Bộ GD&ĐT mới công bố lần 3 phổ điểm ở cụm thi do các trường Đại học chủ trì, ngay lập tức thu hút sự chú ý từ dư luận.
Thu hút bởi đây là lần thứ 3 công bố phổ điểm, điều đó cho thấy rằng sự không nhất quán trong cách tính phổ điểm.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá, kiểm định nhìn nhận nặng lời rằng “người làm phổ không có chuyên môn”.
Băn khoăn cách tính điểm
Ngoài chuyện công bố công khai phổ điểm từng môn thi, số lượng thí sinh đạt điểm ở từng môn, thì vẫn còn những băn khoăn khác mà dư luận vẫn đặt câu hỏi.
Đánh giá phổ điểm lần thứ ba công bố, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, phổ điểm dạng cột lần này cũng không khác nhiều so với phổ lần công bố trước, thậm chí còn xấu hơn.
Ông Khuyến nhấn mạnh rằng, kỳ thi THPT quốc gia nhằm hai mục tiêu, mục tiêu thứ nhất (xét tốt nghiệp) và mục tiêu thứ hai (xét vào đại học, cao đẳng), do đó phổ điểm phải là phổ điểm chung, chứ không phải là làm riêng cho hai khối trường.
“Nếu chỉ thống kê chỉ cho mục tiêu xét vào đại học thì mới tách thành các khối như Bộ đã công bố. Mục tiêu thứ hai tương đối đạt yêu cầu, nhưng môn Toán, Ngoại ngữ độ phân hóa chưa cao.
Dù sao, với các môn còn lại là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, mục tiêu xét tốt nghiệp ở kỳ thi này là chưa ổn” ông Khuyến cho biết.
Ảnh minh họa phổ điểm lần ba của Bộ GD&ĐT |
Vì sao? Theo ông Khuyến, nếu nói để đánh giá tốt nghiệp thì học sinh phải đạt từ trung bình trở lên, nếu tính điểm từ trung bình (lấy điểm 5 trở lên) thì tỷ lệ tốt nghiệp sẽ rất thấp.
Mà nếu xét tốt nghiệp từ mức điểm thấp hơn 5 là chuyện rất nực cười, từ đó theo ông Khuyến mới có chuyện nếu cách làm đề như thế là đúng thì chất lượng học sinh quá kém và chất lượng nền giáo dục quá thấp. Hoặc ngược lại, vấn đề chất lượng kỳ thi có vấn đề.
“Việc phổ điểm được tách ra với hai mục tiêu như lần thứ ba này là không ổn. Do đó, nếu muốn mũi tên trúng hai mục tiêu thì dứt khoát cách làm đề phải khác” ông Khuyến khẳng định.
Trong khi đó, bà Như Quỳnh - một chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục, từng làm đề thi, cho rằng với biểu đồ kết quả thi mà Bộ Giáo dục công bố mới đây thấy rằng mọi thứ đã rõ ràng.
Nhìn vào đây thí sinh có thể thấy được số lượng người đạt điểm trên mình, dưới mình là bao nhiêu, và mình đang ở số bao nhiêu trong cả nước ở môn thi đó. Từ đó, thí sinh có thể phỏng đoán được khả năng mình vào trường này, trường kia.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn còn băn khoăn về biểu đồ này. Thứ nhất, điểm ở biểu đồ được làm tròn ở 0,25 điểm, nhưng có những đề thi (trắc nghiệm) chấm điểm là 0,2 điểm/câu, vậy thì số điểm không thể ra số lẻ được (với những môn như thế sẽ không có điểm 0,25 mà chỉ có 0,2 điểm), như vậy thí sinh sẽ bị mất một chút điểm lẻ?
“Ví dụ một thí sinh làm được 8,4 điểm, vậy Bộ sẽ làm tròn như thế nào? Xuống 8,25 điểm hay lên 8,5 điểm? Ngược lại được 8,6 điểm thì được làm tròn xuống 8,5 hay lên tròn 8,75 điểm? Đây là một môn, vậy thì có những em rất thiệt, có những em đáng lẽ trượt thì thành đỗ, có những em đáng lẽ đỗ lại trượt” vị này nêu vấn đề.
Vẫn theo bà Như Quỳnh, ví dụ trên chỉ là một môn, nhưng nếu 3 môn thì số điểm chênh cũng không nhỏ, hơn nhau 0,25 điểm cũng phân biệt được trượt/đỗ.
Tránh rối loạn khi nộp nguyện vọng
Một băn khoăn nữa của bà Quỳnh là tại sao Bộ GD&ĐT không công bố biểu đồ tương tự đối với các cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức? Công bố để thấy được rằng lực học của học sinh như thế nào, từ đó so được trình độ mặt bằng chung của học sinh ra sao?
Theo bà Quỳnh, công bố phổ của cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức để thấy được rằng lực học của học sinh do Sở tổ chức và trường Đại học tổ chức có chênh nhau quá lớn không?
“Tôi nghĩ Bộ chưa kịp làm phổ này nên có thể vài ngày Bộ sẽ công bố” bà Quỳnh cho biết.
Bộ Giáo dục lần ...thứ 3 công bố phổ điểm, số liệu mỗi lần mỗi khác(GDVN) - Đây là dữ liệu chi tiết thí sinh và phổ điểm ở cụm thi do các đại học chủ trì được Bộ GD&ĐT chiều tối ngày 26/7. |
Hơn nữa, theo quan điểm của vị chuyên gia này, ngoài việc công bố phổ điểm kết quả thi giữa hai cụm thi thì nên công bố phổ chung của hai cụm lại với nhau.
“Nếu tách riêng là rất tốt để cho các trường đại học tính toán được tương đối mức điểm chuẩn vào trường, nhưng cũng khó vì mức điểm thực tế có thể lên một chút là thiếu thí sinh và giảm một chút có thể thừa nhiều” vị này nói.
Bà Như Quỳnh cũng cho biết thêm, các trường đại học, cao đẳng nhìn vào kết quả điểm lần này có thể dễ dàng tuyển thí sinh vì đã hiện rõ từng mức điểm. Nhưng các trường cũng lưu ý khi điểm số không được làm tròn thì mức điểm trên dưới 0,25 cũng sẽ bị thừa hoặc thiếu thí sinh.
Nêu thêm một vấn đề, bà Như Quỳnh cho rằng, Bộ GD&ĐT cần bỏ việc cho thí sinh rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, vì làm như vậy sẽ rất rối trong khi có thể có những thí sinh ở xa không thể kịp rút hồ sơ để điều chỉnh nguyện vọng.
“Ngay cả các trường đại học cũng không thể có đủ người để ngồi làm việc đó, vì không phải như là cái máy gọi con số đó ra, hồ sơ là tờ giấy, dù có đánh dấu cũng rất khó vì quá nhiều, trong khi có thể số lượng đến rút ồ ạt.
Không những các trường đại học khó mà giao thông đi lại tại các nơi có trường đại học cũng bị ảnh hưởng” bà Quỳnh cho biết.
“Thí sinh trước khi thi đã xác định ngành, trường và sau khi có điểm thì nộp nguyện vọng, có trách nhiệm với nguyện vọng đó và không được rút ra.
Các trường đại học công bố 3 ngày/lần để biết được số lượng nộp vào là bao nhiêu cho thí sinh biết, còn những thí sinh biết được trường đã có nhiều hồ sơ thì không nộp nữa, để nguyện vọng bổ sung. Như vậy sẽ không náo loạn” bà Quỳnh đề nghị.