LTS: Chỉ ra góc khuất đằng sau việc ôn thi lại trong hè của các em học sinh, tác giả Đăng Bình đã có bài viết chia sẻ.
Theo đó, tác giả cho rằng, việc thi lại là hình thức hợp thức hóa kết quả trách khi chuyện ngồi học nhầm lớp bị phanh phui.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tổng kết năm học, giáo viên hồ hởi được nghỉ xả hơi 2 tháng hè sau những tháng ngày vắt sức cày chữ cùng học sinh.
Thế nhưng vẫn còn một số thầy cô phải đến trường tổ chức ôn tập cho học sinh chưa hoàn thành môn học và một số em phải rèn luyện trong hè vì vi phạm đạo đức trong năm.
Lớp học hè (Ảnh minh họa: thuonghieucongluan.com.vn). |
Dạy ôn để xét lên lớp cho đúng “quy trình”
Học sinh nằm trong diện thi lại chủ yếu là những học sinh “không thể dạy nổi, không thể học được” theo cách nói của một số giáo viên.
Đó là những em học lớp 3, 4, 5 nhưng không biết một chữ bẻ đôi, không thể nghe viết dù chỉ đôi dòng nguệch ngoạc.
Là những học sinh lớp 6, 7, 8, 9 đọc vẫn ê a, toán cộng trừ đơn giản làm cũng không xong.
Dù thế, những học sinh này cũng không được ở lại lớp vì “trường sẽ mất chuẩn”, trường lại khó lên chuẩn vì vướng chỉ tiêu. Không được ở lại lớp, không được lên lớp thẳng vì sợ rắc rối về sau.
Thế là giải pháp tối ưu mà nhà trường chọn là đưa các em vào diện thi lại để “lên lớp cho đúng quy trình”.
Trường sẽ tập trung những đối tượng học sinh này lại với nhau phân công giáo viên dạy, rèn luyện trong hè.
Nếu giáo viên bỏ công sức ôn tập cho học sinh mà các em tiến bộ thật sự thầy cô cũng chẳng tiếc công.
Hoặc đã bỏ công ôn tập thì phải tổ chức thi nghiêm túc, em nào đáp ứng được thì lên lớp, em nào yếu quá sẽ ở lại, giáo viên sẽ thấy vui lòng.
Đằng này, ôn tập hè chỉ là tấm bình phong để “học sinh lên lớp đúng quy trình” nên giáo viên cứ tiếc hoài công sức mình bỏ ra để dạy.
Có giáo viên bức xúc nói rằng “ôn thi lại kiểu này chỉ chuốc khổ vào thân, trước sau xác định cũng phải cho lên lớp, sao không cho lên ngay từ đầu có phải đỡ vất vả hơn không?”.
Thầy cô đã từng được trả lời “học sinh ở lại là không được vì không còn chỗ ngồi. Thi lại là hình thức hợp thức hóa kết quả trách khi chuyện ngồi học nhầm lớp bị phanh phui".
Giáo viên phải tìm học sinh để dạy
Tuần 3 buổi thầy cô thay nhau xuống trường chờ học sinh đến để dạy. Dù dặn 7 giờ 30 phút vào học nhưng các em cứ lững thững hồi lâu mới đến.
Học miễn phí nhưng rất ít khi đi đủ học sinh.
Vắng học sinh, giáo viên phải gọi điện, liên lạc bằng được với gia đình để vận động họ đưa con trở lại lớp.
Trường lo khống chế chỉ tiêu nên cuống lên chứ phụ huynh xác định con họ yếu muốn được học lại nên họ chẳng mặn mà gì việc ôn tập cho có.
Ngày tổ chức thi lại, đề thi chính là đề ôn mà giáo viên dạy bấy nay. Chỉ nhìn chép vào bài thi có em còn chẳng biết chép thế nào.
Thế là khi chấm bài, giáo viên luôn có 2 cây viết (mực xanh và mực tím) của học trò hay viết để sẵn sàng “ra tay giải cứu” khi bài chưa đạt tới mốc 5.
Kết thúc kì ôn tập gần như 100% học sinh đều đủ tiêu chuẩn về kiến thức để lên lớp.
Thành quả này chỉ có nhà trường vui vì không bị khống chế vào các chỉ tiêu thi đua. Riêng phụ huynh buồn vì con học quá yếu cũng không được quyền ở lại.
Giáo viên thì khỏi phải nói, dù chưa vào năm học mới nhưng họ lại vẫn mường tượng ra cái cảnh sang năm học thầy cô lại “bầm chày” với những học sinh cá biệt này.
Để học sinh đến mức không thể học nổi như thế là do các em mất quyền lưu ban. Thay vì ngay từ lớp 1, học yếu sẽ học lại một năm cho chắc thì các em cứ bị đẩy lên mỗi năm một lớp dẫn đến đuối dần và không còn khả năng học nữa.
Chán nản vì học không biết gì và quá thua thiệt bạn bè, nhiều em buông xuôi nghỉ học giữa chừng. Có em học cầm chừng được đâu hay đấy.
Thực trạng đáng buồn này chẳng riêng một trường mà gần như phổ biến ở nhiều trường ở các địa phương.
Câu hỏi “biết bao giờ chấm dứt tình trạng này” được đặt ra hàng ngàn lần nhưng câu trả lời dường như chưa thấy.