LTS: Đưa ra những quan điểm và giải pháp nhằm góp phần giải quyết vấn nạn thất nghiệp của cử nhân sư phạm sau khi ra trường, tác giả Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo thống kê hiện nay có khoảng trên dưới 40.000 cử nhân sư phạm ra trường chưa tìm được việc làm.
Bên cạnh đó, với hệ thống trường sư phạm và đào tạo như hiện nay thì theo dữ liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm.
Rõ ràng với thông tin trên cộng với việc giáo viên thừa ở các bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông dẫn đến bức tranh về cơ hội tìm việc làm cho cử nhân sư phạm ngày càng u ám hơn.
Cử nhân sư phạm và nỗi lo thất nghiệp (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Bên cạnh đó, cùng với việc chương trình giáo dục phổ thông mới đang gấp rút triển khai, sẽ có thêm nhiều cử nhân sư phạm tiếp tục thất nghiệp.
Đến năm 2020 – 2021 khi mà chương trình phổ thông được thực hiện ở lớp 6 thì xin được chia buồn cùng các cử nhân sư phạm môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Lúc đó sẽ không còn các môn trên mà thay vào đó là 2 môn Khoa học tự nhiên, Sử và Địa thì cơ hội để trở thành giáo viên của các bạn sẽ trở nên mong manh.
Nếu đang là giáo viên các môn trên thì nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để đào tạo thêm các môn còn lại để trở thành giáo viên “tích hợp” (dư luận đang rất nghi ngờ về trình độ giáo viên sau khi đào tạo), còn các cử nhân sư phạm đơn môn đang tìm việc thì đành “bó tay”.
Không chỉ có thế môi trường giáo dục quá nhiều rủi ro như cô giáo bị hiếp dâm ngay tại trường; thầy, cô giáo bị hành hung ngay tại trường; nhiều giáo viên thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật như đổi tình gạ điểm; dâm ô học sinh; xúc phạm thân thể, nhân phẩm người học; bắt học sinh uống nước ghẻ lau bảng,… chế độ lương, thưởng cao cho giáo viên chắc mãi chỉ là giấc mơ.
Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm |
Do đó, năm học vừa qua việc học sinh có 9 điểm/3 môn đỗ vào trường sư phạm phản ánh phần nào thực tại của nền giáo dục hiện nay.
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều cố gắng như chỉ nhận học sinh giỏi vào sư phạm, dự định sắp xếp lương giáo viên cao,… nhưng tất cả đều chỉ nằm ở phát biểu và khó có thể thành hiện thực.
Nếu không quyết liệt, không tìm ra giải pháp căn cơ, lâu dài và triệt để thì khó có thể thay đổi tình hình như hiện nay.
Cử nhân sư phạm thất nghiệp làm đủ mọi nghề để kiếm sống
Hiện nay, gần 40.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp, chưa tìm được việc làm là một sự lãng phí quá lớn nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các em đã chọn thi vào trường sư phạm thì đa số đều có ước mơ được đứng chân trên bục giảng, để trở thành giáo viên tốt.
Các em cũng đã được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, tay nghề, công nghệ thông tin, ngoại ngữ,…nhưng lại thất nghiệp.
Nhiều em chọn con đường trở thành shipper (người giao hàng); bồi bàn cho các quán cà phê, quá nhậu, tiệc cưới, hỏi,… nhiều thị phi.
Nhiều em thì đành cất bằng sư phạm để trở thành công nhân, thậm chí có nhiều em túng quẫn bước vào con đường phạm pháp, vi phạm pháp luật.
Tôi từng gặp nhiều em cử nhân sư phạm thất nghiệp làm bồi bàn, khi được hỏi về dự định thì các em vẫn còn hy vọng được một lần đứng trên bục giảng mà đôi mắt rơm rớm nước mắt khi biết cơ hội đó quá xa vời.
Thủ khoa không có việc làm, sao mơ đến chuyện “học sinh ưu tú vào ngành sư phạm” |
12 năm học trường phổ thông, 4-5 năm trên giảng đường sư phạm, biết bao mồ hôi, công sức và nước mắt đôi khi là máu đã đổ xuống, nhưng kết quả nhận được là sự thất nghiệp trong tiếc nuối, buồn tủi.
