LTS: Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản đến các trường đại học, cao đẳng lấy ý kiến về phương án thi trung học phổ thông quốc gia 2018.
Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của hai phương án mà Bộ đưa ra và bày tỏ quan điểm của mình về việc này.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi trung học phổ thông quốc gia 2018 đã có nhiều ý kiến phản hồi từ các em học sinh lớp 12 và các nhà trường, thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở bậc Trung học phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai phương án đề xuất. Thứ nhất là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017).
Thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất.
Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi quốc gia để xét tuyển trong đó bắt buộc phải có 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán; hoặc 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.
Thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Một số nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và học sinh có quan điểm cho rằng:
Năm 2018, về phương án thi quốc gia cần giữ ổn định như năm 2017 vừa rồi, không nên năm nào cũng thay đổi thi cử, làm như vậy học sinh sẽ hoang mang, xã hội bất ổn.
Nếu muốn thay đổi thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy nghiên cứu thật kỹ rồi đưa ra lộ trình để áp dụng, có như vậy mới thuận lòng dân.
Ở góc nhìn của một thầy giáo, một cán bộ quản lý ở trường trung học phổ thông từng có 21 năm tiếp tục tham gia trực tiếp các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây và kỳ thi quốc gia 5 năm qua, tôi xin đưa những đánh giá, nhận xét về những ưu điểm cũng như hạn chế của hai phương án thi năm 2018.
Phương án 1 có những đổi mới, cải tiến về môn, bài thi và hình thức thi từ tự luận chuyển sang trắc nghiệm (môn toán, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) so với năm 2016, đã được thực hiện rất thành công trong năm 2017, đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả cao cho nhà nước, xã hội, nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Trên cơ sở đó, có thể tiếp tục áp dụng cho năm 2018, chỉ cần điều chỉnh chút ít về mặt kỹ thuật là hoàn chỉnh.
Hai phương án tổ chức bài thi tổ hợp trong kỳ thi quốc gia 2018 |
Vì nhà trường, giáo viên giảng dạy và các em học sinh đã làm quen và thích nghi tốt với phương án thi năm vừa rồi.
Tuy nhiên, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 cũng bộc lộ một số mặt hạn chế, tồn tại sau đây.
Trước khi kỳ thi diễn ra, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi từng có bài: “Thầy giáo thắc mắc điểm chưa rõ khi coi thi bài tổ hợp trong kì thi quốc gia”, đăng ngày 17/6 chỉ rõ những sơ hở, bất cập và dễ nảy sinh tiêu cực của Quy chế 04/2017 đối với việc tổ chức coi thi các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Thực tế cho thấy, khi tổ chức coi thi ở một số điểm thi, hội đồng coi thi đã xảy ra những sự việc đúng như các điểm mà tôi từng cảnh báo.
Một số thí sinh lợi dụng thời điểm giao nhau 10 phút giữa các môn thi thành phần, ra ngoài uống nước, đi vệ sinh, trao đổi, hỏi bài nhau khá dễ dàng, tạo lợi thế lớn trong xét tuyển sinh đại học.
Mặt khác, công đoạn coi thi và làm bài của các giám thị và thí sinh lại gặp khá nhiều vất vả, mỏi mệt.
Hết giờ làm bài môn Vật lý, giám thị phải thu giấy nháp, tiếp theo chuyển sang phát đề và giấy nháp môn Hóa học, môn Sinh học.
Hơn nữa, cách thiết kế các đề thi và phiếu trắc nghiệm trả lời ở 2 bài thi tổ hợp thêm phần phức tạp, rắc rối, thí sinh và giám thị dễ để xảy ra sai sót khi làm bài và thu bài.
Minh chứng, sau khi hoàn tất công tác chấm thi, Hội đồng chấm thi tỉnh Quảng Ngãi phát hiện ra 10 trường hợp thí sinh tô nhầm mã đề thi, trong đó có phần trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các giám thị phòng thi, dẫn đến phải thay đổi kết quả điểm nhiều sau khi chấm phúc khảo các môn, bài thi trắc nghiệm.
Sở Giáo dục và Đào tạo này định ra văn bản kỷ luật số giám thị để nảy ra sai sót trên nhưng đây là lần đầu tiên có nhiều điểm mới trong coi thi và hình thức thi lại khá phức tạp nên đành thôi, chỉ rút kinh nghiệm chung.
Thầy Đỗ Tấn Ngọc: Được và mất của kỳ thi quốc gia năm nay |
Điều đáng nói hơn, cách thi như năm 2017, chi li ra là theo khối A, A1, B, C làm cho nhiều em học lệch, chạy theo điểm số cao nhất đối với môn để tham gia xét tuyển đại học, phá vỡ mục tiêu giáo dục toàn diện, học gì thi nấy.
Phương án 2, nếu được áp dụng sẽ khắc phục được những nhược điểm, hạn chế cơ bản của phương án thứ 1.
Đó là việc thiết kế đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp sẽ gọn gàng, thuận tiện hơn.
Tiếp đến, khâu tổ chức coi thi của hội đồng, giám thị coi thi và máy chấm, phần mềm chuyên dụng trong chấm bài thi trắc nghiệm sẽ đơn giản, đỡ phức tạp, bớt sai sót.
Đồng thời, nó có tác dụng hình thành, phát triển bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh, phù hợp với xu hướng dạy học hiện đại đang được triển khai đại trà ở giáo dục phổ thông.
Điểm đáng chú ý, phương án thứ 2 hạn chế được một phần tình trạng học lệch, chỉ tập trung vào các môn thuộc khối thi ở nhiều học sinh hiện nay.
Ví dụ, nếu các em chọn khối Khoa học tự nhiên sẽ hoàn toàn học đều môn Lý, Hoá, Sinh.
Ngoài ra, nó còn thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển vào đại học, do đã có hai tổ hợp môn.
Trường nào trước đây lấy tổ hợp các môn tự nhiên thì năm 2018 chọn điểm bài thi Khoa học tự nhiên, chẳng hạn, các trường y, dược xét tuyển khối B (Toán, Hoá, Sinh) nay có môn Toán và Khoa học tự nhiên, lại thêm môn Lý thì càng tốt.
Trường khác lấy khối C lấy môn Văn và Khoa học xã hội, được thêm môn Giáo dục công dân sẽ thuận lợi hơn.
Năm học mới vừa bắt đầu, nay học thêm môn nữa mà bây lâu nay nhiều học sinh thường bỏ rơi, ít tập trung vẫn còn kịp, không có gì đáng lo ngại.
Soi xét kỹ thì nhận thấy giữa phương án 2 và phương án 1 (đã áp dụng năm 2017) không gây xáo trộn lớn ở thí sinh, giáo viên mà trái lại có được nhiều ưu điểm, tiện ích hơn hẳn cho công tác tổ chức thi, chấm thi, làm bài và hạn chế được tình trạng các em học lệch, hướng tới giáo dục toàn diện thực chất.
Nếu được lựa chọn 1 trong 2 phương án trên, tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ phương án 2.