LTS: Từ thực tế tại địa phương nơi mình đang công tác, cô giáo Thảo Ly đã có những chia sẻ và quan điểm của mình về chất lượng sách Hướng dẫn học sử dụng thay sách giáo khoa trong mô hình VNEN in năm 2017.
Theo đó, tác giả cho rằng, đừng nên nghĩ rằng bán sách theo kiểu phân phối trước đây mà bỏ qua khâu chất lượng mà gây nên bao nỗi bức xúc cho người dùng sách và người bán sách hộ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thấy cô bé học trò cầm cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt (sách VNEN) đứng lên đọc bài nhưng cuốn sách xộc xệch rơi ra từng tờ trên mặt bàn, dù biết cô bé rất cẩn thận nhưng không hiểu sao lúc ấy, tôi vẫn cứ buông lời trách:
“Sách mới, sao con dùng không biết giữ gìn mà để long từng tờ ra thế?”
Cô bé nhỏ nhẹ trả lời:
“Mẹ con mua về dùng được vài ngày là tự bung hết cô ạ. Mẹ phải lấy băng keo dính từng tờ lại với nhau. Làm như thế lâu lắm nên mẹ mới vừa làm được một cuốn sách Toán thôi cô ạ.”
Sách Hướng dẫn học VNEN từng tờ bị rơi ra ngoài, bìa sách đóng không chặt (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Nghe thế, trong đầu tôi chợt nghĩ có khi nào “biết đâu mẹ cô bé mua phải sách in lậu ở ngoài thì sao? Sách mới sao lại có chuyện như thế?”.
Nhưng theo tôi biết sách VNEN thì chỉ có nhà trường bán trực tiếp hoặc ở siêu thị tuy có bán nhưng số lượng không nhiều.
Cầm cuốn sách VNEN trên tay kiểm tra, tôi thấy ghi là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới in xong và nộp lưu chiểu tháng 6/2017.
Vài ngày sau, một số phụ huynh lên trường thắc mắc với giáo viên:
“Sao bộ sách nhà trường bán đến mấy trăm ngàn mà thua xa những cuốn sách cũ trước đây vậy cô? Tôi đem sách về, con bé mở ra học cứ thấy nó rách rời từng tờ.”
Nghe thế, giáo viên cũng chỉ biết xin lỗi và "chữa cháy":
“Sách chuyển về trường bằng xe ô tô, nhà trường chỉ đứng ra bán giúp đúng như giá bìa chứ không hề bán hơn một đồng nào.
Còn việc sách kém chất lượng như thế thì thầy cô hoàn toàn không biết. Chúng tôi sẽ báo cáo việc này lên cấp trên.”
Các tờ của từng trang sách tự bung ra (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Gọi điện hỏi một số đồng nghiệp ở các trường cũng được phản ánh sách VNEN sản xuất năm nay đều bị mắc lỗi đóng không chặt, các tờ của từng trang sách cứ tự bung ra.
Người dùng muốn không bị mất bài chỉ còn cách dán băng keo trong vào từng tờ, nếu đóng bằng ghim sẽ rất khó cho các em mở sách ra học.
Có phụ huynh bức xúc nói thẳng:
“Vì mua ở nhà trường nên nể thầy cô chúng tôi không trả lại. Nếu sách này mua ở ngoài tiệm là có quyền đổi bộ khác hoặc trả lại không mua nữa đó cô”.
Nghe phụ huynh nói mà chúng tôi nóng ran cả mặt mày.
Biết đâu phụ huynh đang nghĩ rằng giáo viên bán sách ăn lãi nên mới nặng lời như thế. Nghĩ cho cùng, phụ huynh bức xúc là đúng vì bộ sách VNEN nào có rẻ.
Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? |
Không ít giáo viên bức xúc tâm tư, ai ăn ốc bắt mình đổ vỏ, như thế thật không công bằng.
Bán một bộ sách VNEN cho học trò, giáo viên được dặn phải tuyên truyền đến phụ huynh:
Ngoài ra thì thầy cô còn phải thu tiền từng bộ, giữ và khi đủ mới đi nộp một lần.
Bỏ một số tiền lớn ra mua sách, nay gặp sách như thế, phụ huynh đến trường phản ánh là đương nhiên.
Thiết nghĩ, bán sách không phải việc của trường học cũng đừng nên cột trách nhiệm giáo viên vào đó.
Cũng như một bộ sách VNEN có giá đắt gấp 3 lần bộ sách giáo khoa hiện hành thì nơi phát hành cũng cần chú ý đến chất lượng thật sự cho bộ sách để xứng đáng với đồng tiền mà phụ huynh đã bỏ ra.
Đừng nên nghĩ rằng bán sách theo kiểu phân phối trước đây mà bỏ qua khâu chất lượng gây nên bao nỗi bức xúc cho người dùng sách và người bán sách hộ.