Không phải các em không tích cực, chủ động tìm việc mà chỉ tiêu của các trường học không có, lại thêm tình trạng tinh giảm biên chế, sáp nhập trường lớp làm sao các em được dự tuyển, thi tuyển.
Do đó, cơ hội ngày càng xa vời hay nói đúng hơn là tuyệt vọng đối với các em.
Có nỗi khổ nào hơn vừa thất nghiệp vừa mang nợ
Thông tin về việc miễn học phí cho sinh viên học ngành sư phạm trong tờ trình về dự án sửa đổi Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc Hội sáng ngày 29/5/2018 nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhân dân và học sinh cả nước, trong đó, có rất nhiều học sinh có ý định thi vào ngành sư phạm để trở thành giáo viên tương lai.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng chính sách miễn học phí, miễn các khoản chi phí khác hỗ trợ cho sinh viên sư phạm áp dụng hàng chục năm nay đã lạc hậu, lỗi thời bộc lộ nhiều yếu kém, trục lợi như việc nhiều sinh viên học sư phạm xong ra trường không về công tác trong ngành sư phạm mà chủ động rẽ sang hướng khác có thu nhập cao, chế độ đãi ngộ cao hơn nhưng chúng ta không có một chế tài cụ thể nào để thu hồi khoản miễn học phí của sinh viên trên đó là kiểu trục lợi chính sách.
Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm thay vào đó là vay tín dụng cho sinh viên sư phạm nếu sinh viên ra trường công tác trong ngành giáo dục đủ thời hạn thì sẽ không phải trả khoản vay trên (khoản tiền đã đóng học phí được chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo nơi sinh viên nhận công tác trong ngành giáo dục).
Nếu sinh viên không công tác trong ngành giáo dục thì phải hoàn trả khoản vay trên cũng là giải pháp góp phần làm giảm tình trạng chảy máu chất xám, nhân tài.
Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã lạc hậu, lỗi thời |
Đó cũng là cách để sinh viên xông xáo tìm kiếm việc làm, và quan trọng hơn là không còn lãng phí từ khoản miễn học phí cho sinh viên sư phạm, tạo sự công bằng giữa các trường đại học với nhau.
Nhưng trong giai đoạn sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp đầy rẫy, chính sách lương cho giáo viên chưa được quan tâm đúng mức như Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang, bảng lương hành chính sự nghiệp không được Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đồng tình nên không được đem ra Quốc hội góp ý.
Bên cạnh đó, đề án cải cách chính sách lương mới trong Nghị quyết 27/NQ – TW về cải cách chính sách tiền lương mới đối với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tôi đọc qua không thấy chính sách cụ thể, rõ rệt, hay đột phá gì cho giáo viên.
Do đó, nếu không có lộ trình, chính sách cụ thể thì việc khuyến khích sinh viên giỏi vào trường sư phạm khó thành hiện thực.
Bây giờ lại tiếp tục bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì ngành sư phạm có “đìu hiu” và sẽ tiếp tục có việc sinh viên thi 9 điểm trên 3 môn vẫn đỗ vào trường sư phạm không?
Phải thừa nhận việc một số người trục lợi từ chính sách miễn hoc phí hiện hành như học ngành sư phạm làm trái ngành hay việc một số người công tác trong thời gian ngắn rồi bỏ nghề,…làm méo mó chính sách hợp tình, hợp lý đầy tính nhân văn là miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Cử nhân sưu phạm làm đủ mọi cách tất bật chạy ngược, chạy xuôi tìm việc nhưng không cơ sở nào nhận, đó là nỗi buồn, tủi thân. Bây giờ không chỉ là nỗi buồn, khổ và còn mang một đống nợ từ khoản vay tín dụng, giờ không có việc làm biết lấy đâu để trả nợ?
Học hành gian nan, cực khổ, tìm việc hoài không được mà giờ còn mang nợ khi học sư phạm, đúng là nổi đau kêu trời không thấu,…sẽ có người đốt bằng đại học hay có người nào nghĩ quẩn tự tử thì thật rất đau lòng!
