LTS: Thầy giáo Nguyễn Nguyên gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết trao đổi lại với nhà nghiên cứu sách giáo khoa Nguyễn Thị ThanhThúy xung quanh vấn đề 2 môn “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và mong muốn tiếp tục nhận được các trao đổi làm rõ một vấn đề quan trọng trong chương trình mới, 2 môn tích hợp. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Trong chương trình giáo dục tổng thể và chương trình môn học cấp trung học cơ sở đã được công bố và có thêm 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí được ra đời.
Chính vì vậy, thời gian qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt các bài viết trao đổi qua lại giữa những người làm chương trình với một số chuyên gia, giáo viên đứng lớp nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề của 2 môn học mới.
Bài viết “Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn có dạy được Vật lý, Hóa học không? Nếu không, đừng ép…” của chúng tôi (Nguyễn Nguyên) nằm trong loạt bài phân tích làm rõ những bất cập về 2 môn "tích hợp" mới.
Điều an ủi duy nhất cho chúng tôi là trong khi quý thầy làm chương trình đang “giữ quyền im lặng” thì tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy- người đã có hàng chục năm nghiên cứu sách giáo khoa của các nước đã lên tiếng.
Đây là điều chúng tôi trân trọng và chính vì thế, chúng tôi muốn được trao đổi thêm với tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy một số vấn đề về 2 môn học mới.
Để khỏi mất thời gian của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng như quý vị bạn đọc, chúng tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề.
Tại sao làm khoa học lại ngại, sợ tranh luận?
Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN? |
Thông qua bài viết tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy muốn đưa ra những dẫn chứng để: “chia sẻ một số thắc mắc, giải tỏa những băn khoăn của tác giả Nguyễn Nguyên cũng như nhiều độc giả và các giáo viên khác”.
Đồng thời, thông qua bài viết này, tác giả Thanh Thúy góp ý với những người phản biện 2 môn “tích hợp” mới như chúng tôi rằng:
“Thiết nghĩ, mỗi chúng ta đặc biệt là những nhà giáo đang đóng góp không nhỏ trong công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà cần có những ý kiến, đóng góp cho chương trình và sách giáo khoa một cách xây dựng.
Chúng tôi hiểu rằng, để thích nghi với một sự thay đổi cần phải có thời gian và sự hiểu biết, đồng lòng, tâm huyết của mỗi giáo viên, gia đình và toàn xã hội” [1].
Chúng tôi xin nhấn mạnh với tác giả Thanh Thúy rằng, trước khi làm rõ các cơ sở khoa học và thực tiễn của việc ghép 2, 3 môn vào 1 sách trong chương trình sách giáo khoa mới, xin đừng ai vội quy kết cho ai, dù rất nhẹ nhàng như "cần có ý kiến đóng góp một cách xây dựng".
Nếu quý thầy Tổng chủ biên, Chủ biên 2 môn tích hợp mà đưa ra được các luận cứ khoa học và thuyết phục cho việc nhét 2, 3 môn vào 1 sách và chứng minh được, đây là cách thế giới, các nước tiên tiến đã “tích hợp” thì chúng tôi không phải ý kiến gì.
Nếu như những người biên soạn can đảm đối thoại, can đảm thị phạm cho giáo viên trực tiếp góp ý thì chúng tôi cũng như biết bao nhiêu những thầy cô đã không viết bài nêu ý kiến và bạn đọc cả nước không cần phải phản hồi, chia sẻ dưới các bài viết để làm gì (chị Thúy có thể xem các phản hồi dưới các bài viết về chủ đề này)?
Xin khẳng định một lần nữa rằng, chúng tôi không phản đối phương pháp dạy học tích hợp.
Chúng tôi phản đối về việc nhét các môn học đang đứng độc lập nay bị đem gán ghép tùy tiện với một số môn học khác để thành môn “tích hợp” mà ngay cả bản thân thầy Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông trước đó cũng không tán đồng!
Chương trình 2000 cũng đã từng tích hợp Lịch sử với Địa lý và đưa xuống dạy ở lớp 4, lớp 5 (trong khi trước đó lên lớp 6 mới học 2 môn này, cùng Vật lý, Sinh học). Tuy nhiên kết quả dạy và học môn Sử trong môn tích hợp thì thật tệ hại. Ảnh minh họa. |
Còn về bài viết trao đổi của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy với chúng tôi, chị mới chỉ trả lời được 1 câu hỏi rất nhỏ trong số rất nhiều câu hỏi về 2 môn "tích hợp" mới, đó là có các quốc gia, vùng lãnh thổ nào có môn "tích hợp" Vật lý, Hóa học, Sinh học vào 1 môn ở bậc trung học cơ sở;
Tuy nhiên, bài viết của chị Thúy không có giá trị để biện luận cho việc ghép 2, 3 môn vào 1 sách như cách các nhà biên soạn chương trình đang làm. Chúng tôi xin phân tích cụ thể như sau.
