LTS: Tác giả Kiên Trung thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chính là do thói vụ lợi, ích kỷ của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tạo nên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH về việc Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ ngày đối với các trường trung học từ năm 2010.
Theo đó, mục đích của nó là nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm – học thêm không đúng quy định ở các nhà trường; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Nhiều nhà trường đang vi phạm việc tổ chức dạy thêm - học thêm (Ảnh minh họa: PL). |
Về nguyên tắc và yêu cầu thực hiện, ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ tự nguyện cho con em mình tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành giáo dục và địa phương.
Các trường trung học chỉ tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 7), không gây “quá tải” đối với học sinh; phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Có tối thiểu số lượng giáo viên theo quy định (đảm bảo tỉ lệ giáo viên trên lớp 1,90 đối với cấp trung học cơ sở và 2,25 đối với cấp trung học phổ thông) kể cả giáo viên tình nguyện dạy thêm giờ, giáo viên thỉnh giảng.
Trường cũng phải đảm bảo các quy định về cơ sở vật chất và thực hiện công khai minh bạch trong thu chi tài chính.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh, đặc biệt đối với các trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo với sự đóng góp của gia đình theo thỏa thuận và các nguồn hỗ trợ khác.
Về thời gian đối với các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp trung học cơ sở được quy định: buổi sáng dạy không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày.
Đối với cấp trung học phổ thông, buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày.
Ưu tiên bố trí các tiết học theo lớp vào buổi sáng, các tiết dạy học tự chọn, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và các hoạt động giáo dục theo các nhóm đối tượng học sinh vào buổi chiều.
Về kinh phí thực hiện, các trường trung học có thể huy động sự hỗ trợ của ngân sách, sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để tăng cường cơ sở vật chất hoặc trả tiền dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng.
Việc thu và sử dụng kinh phí phải đảm bảo các nguyên tắc thu bù chi và các quy định về quản lý tài chính hiện hành.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể và khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho các đối tượng học sinh khi đủ hồ sơ, thủ tục và đảm bảo các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các địa phương có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh song lại không làm như thế.
Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục lấy lý do học sinh ở lứa tuổi này có diễn biến tâm sinh lý phức tạp, nếu học bán trú, học 2 buổi/ngày tại trường sẽ khó quản lý hoặc do phụ huynh chỉ có nhu cầu cho con học một buổi ở trường và một buổi để con được học thêm ở ngoài với những thầy cô giáo mà gia đình lựa chọn phù hợp...
Lý do này đưa ra xem ra có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế, có một nguyên nhân chính khiến các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thường không mấy mặn mà với việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là để thuận lợi, dễ bề tổ chức dạy thêm - học thêm đem lại lợi ích cao gấp nhiều lần cho bản thân (quy định hiện hành nêu rõ không được phép dạy thêm - học thêm với những lớp đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).
Một số ít Ban Giám hiệu nhà trường hào hứng với chủ trương trên của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo song vấp phải phản ứng quyết liệt của nhiều giáo viên (với đủ lý do biện minh, phản bác) nên đành nhượng bộ, thỏa hiệp, không tiến hành nữa.
Nhiều thầy cô giáo vô cùng sung sướng, hả hê với “thắng lợi” này, vì được tiếp tục dạy thêm thoải mái ở trường, ở trung tâm, ở nhà.
Tôi thật buồn cho một chủ trương đúng đắn, nhân văn của cấp trên ban hành từ 7 năm nay song lại ít có cơ hội nhân rộng ở các trường, lớp có điều kiện tốt trên phạm vi cả nước, chỉ vì ảnh hưởng, đụng chạm đến lợi ích (từ dạy học thêm) của một số cá nhân giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở.
Tại sao giáo dục phổ thông của chúng ta vẫn ỳ ạch, chậm tiến và vấn nạn dạy học thêm tràn lan, trái phép gây nhức nhối dư luận xã hội bao nhiêu năm qua không giải quyết được?
Câu trả lời được xác định, đúc kết ngay là do thói vụ lợi, ích kỷ của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tạo nên.