Miễn học phí chỉ là góc nhỏ trong "cơn bĩ cực" của ngành sư phạm |
Do đó, nếu bỏ ngay chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm phải có lộ trình phù hợp, phải có chính sách lương phù hợp cho giáo viên, phải giải quyết vấn nạn sinh viên chạy ngược, chạy xuôi tìm việc làm.
Do đó, khi bỏ chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm thì phải chú ý các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phải có chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp các em có cơ hội tìm kiếm việc làm kịp thời.
Mỗi Tỉnh phải có một nhân viên sắp xếp việc cho sinh viên sư phạm
Việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trong cả nước trước đây làm ồ ạt, dẫn đến loạn trường sư phạm trên cả nước.
Các trường sư phạm địa phương mở ra liên tục dẫn đến cung không đủ cầu, cộng với việc sắp xếp lại vị trí việc làm, tinh giảm bộ máy, sáp nhập các cơ sở giáo dục nên sinh viên ra trường không tìm được việc làm cũng là điều dễ hiểu.
Đây chính là lỗi của các trường sư phạm không đánh giá, dự báo đúng nhu cầu, khi đào tạo xong “bỏ mặc” sinh viên “tự bơi” tìm việc là chính.
Giải thể một số trường sư phạm tại địa phương giao trách nhiệm đào tạo cho các trường sư phạm quốc gia, các Tỉnh, sở Nội vụ có nhiệm vụ thống kê, đặt hàng đào tạo các trường sư phạm quốc gia, quy trách nhiệm cho các trường sư phạm, các trường sư phạm phải là nơi tìm việc và giới thiệu việc làm cho sinh.
Như đã nói ở trên cử nhân sư phạm khi ra trường ngoài việc đi dạy có thể làm tốt các công việc văn phòng trong các Ủy ban nhân dân Xã/Huyện/Tỉnh hay trong các Công ty, xí nghiệp,…quan trọng là ai sẽ là người giới thiệu, phân bổ các cử nhân trên.
Chúng ta đã có các Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để giới thiệu việc làm cho các công ty, xí nghiệp nhưng tìm việc cho cử nhân sư phạm, công chức thì chưa được quan tâm đúng mức.
Do đó tôi xin đề xuất, mỗi Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh phải có 1 biên chế hỗ trợ, sắp xếp việc làm cho giáo viên, công chức.
Nhiệm vụ của nhân viên trên là thống kê, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành sư phạm, đặt hàng đào tạo cử nhân sư phạm tại các trường đại học và công việc chính là hỗ trợ tìm việc cho cử nhân sư phạm thất nghiệp.
Nhân viên trên nhận nhu cầu tuyển dụng từ các Huyện về số lượng, chỉ tiêu biên chế còn thiếu tại các đơn vị trường học trực thuộc.
Và nhân viên trên sẽ quản lý toàn bộ cử nhân sư phạm ra trường kể cả cử nhân sư phạm đang thất nghiệp các năm trước (về số lượng, bộ môn, bậc học,…) và là người bố trí các các cử nhân sư phạm về các trường học nhận công tác.
Nếu các đơn vị trường học không có chỉ tiêu thì nhân viên trên cũng có thể giới thiệu các cử nhân sư phạm trên về công tác tạm thời tại các Huyện khác hay tại các Ủy ban nhân dân Xã/Huyện, hay giới thiệu vào vị trí nhân viên văn phòng trong các công ty, xí nghiệp,…
Thực hiện được vấn đề trên, cộng với việc giải thể bớt các trường sư phạm địa phương, dự báo chính xác nguồn lực, kết hợp tăng chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc,… sẽ hạn chế thấp nhất việc sinh viên sư phạm thất nghiệp, và quan trọng là không có việc sinh viên vừa không có việc làm vừa ôm nợ.
Quan trọng nó còn thể hiện được sự quan tâm của lãnh đạo đến các cử nhân sư phạm, không để tình trạng cử nhân sư phạm tự “bơi” trong nỗi tuyệt vọng.