Tập huấn, bồi dưỡng kỹ lưỡng ở cấp trên, nhưng lại sơ sài ở cấp dưới

08/08/2017 06:21
KIÊN TRUNG
(GDVN) - "Rõ là, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Cấp trên làm kỹ lưỡng, chặt chẽ bao nhiêu thì ở cấp dưới này lại hời hợt, chểnh mảng bấy nhiêu".

LTS: Phản ánh thực tế công tác tập huấn, bồi dưỡng của các cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay chỉ là hình thức "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", tác giả Kiên Trung cho rằng: bệnh lười biếng, ỳ ạch, vô cảm… trong công tác chuyên môn của một số giáo viên hiện nay thật đáng lo ngại.

Đồng thời, theo tác giả đội ngũ giáo viên cần phải chủ động, tự làm mới mình, nếu tiếp tục hờ hững với tập huấn, bồi dưỡng thì làm sao đáp ứng nổi công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tháng 8 hằng năm là thời gian cao điểm của hoạt động tập huấn, bồi dưỡng dành cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, chuyên viên của các cơ sở, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương, trường đại học hoặc những thành phố lớn.

Sau khi tiếp cận, lĩnh hội các nội dung, kiến thức, phương pháp, kỹ năng từ những đợt tập huấn, bồi dưỡng ấy, các cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên cốt cán có trách nhiệm tổ chức, triển khai đầy đủ lại cho tất cả cán bộ, giáo viên ở tổ, nhà trường nắm bắt được. 

Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn)
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn)

Có thể nói, nhiều năm qua, các Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng và tốn không ít kinh phí, tiền bạc cho hoạt động này (như mời chuyên gia báo cáo, chuẩn bị khách sạn, ăn uống, công tác phí…).

Hầu hết, các chuyên viên, giáo viên cốt cán có ý thức tập huấn tốt, học hành nghiêm túc, bài bản, tham gia thảo luận, phát biểu sôi nổi, thậm chí còn chủ động gặp chuyên gia, báo cáo viên để hỏi han, xin thêm tài liệu, sách vở…

Tổ chức lớp học chặt chẽ, các báo cáo viên nhiệt tình trình bày, hướng dẫn, thuyết phục, lôi cuốn đã thu hút, hấp dẫn được học viên, hiếm có chuyện học viên nào trốn ra ngoài chơi hay ngủ gà ngủ gật, lướt mạng hoặc chơi điện tử trong giờ.

Vấn đề quan trọng nhất ở đây là khâu triển khai, tổ chức và thực hiện các nội dung, các cái mới của những đợt tập huấn, bồi dưỡng đến thầy cô giáo, tổ chuyên môn, nhà trường.

Nhiều nhà trường, tổ chuyên môn đã tổ chức tập huấn lại và triển khai thực hiện khá tốt. Cuối tháng, cuối kỳ có kiểm tra, đánh giá, nhận xét nhược điểm, ưu điểm, hiệu quả và tác động của các nội dung, phương pháp ấy như thế nào.

Điều đó đạt được khi mà Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, các báo cáo viên và nhiều thầy cô giáo có cùng tiếng nói chung, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng, tính cần thiết của công tác tập huấn, bồi dưỡng (là luôn bổ sung, củng cố, vận dụng và làm mới kiến thức chuyên môn, các phương pháp giáo dục cho người dạy học).

Tập huấn, bồi dưỡng kỹ lưỡng ở cấp trên, nhưng lại sơ sài ở cấp dưới ảnh 2

Bồi dưỡng tốt cho đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình phổ thông mới

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục, Ban Giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, báo cáo viên và giáo viên có biểu hiện lơ là, coi thường, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong tổ chức tập huấn lại và thực hiện các nội dung bồi dưỡng thường xuyên.

Tham gia tập huấn ở cấp trên thì kỹ lưỡng, ba, bốn ngày liên tục, với nhiều nội dung, vấn đề cần trao đổi, chia sẻ. Nhưng, khi về trường, về tổ thì “cưỡi ngựa xem hoa”, báo cáo sơ sài, qua loa chưa đầy 30 - 45 phút đã hết nội dung, giáo viên về nhà tự học, đọc các tài liệu… đã khiến họ ngỡ ngàng, không hiểu vấn đề, nội dung ấy được bao nhiêu cả.

Một khi tập huấn lại mà nhiều thầy, cô giáo chưa hoặc không hiểu, nắm bắt, hình dung được nội dung, vấn đề một cách tương đối, tổng thể thì làm sao triển khai, thực hiện hiệu quả và đồng bộ trong thực tiễn hoạt động giáo dục?

Rõ là, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Cấp trên làm kỹ lưỡng, chặt chẽ bao nhiêu thì ở cấp dưới này lại hời hợt, chểnh mảng bấy nhiêu.

Nhiều Ban Giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn ở các trường học, địa phương, là chỗ đồng nghiệp, thân tình của tôi hay than thở: “Công việc quản lý, điều hành chuyên môn của nhà trường, của tổ liên quan đến giáo viên bây giờ thật khó khăn, phức tạp.

Vì một số thầy, cô giáo chỉ giỏi kêu ca, phàn nàn đủ thứ, còn công việc của tổ, của trường giao phó thì lại hay đùn đẩy, né tránh, bao nhiêu cái mới từ tập huấn, bồi dưỡng chẳng chịu nghiên cứu, vận dụng để học sinh hứng thú, chất lượng giáo dục chuyển biến”. 

Bệnh lười biếng, ỳ ạch, vô cảm… trong công tác chuyên môn của một số giáo viên hiện nay thật đáng lo.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp thay thế chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, với nhiều yêu cầu, nội dung, phương thức giáo dục mới. Nếu đội ngũ giáo viên không tích cực chủ động, tự làm mới mình, tiếp tục hờ hững với tập huấn, bồi dưỡng thì làm sao đáp ứng nổi công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” theo Nghị Quyết 29 của Đảng đã đề ra và đang triển khai 4 năm nay.     

KIÊN TRUNG