Làm chương trình, sách giáo khoa là làm khoa học.
Làm khoa học mà vừa viết chương trình vừa thử nghiệm nhưng không công khai quy trình, đối tượng thử nghiệm, công cụ đánh giá cũng như đối tượng kiểm chứng, không nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo và nhân dân, thì thất bại sẽ là điều hiển nhiên.
Làm chính sách mà không phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình thì sẽ là thảm họa.
Chúng tôi nhận thấy, vấn đề nổi cộm nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới là 2 môn “tích hợp” bậc trung học cơ sở: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Xóa sổ thành tựu khoa học của tiền nhân để “đổi mới”?
Chúng tôi được biết, vào thập niên 1950, 1960 Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã cho dạy môn khoa học thường thức ở cấp 1 (ngày nay gọi là tiểu học) từ lớp 1 đến lớp 4.
Bắt đầu sang cấp 2 (ngày nay gọi là trung học cơ sở), Giáo sư đã tách các môn chuyên ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý;
Môn Toán thì tách thành Số học, Hình học, Đại số để giảng dạy, giúp học sinh dần hình thành tri thức khoa học mang tính hệ thống và nâng cao.
Tích hợp 2, 3 môn vào 1 sách đã có trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phiên bản 1 công bố tháng 8/2015 khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển còn chủ trì. Thầy Nguyễn Vinh Hiển tham gia một bàn tròn tọa đàm trên truyền hình về đổi mới giáo dục, ảnh: VTV. |
Chỉ khi nào nắm được các tri thức khoa học phổ thông theo chuyên ngành một cách hệ thống và định lượng, người ta mới có thể vận dụng nó để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Cũng giống như giáo dục STEM hiện nay, không phải người ta "tích hợp" kiểu trộn lẫn trộn lẫn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào 1 sách để dạy;
Mà người ta phát triển các phương pháp thu hút, khuyến khích học sinh giải quyết các vấn đề thực tế thông qua việc áp dụng kiến thức, hiểu biết và kỹ năng của 1 hay nhiều môn học STEM (vẫn được dạy và học riêng rẽ).
Đó là lý do những ai từng học qua chương trình giáo dục thời Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, dù không "thiên kinh vạn quyển" như những lần cải cách sau đó, nhưng tri thức có được theo họ suốt cuộc đời.
Thế nhưng Chương trình 2000 đã đã đi ngược lại cách làm khoa học mà Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã đi.
Báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo tháng 9/2014 để Chính phủ trình Quốc hội xin ra nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (Nghị quyết 88/2014/QH13) đã viết:
Từ năm 2015 khi công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần 1, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn đã có nhiều bài viết về "tích hợp" Lý, Hóa, Sinh thành Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở trên báo chí. Tuy nhiên cho đến nay, các lập luận của thầy Mai Sỹ Tuấn mới dừng ở lý thuyết của người biên soạn. Ảnh: TTXVN. |
Ở cấp tiểu học đã xây dựng một số môn học có tính tích hợp thể hiện khá rõ như: Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3; Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5.
Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông đã có sự tích hợp các nội dung trong từng môn học:
Tích hợp các phân môn Cơ học, Điện, Nhiệt học và Quang học trong môn Vật lý; Đại số, Hình học, Lượng giác trong môn Toán; Hoá học hữu cơ và Hoá học vô cơ trong môn Hoá học;
Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế - xã hội trong môn Địa lý; Tiếng Việt, Văn học và Tập làm văn trong môn Ngữ văn);
Đồng thời, tích hợp các nội dung giáo dục về năng lượng, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khoẻ sinh sản… vào nhiều môn học khác nhau.
Trách nhiệm "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách đã sớm được gài vào chân Quốc hội? |
Thực chất, môn Khoa học tự nhiên và môn Khoa học ở tiểu học là những kiến thức thuộc môn Khoa học thường thức trước đây, dạy cho trẻ em tiểu học các kiến thức khoa học thường thức.
Chúng không có định lượng, không có công thức, giúp các em trả lời những câu hỏi sơ đẳng về thế giới tự nhiên, xã hội, cuộc sống ở trình độ các em có thể hiểu được, để lên bậc trung học cơ sở thì bắt đầu học các môn chuyên ngành có tính định lượng và hệ thống.
Tuy nhiên, Chương trình 2000 cũng đưa 2 môn Lịch sử, Địa lý từ bậc trung học cơ sở trong chương trình trước đây, xuống dạy từ ở cấp tiểu học, nhưng lại "tích hợp" 2 môn này vào 1 sách, bao gồm 2 phần sử, địa riêng biệt.
Điều đáng nói là cách viết sách 2000 cho học sinh của các nhà biên soạn, có lẽ còn nặng hơn giáo trình đại học chuyên ngành khi bắt các cháu 9, 10 tuổi phải thuộc các tri thức thông sử lẫn chuyên ngành của 26 thế kỷ, chưa tính phần địa lý.
Học sinh phải học quá nhiều, bị nhồi nhét đủ thứ kiến thức của các giáo sư, tiến sĩ viết chương trình và sách giáo khoa 2000, nhưng rất nhiều em lại không thể phân biệt “mối quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ”.
Và tất nhiên những người chủ trương thay chương trình, sách giáo khoa 2000 và cả các nhà viết sách giáo khoa, trong đó nhiều người tiếp tục tham gia viết chương trình sách giáo khoa mới, không một ai lên tiếng nhận trách nhiệm.
Những tưởng lần thay chương trình, sách giáo khoa này, những điều phi lý và phản khoa học như môn Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5 được thay đổi.
