 23/6 và sáng 24/6 các thí sinh sẽ tham dự kỳ thi chính thức.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội.
Hành trình "áp tải" đề thi vượt biển ra đảo, ngược xuôi miền núi |
Với các thí sinh học chương trình giáo dục Trung học phổ thông phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông sẽ phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Lưu ý, khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có Chứng minh nhân dân. Trong trường hợp không có Chứng minh nhân dân thì phần mềm quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các đơn vị hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 7/7.
Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ chậm nhất ngày 14/7.
Bộ thành lập 10 đoàn thanh tra công tác thi quốc gia
Ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin với báo chí, để đảm bảo công bằng nghiêm túc cho tất cả các thí sinh cần nhiều giải pháp.
Thanh tra, kiểm tra là một trong các giải pháp quan trọng. Theo quy chế thì có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát.
Thứ nhất, phải kể đến lực lượng trực tiếp giám sát phòng thi. Quy chế quy định tối đa 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát.
Cán bộ làm giám sát sẽ có nhiệm vụ rất cụ thể: Anh ta có quyền giám sát cả việc làm của giám thị và các lực lượng khác và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy giám thị không đảm bảo đúng quy định.
Thứ hai, thanh tra các sở, họ sẽ thanh tra tất cả các điểm thi. Họ thanh tra từ điểm trưởng cho đến giám thị.
Lực lượng thứ 3 là thanh tra Bộ sẽ thanh tra tất cả các sở, các hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, đến giám thị thực hiện đúng chức trách của mình. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thi các cấp cũng thường xuyên kiểm tra công tác thi theo thẩm quyền.
Đã nhận dạng hết thiết bị công nghệ cao gian lận thi cử trong kỳ thi quốc gia |
Để thực hiện việc thanh tra của Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 10 đoàn thanh tra chia theo khu vực.
Thanh tra không cần có mặt liên tục ở tất cả các điểm thi và không nhằm trực tiếp để xử lý một vài trường hợp cụ thể mà nhằm phát hiện ra những việc làm đúng và chưa đúng.
Nếu đúng thì tiếp tục chỉ đạo làm, còn chưa đúng thì sẽ có những chấn chỉnh để làm sao giúp các hội đồng thi làm đúng. Qua đó tác động vào cả hệ thống.
Thanh tra thi khác với thanh tra hành chính. Thanh tra hành chính là xem xét những việc đã diễn ra rồi trên cơ sở hồ sơ, tài liệu sổ sách để đánh giá.
Thanh tra thi là xem xét việc đang diễn ra. Cho nên chủ yếu nhằm nhiệm vụ giúp các điểm thi, các hội đồng làm đúng quy chế. Còn nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy chế.
“Giống như mọi năm, Bộ vẫn chỉ đạo thanh tra đột xuất, không báo trước. Chúng tôi sẽ làm thế và chỉ đạo các sở cũng làm như vậy.
Ví dụ, đoàn thanh tra phụ trách 2 tỉnh, thì đương nhiên tỉnh biết chúng tôi đến nhưng chúng tôi đến điểm nào trong cụm thi đó thì họ không biết trước.
Những lưu ý quan trọng với thí sinh khi làm bài thi tổ hợp trong kỳ thi quốc gia |
Tương tự chúng tôi chỉ đạo sở thành lập các đoàn.
Ví dụ sở đó, hội đồng đó có 6 điểm thi thì đoàn thanh tra của sở đến điểm nào cũng không báo trước cho họ, nhằm đảm bảo sự việc một cách khác quan, giúp cho người làm đúng và quản lý tốt. Thanh tra phải xuất kỳ bất ý.
Mọi chủ thể tham gia làm thi đều là đối tượng thanh tra. Không nên nghĩ rằng hôm nay đoàn thanh tra đến rồi thì ngày mai đoàn không đến nữa”, ông Bằng cho biết.
Năm nay công tác thanh tra có điểm mới là các sở, các giám đốc sở thành lập các đoàn thanh tra trong các đó có cán bộ của trường đại học tham gia để tăng tính khách quan.
Các trường đại học tham gia vào cuộc thi này không chỉ với tư cách là giám thị, giám sát mà còn trực tiếp làm thanh tra.
Đặc biệt, theo ông Bằng, năm nay bên cạnh việc cử các đoàn thanh tra theo khu vực, Bộ còn có đoàn thanh tra thường trực có nhiệm vụ tổng hợp tình hình từ các sở, các đoàn; trực đường dây nóng; khi cần sẽ điều đi hỗ trợ các địa phương khi phát sinh vấn đề phức tạp.