LTS: Phản ánh những khó khăn, bất cập trong việc giảng dạy, giáo dục học sinh do công tác phổ cập giáo dục chưa đi vào thực chất, bản thân là một nhà giáo trong bài viết lần này - tác giả Đỗ Quyên đã nêu ra quan điểm của mình trước tình trạng trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thầy Thành, một đồng nghiệp của tôi tan tiết dạy về quẳng chiếc cặp lên bàn với dáng vẻ mệt mỏi. Thầy nói: “Cứ dạy kiểu này thì tẩu hỏa nhập ma lúc nào không hay”.
Rồi thầy kể rằng vì chỉ tiêu thi đua, vì công tác phổ cập nên không dám cho trò điểm yếu vì sợ chúng ở lại, không dám la vì sợ chúng nghỉ học. Nắm được thóp này, chúng bắt chước nhau dây chuyền nên rất khó cho thầy cô trong giảng dạy và giáo dục.
Giáo viên vất vả với công tác phổ cập giáo dục (Ảnh minh họa: laodong.vn). |
Thầy dẫn chứng ngay một cậu học trò lớp 9 tên Dũng ngày nào lên lớp em cũng ngủ gà ngủ gật. Kiểm tra tập bản đồ, em nói trống không: “Không có”. Kiểm tra bài cũ, em nói không thuộc.
Em cũng không ghi chép bài, cũng chẳng có cuốn vở ra hồn. Nếu ghi điểm, em phải lĩnh trọn vài điểm 0 mà như thế em chắc chắn bị điểm liệt và sẽ ở lại lớp.
Thầy Thành nói rằng, mình không thể cho học sinh này điểm liệt vì em ở lại mình cũng khổ. Vì điểm yếu, em chán mà bỏ học, mình cũng không thể yên thân. Rồi lại đến chuỗi ngày vào nhà em năn nỉ, hứa hẹn cho em đi học trở lại. Vậy thì lúc này sao phải làm căng?
Thầy Thành đã nói với Dũng: “Em về học thuộc câu 2 trong bài vừa học, sáng mai thầy kiểm tra". Dũng trả lời ráo hoảnh: "Con không học đâu."
Thầy Thành nhắc lại: "Em phải học bài thầy mới có thể cho điểm được. Không học mà thầy cho điểm 5 là thầy vi phạm, cho điểm kém em sẽ ở lại lớp…”.
Dũng trả lời dứt khoát: "Tùy thầy, thầy làm sao cũng được."
Chẳng riêng gì Dũng, học trò trong lớp cũng nắm được “thóp” thầy cô không dám thẳng tay ghi điểm kém, không dám la mắng, không dám phạt học trò. Thế nên em nào thích thì học, không thì thôi.
Có em kiểm tra miệng mà cho khất đến mấy lần cũng vẫn không thuộc. Đặc biệt những môn học mà theo các em cho là những môn phụ như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Thể dục…nhiều em hầu như không học bài, không chép bài.
Giáo viên khổ sở với phổ cập giáo dục |
Trong giờ học những môn ấy, có em ngang nhiên mang Toán, Anh văn ra làm dù thầy cô đã nhắc nhở nhiều lần vẫn vi phạm.
Những giáo viên phổ cập như chúng tôi vẫn thường than thở, bức xúc mỗi khi nói đến công việc đang làm:
Sinh ra chuyện phổ cập làm giáo dục cứ rối cả lên. Xã hội phải có người làm thầy, người làm thợ.
Vậy nên ai thật sự muốn học cứ để các em học lên. Ai không muốn học thì làm công nhân, học nghề.
Ép chúng học bằng cách du di, cho điểm khống dù có bằng lớp 12 thì trình độ vẫn cứ "i tờ", mà như thế sẽ ảnh hưởng không tốt những học sinh có lực học khá tốt khác.
Khi chưa có phổ cập trung học cơ sở giáo viên cũng còn được tự do đánh giá nhận xét học sinh. Nay thì mọi chuyện đều bị khống chế. Thà cứ để những học sinh này ngồi trong lớp cho có tên chứ chúng nghỉ học coi như rước họa vào thân.
Nhà trường muốn duy trì sĩ số học sinh nên đã khống chế giáo viên bằng chỉ tiêu duy trì sĩ số. Lớp chỉ cần một học sinh nghỉ học, giáo viên cũng bị hạ thi đua.
Thế nên trò nghỉ học, thầy cô phải đi năn nỉ trò trở lại lớp. Thầy cần trò chứ trò chẳng thiết tha gì nên chúng chơi nhiều hơn học thầy cô cũng chịu.
Nghĩ về những năm trước đây, chỉ nghe hai từ đuổi học thì học sinh đã sợ đến toát mồ hôi. Nay cho nghỉ học lại chẳng khác nào ban cho chúng “đặc ân”.
Học trò ngày càng hư hơn, bạo lực học đường cũng diễn ra ngày một nhiều. Dư luận không ngớt lời đặt câu hỏi: “Nhà trường đã dạy dỗ học sinh thế nào để đạo đức học đường ngày càng xuống dốc?”.
Nhưng phận giáo viên phổ cập như chúng tôi, nịnh chúng học còn không xong, làm sao dạy nổi?