Xin đừng đánh tráo khái niệm tích hợp
Điều chúng tôi tiếc nuối nhất là trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy chỉ nêu ra được 1 môn tích hợp là Khoa học / Khoa học tự nhiên ở một số quốc gia, mà không có môn “tích hợp” Lịch sử với Địa lý.
Riêng môn Khoa học / Khoa học tự nhiên cũng có nhiều vấn đề cho thấy khái niệm “tích hợp” đang bị đánh tráo.
Theo tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy thì:
"Trên thế giới, môn Khoa học Tự nhiên được gọi là môn Khoa học (Science) thay cho dạy học môn học riêng rẽ là Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái Đất.
Mỗi nước hoặc mỗi bộ sách có cách chọn các chủ đề tích hợp và cách tích hợp đặc trưng nhưng tựu chung đều thể hiện các kiến thức khoa học cơ bản của 3 môn học với các chủ đề gần gũi, thiết thực với cuộc sống hiện tại và tương lai”.
“Việc tích hợp các môn học này đã có từ rất lâu, có thể nói môn Khoa học Tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở của chúng ta ra đời trong lần đổi mới giáo dục sau năm 2018 thì chúng ta đã đi sau các nước láng giềng như Singapore tới hơn 20 năm." [1]
Vấn đề này, chúng tôi xin cung cấp cho tác giả một số thông tin như sau:
Trước hết, vấn đề tích hợp môn học không phải là mới với nền giáo dục thế giới cũng như ở Việt Nam chúng ta.
Tích hợp 2, 3 môn 1 sách do yếu kém, vọng ngoại hay dự án? |
Với môn Khoa học hay Khoa học Tự nhiên hiện nay, chính là môn Khoa học thường thức trong các chương trình trước cải cách giáo dục năm 2000.
Tuy nhiên, thế hệ các nhà bác học Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu chỉ kéo dài Khoa học thường thức đến hết bậc tiểu học, lên trung học cơ sở là bắt đầu học các môn chuyên ngành.
Chúng tôi chưa thấy ai chứng minh được quyết định dạy các môn độc lập từ bậc trung học cơ sở như Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã đi là sai, hay không còn phù hợp để phá bỏ thành tựu của 2 người thầy đáng kính và “tích hợp” các môn vào 1 sách.
Chỉ biết rằng thời 2 vị Giáo sư khả kính còn đang làm giáo dục, thì người học học đâu chắc đấy, học đi đôi với hành. Còn sách giáo khoa bây giờ thì truyền thông, dư luận đã nói nhiều, xin không bàn thêm.
Từ những mô tả của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy về môn Khoa học / Khoa học tự nhiên ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ mà nhà nghiên cứu viện dẫn, chúng tôi nhận thấy mấy điểm khác biệt rất cơ bản so với 2 môn “tích hợp” mà các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa đang làm.
Một là, các nước này có hẳn 1 môn Khoa học / Khoa học Tự nhiên do 1 người / 1 nhóm người biên soạn, 1 giáo viên dạy và thậm chí họ có thể lựa chọn các bài học nào để dạy.
Môn này rất giống với môn Khoa học Thường thức mà Việt Nam đã từng dạy ở cả hai miền thời trước 1975, nhưng chỉ dừng ở bậc tiểu học.
Còn cái “tích hợp” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang muốn làm, lại vẫn 2, 3 người soạn 1 môn và 2, 3 người dạy 1 môn.
Đây là khác biệt căn bản, các nước họ “tích hợp” thực sự, còn Bộ dường như chỉ biết ghép cơ học các môn lại với nhau.
Hai là, họ có giáo viên, có chương trình và sách giáo khoa tích hợp đồng bộ, còn chúng ta thì cứ chắp vá.
Giáo viên đã từng được tập huấn "tích hợp xuyên môn", nhưng vẫn là 2, 3 thầy 1 sách. Ảnh minh họa: cddspthainguyen.edu.vn.. |
Trả lời Báo Điện tử giáo dục Việt Nam, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết:
“Với đặc điểm tích hợp như trên, trong điều kiện các trường Trung học cơ sở ở nước ta chỉ có giáo viên dạy đơn môn thì giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó; còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy.” [3]
Ba là, ở góc độ rộng hơn, xin tác giả cho biết, trong số các nước / vùng lãnh thổ chị dẫn có môn Khoa học / Khoa học tự nhiên ấy, có quốc gia nào cứ 5-7 năm, hay 10-12 năm lại thay chương trình bằng ngân sách nhà nước, và "đốt" cả trăm triệu, thậm chí cả tỉ USD?
Chúng tôi nghĩ đây là điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt của giáo dục phổ thông Việt Nam với các quốc gia mà Bộ định học tập để làm môn “tích hợp”.
