Giáo sư Đào Trọng Thi không chọn những người học tại chức làm giảng viên

27/11/2017 07:32
XUÂN QUANG
(GDVN) - “Bằng cấp có thể xem là một yếu tố quan trọng trong việc xem xét, lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ", Giáo sư Đào Trọng Thi nêu ý kiến.

Thông tin tỉnh Quảng Ngãi loại khỏi quy hoạch tất cả những người sinh từ 1976 tới nay... chưa có bằng đại học chính quy gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Rất nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm không đồng tình trước quy định của tỉnh này, bởi lẽ luật không có quy định việc phân biệt bằng cấp của những người học đại học chính quy hay tại chức và cũng bởi năng lực của con người chưa hẳn đã phụ thuộc vào bằng cấp.

Giáo sư Đào Trọng Thi không chọn những người học tại chức làm giảng viên ảnh 1Cực đoan mới không cho người chưa có bằng chính quy vào quy hoạch

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc đưa ra quy định nói trên nhằm hạn chế tình trạng con ông cháu cha không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn lọt vào bộ máy quản lý nhà nước và cũng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong thời gian tới…

Nêu quan điểm trước vấn đề này, hôm 26/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: 

“Dưới góc độ pháp luật nhà nước không phân biệt bằng tốt nghiệp đại học chính quy hay tại chức.

Theo quy định, đó chỉ là hình thức đào tạo. Còn yêu cầu chuẩn đầu ra thì bằng chính quy và tại chức là như nhau.

Nhưng khi lựa chọn cán bộ căn cứ vào các hồ sơ cụ thể thì có thể phân biệt bằng cấp vì rõ ràng theo kinh nghiệm và qua thực tế, thì chất lượng của bằng tốt nghiệp đại học chính quy vẫn được bảo đảm hơn bằng đại học tại chức”, Giáo sư Đào Trọng Thi nói.

Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: giaoduc.net.vn.
Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: giaoduc.net.vn.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phân tích:

“Chỉ nên thể hiện quan điểm phân biệt bằng cấp vào thời điểm lựa chọn các hồ sơ bổ nhiệm hoặc tuyển dụng.

Còn khi nộp hồ sơ thì chưa nên phân biệt ngay. Bởi có những người học không chính quy vẫn rất giỏi.

Nếu loại họ ngay là sẽ mất cơ hội của người đó đồng thời có thể bỏ lọt người có khả năng”, Giáo sư Thi nói.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Thi, trong trường hợp trên, bằng cấp có thể xem là một yếu tố quan trọng trong việc xem xét, lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

“Việc đề đề bạt bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ quản lý không đơn thuần là việc chọn một người bình thường, làm những công việc thông thường mà những người được chọn phải thật sự có tài, có năng lực đặc biệt.

Có ý kiến cho rằng, không nên căn cứ vào bằng cấp khi bổ nhiệm, nhưng điều đó không có nghĩa là không căn cứ vào quá trình học tập của họ.

Anh được học chính quy thì quá trình học tập sẽ được đào tạo bài bản hơn. Đó là một lợi thế.

Khi lựa chọn những hồ sơ và những con người cụ thể thì lúc đó phải tính đến chuyện bằng cấp, bởi nó bằng cấp là thông tin quan trọng để người ta lựa chọn cán bộ quản lý.

Giáo sư Đào Trọng Thi không chọn những người học tại chức làm giảng viên ảnh 3Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng "xịn" nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó

Tuy nhiên bằng cấp chưa phải là căn cứ vững chắc để đánh giá năng lực người này, người kia.

Trường hợp anh không có bằng tốt nghiệp chính quy nhưng có yếu tố khác nổi trội, đặc biệt thì cũng nên được xem xét bổ nhiệm.

Nhưng khi bản thân anh (người không có bằng không chính quy) không có gì nổi trội thì bằng cấp nên xem là một yếu tố để đánh giá, ưu tiên.

Bởi vậy, trong trường hợp này, người ta phân biệt người được đào tạo chính quy và không chính quy cũng là yêu cầu hợp lý", Giáo sư Thi nói.

Vị Giáo sư nêu ví dụ thực tế: “Khi chúng tôi lựa chọn giảng viên đại học sẽ không chọn người học đại học tại chức.

Vì công việc đó yêu cầu những người được đào tạo bài bản hơn những người bình thường.

Nó cũng giống như việc anh muốn làm giảng viên cao cấp thì phải có bằng tiến sĩ", Giáo sư Thi cho biết.

XUÂN QUANG