LTS: Câu chuyện về học sinh ngồi nhầm lớp đã khiến dư luận hết sức bất bình.
Dù giáo viên có chấp nhận sẵn sàng hạ thi đua để cho học sinh được quyền lưu ban thì vẫn còn đó muôn vàn áp lực từ phía trên.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của nhà giáo Đăng Bình về vấn đề này.
Năm học sắp kết thúc cũng là lúc mà những tồn tại trong ngành giáo dục được phơi bày nhiều nhất.
Hết chuyện xếp loại giáo viên theo các chỉ tiêu đến việc loạn khen nhưng có lẽ căng thẳng nhất vẫn là việc học sinh yếu kém lên lớp hay ở lại.
Thầy cô cứ phải căng đầu nghĩ cách đối phó sao cho "vẹn cả đôi đường".
Một giáo viên dạy kèm cho học sinh trong kỳ nghỉ hè. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại |
Học sinh ở lại thì thầy cô phải có trách nhiệm đem về nhà kèm 2 tháng hè
Cô em họ tôi vốn là giáo viên ở một trường chuẩn quốc gia gọi điện bức xúc vì chuyện lớp em chủ nhiệm cuối năm có đến 2 học sinh xếp loại yếu.
Em nói mình đã cố gắng kèm cặp suốt cả năm trời nhưng các em vẫn chưa đủ trình độ sang năm vào học lớp 5.
Sau quá nhiều đắn đo, em quyết định không nâng điểm cho hai học sinh này. Em nói mình sẵn sàng hạ thi đua nhưng mọi chuyện lại chẳng đơn giản như thế.
Ban giám hiệu nhà trường của em cũng chưa bao giờ lên tiếng buộc bất cứ giáo viên nào phải cho học sinh yếu lên lớp cả.
Câu nói họ thường nhắc nhở thầy cô “đánh giá thật chính xác, yếu quá nên cho ở lại kẻo khổ giáo viên năm tới”. Nghe thì mừng nhưng nói thế mà chẳng phải như thế.
Em kể, Ban giám hiệu nhà trường em cũng khá dễ dãi trong việc đánh giá xếp loại học sinh cuối năm.
Đề thi học kì ra vừa sức, giáo viên coi thi, chấm thi cũng khá linh động.
Nếu thầy cô nào muốn bày biểu cho học sinh yếu hoặc nâng điểm cho những đối tượng này cũng chẳng hề khó khăn gì.
Thế nhưng tâm lý của các thầy cô không muốn cho học sinh lên lớp khi các em chưa thật sự xứng đáng.
Nhưng vì nhiều bất lợi khi giáo viên có học sinh ở lại lớp nên thầy cô thường “nhắm mắt” để cho qua.
Em thì lại khác, lớp chủ nhiệm năm nay có Dũng và Hùng học quá yếu. Lớp 4 nhưng cộng trừ nhân chia đơn giản làm chưa xong. Phần đọc lại cứ ê a như học sinh lớp 1.
Khi danh sách học sinh yếu lớp em trình lên, Ban giám hiệu nói rằng:
“Giáo viên phải có trách nhiệm kèm cặp, dạy dỗ những học sinh này để các em tham gia kiểm tra lại lần 2.
Nếu chưa đạt lại tiếp tục kèm cho kiểm tra lần 3. Cô phải kèm đến khi nào các em thi đạt mới thôi”.
Khi em phản ứng “hè là thời gian nghỉ phép hợp pháp sao lại phải kèm học sinh?” thì câu trả lời bao giờ cũng là “vì trong năm, cô dạy các em chưa đảm bảo chất lượng nên phải kèm để các em ấy thi đạt, đó là nhiệm vụ”.
Không đành lòng nhìn phụ huynh xin cho con ở lại lớp
Bị hạ thi đua em chấp nhận nhưng chở học trò về hoặc lên trường kèm cặp dạy trong những ngày hè thì chẳng khác nào Ban giám hiệu đang nhắn gửi giáo viên “đừng bao giờ dại dột mà cho học sinh ở lại”.
Em biết đây chính là cách để Ban giám hiệu phủi trách nhiệm khi chuyện học sinh ngồi nhầm lớp bị phanh phui, vỡ lở.
Chưa hết, để học sinh ở lại lớp em đã bị khá nhiều đồng nghiệp bảo ngu vì "đem rắc rối vào thân khi một mình chống trời".
Dù biết có lý nhưng em nói nhìn thấy cảnh có phụ huynh chạy theo năn nỉ “cô ơi, cháu học còn yếu quá, cô cho cháu ở lại lớp năm này học cho chắc” em lại không đành lòng.
Và vì thương phụ huynh, thương học trò em đã không thể “thương mình”.
Em nói với tôi “em sẽ sắp xếp thời gian kèm cho hai cậu bé một tuần vài buổi, dù thế em vẫn cương quyết cho hai em ấy lưu ban vì chắc chắn chỉ hai tháng hè lực học cũng không thể cải thiện nhiều.
Học lại chắc chắc năm sau Dũng và Hùng sẽ học tốt hơn”.
Tôi thấy thương em, thương hàng ngàn thầy cô giáo chúng tôi đã bị tước đi cái quyền tưởng nhỏ nhoi nhất của một người thầy “cho học sinh yếu kém được ở lại lớp”.
Tôi càng thầm cảm phục sự cương quyết đầy lòng trắc ẩn như em và trong ngành giáo dục của chúng tôi, người mạnh mẽ như em không nhiều.