Tích hợp cưỡng bức Lịch sử với Địa lí
Với khoa học xã hội thì từ thời phong kiến, khi nhà trường bắt đầu xuất hiện trong xã hội Việt Nam, ông cha ta cũng đã từng “tích hợp” nhiều môn học mà chỉ có một ông thầy để dạy.
Các môn Văn, Sử, Triết cũng bất phân. Nhưng lúc bấy giờ những ông thầy thật sự xuất sắc và những học trò đều là những người ham học chứ không giống như bây giờ.
Cho dù có người phê phán giáo dục phong kiến là để làm quan và chỉ dành cho số ít, nhưng không thể phủ nhận đóng góp của giáo dục phong kiến cho dân tộc và nhân loại.
Xin mời thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn dạy thị phạm 2 môn tích hợp |
Tất nhiên mỗi thời mỗi khác, tri thức nhân loại là một dòng chảy liên tục, nhưng không phải phá cũ xây mới theo kiểu phủ định sạch trơn.
Nếu tác giả theo dõi từ đầu, khi có chủ trương xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học mới sẽ tự lí giải được điều mà giáo viên phản đối.
Ví dụ như môn Lịch sử và Địa lí của chương trình mới được “tích hợp” từ 2 môn học là môn Lịch sử và môn Địa lí.
Nhưng dự thảo chương trình tổng thể ban đầu công bố tháng 8/2015 thì cấp tiểu học gộp Lịch sử với Địa lí thành môn Lịch sử và Địa lí; ở cấp trung học cơ sở gộp môn Lịch Sử với một số môn xã hội khác để gọi thành cái tên Khoa học Xã hội;
Và lên cấp trung học phổ thông môn Lịch sử cùng môn Giáo dục công dân- Quốc phòng an ninh thành môn học mới có tên là Công dân với tổ quốc.
Tuy nhiên, dự thảo chương trình đã bị các nhà khoa học lên tiếng phản bác mạnh mẽ nên chỉ dừng lại ở cấp Tiểu học và cấp trung học cơ sở ở 2 môn học Lịch sử và Địa lý. Còn các môn xã hội khác thì không dám “gộp” vào nữa.
Nếu tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy có dịp “vi hành” xuống các trường Tiểu học hiện nay xem hướng dẫn của Bộ, nhà trường và các thầy cô đang dạy tích hợp môn Lịch sử và Địa lí như thế nào sẽ tự lí giải được nguồn cơn vì sao chúng tôi lại thắc mắc.
Sách giáo khoa vẫn viết và xếp 2 phân môn thành 2 phần tách biệt, vẫn dạy thành 2 phân môn riêng biệt, thời khóa biểu vẫn mỗi tiết 1 phân môn.
Và nếu tác giả đọc kĩ dự thảo chương trình môn học của 2 môn tích hợp này sẽ tiếp tục thấy nỗi “băn khoăn” của chúng tôi khi cả 4 năm học của cấp học trung học cơ sở các nhà biên soạn “mới chỉ nghĩ được 4 chủ đề”.
4 chủ đề này có phải “tích hợp” xuyên môn hay không, chúng tôi đã phân tích rồi, xin không nhắc lại.
Đôi điều nhắn gửi
Điều cuối cùng trong bài viết này, chúng tôi muốn gửi tới tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy rằng, mỗi một thầy cô giáo dù giảng dạy ở phố phường hay chốn hẻo lánh xa xôi của đất nước này thì cũng luôn đang đau đáu vì sự phát triển của giáo dục nước nhà.
Những điều chúng tôi đã viết, những điều mà nhiều thầy cô đã lên tiếng, đã phản biện là những điều mà chúng tôi trăn trở và đầy trách nhiệm.
Nếu chúng tôi im lặng để chấp hành những điều chưa hoặc không phù hợp, nếu chúng tôi thấy những điều bất cập mà không lên tiếng đó mới là điều đáng sợ nhất của người trí thức.
Hơn nữa, việc Bộ đang xin ý kiến của dư luận thì những ý kiến trái chiều cũng là điều rất đỗi bình thường trong khoa học. Vì chỉ qua trao đổi tranh luận thẳng thắn, khách quan và khoa học, các vấn đề mới được làm rõ.
Rất mong nhận được các ý kiến của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cùng quý thầy biên soạn chương trình về các vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài này, cũng như các bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về chương trình, sách giáo khoa.
Và khi tranh luận các vấn đề khoa học, xin đừng vội đưa vào những yếu tố cảm xúc có thể gây nhầm lẫn về nội dung chính cần trao đổi và làm rõ, thay vì bàn về 2 môn "tích hợp", lại thành câu chuyện về "tính xây dựng".
Tài liệu tham khảo:
[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Mon-tich-hop-se-do-3-giao-vien-day-post178674.gd