Nhưng không, người ta không hề công bố báo cáo tổng kết khoa học nào về "tích hợp" 2 môn 1 sách ở bậc tiểu học, mà cứ thế được đà xốc tới.
4 chủ đề tích hợp Lịch sử và Địa lý bậc trung học cơ sở đã có 1 nhà giáo phân tích khá chi tiết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Năm 2011 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng gây xôn xao dư luận với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa dự toán 70 ngàn tỉ đồng. Đến khi được chấp nhận với con số ngân sách duyệt chi 718,8 tỉ đồng, đề án vẫn còn nhiều bất cập và mập mờ về khoa học. Ảnh: VTV.vn. |
Và cho đến giờ các câu hỏi đặt ra trong bài với Tổng chủ biên, Chủ biên chương trình môn Lịch sử và Địa lý bậc trung học cơ sở vẫn im lặng.
Không một ai dám lên tiếng xin dạy thực nghiệm trên học sinh để giáo viên trực tiếp học hỏi, trao đổi để nắm vững chương trình và giải đáp thắc mắc.
Chúng tôi xin nói thật, làm chương trình cho người khác dạy mà mình không phải dạy thực nghiệm, không phải chịu trách nhiệm là việc không thể dễ hơn được nữa.
Đó không phải là cách làm khoa học.
Xu hướng quốc tế “tích hợp” Lý, Hóa, Sinh?
Còn về môn Khoa học tự nhiên tích hợp Vật lý, Hóa học và Sinh học ở bậc trung học cơ sở, cho đến giờ chúng tôi không hình dung được quý thầy "tích hợp" kiểu gì.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên, là một tiến sĩ về sinh học, không biết có đủ khả năng "tích hợp" với 2 môn Vật lý, Hóa học để ra chương trình môn học mới?
Và Phó giáo sư có dám đứng lớp cầm phấn thị phạm cho các thầy cô giáo một vài chủ đề tích hợp 3 môn này hay không?
Còn thông tin một số quốc gia cũng có môn tích hợp khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở mà Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn nói với truyền thông, xin thầy vui lòng cho biết rõ hơn:
Thứ nhất, phải chăng các quốc gia này đến bậc trung học phổ thông mới dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học độc lập? Hay họ dạy cả môn Khoa học (hoặc Khoa học thường thức), lẫn Vật lý, Sinh học, và / hoặc Hóa học ở bậc trung học cơ sở?
Nếu họ không dạy 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học ở bậc trung học cơ sở, điều này có nghĩa là môn khoa học thường thức của họ kéo dài đến hết bậc trung học cơ sở, và họ không dạy 3 môn này ở bậc trung học cơ sở như Việt Nam, đúng hay sai?
Thứ hai, tiêu chí nào để quý thầy chọn mẫu là Hàn Quốc, Anh, Pháp, Singapore, Thụy Sĩ, Xứ Wales, 1 số bang của Canada, 1 số bang của Hoa Kỳ, New Zealand và Nhật Bản?
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn có dạy được Vật lý, Hóa học không? Nếu không, đừng ép |
Và cơ sở khoa học nào để quý thầy khẳng định với bằng này quốc gia, vùng lãnh thổ có môn Khoa học / Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở cho thấy "việc tích hợp nhiều phân môn thành môn Khoa học (hay Khoa học tự nhiên) là xu hướng chung của thế giới"?
Quý thầy có nghiên cứu nào về cách thức các quốc gia này làm chương trình, sách giáo khoa hay chưa?
Có quốc gia nào trong số này cứ 5-7 năm lại bỏ hàng trăm triệu USD ra làm lại chương trình và sách giáo khoa như Bộ Giáo dục và Đào tạo của ta giải thích hay không?
Thứ ba, các môn Khoa học, Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở của các quốc gia, vùng lãnh thổ mà thầy Mai Sỹ Tuấn trích dẫn, được xây dựng dựa trên nguyên tắc định lượng hay định tính?
Trong đó có học các công thức hóa học, vật lý, các kiến thức sinh học thành 1 hệ thống liền mạch hay không?
Thứ tư, xin quý thầy vui lòng giới thiệu chương trình học tổng thể của các quốc gia vùng lãnh thổ này (địa chỉ website chẳng hạn), và vai trò vị trí, cách thức biên soạn sách giáo khoa, trong đó có môn Khoa học hoặc Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở của họ cho dư luận tìm hiểu, đối chiếu, so sánh với cách làm của quý thầy.
Cuối cùng, quan trọng nhất là quý thầy có sản phẩm nào trong tay là 1 cuốn sách tích hợp Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở, mà Chủ biên Mai Sĩ Tuấn tự tin giảng thị phạm cho giáo viên hay không?
Thầy Tuấn có dám làm và làm được việc này hay không? Đó mới là điều quan trọng, quyết định thành bại của "tích hợp" kiểu các thầy đang làm.
Chúng tôi được biết đầu năm 2017 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết mới tiếp nhận vị trí Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, và 2 môn "tích hợp" này đã có trong dự thảo công bố trước đó vào tháng 8/2015 mà chính thầy Thuyết khi ấy cũng rất băn khoăn.
Còn thầy Mai Sỹ Tuấn từ năm 2015 khi công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần 1 đã từng phân tích khá nhiều về "tích hợp" Lý, Hóa, Sinh vào 1 sách Khoa học tự nhiên trên truyền thông.
Nhưng từ đó đến nay, các lập luận của thầy Mai Sỹ Tuấn vẫn như cũ, chỉ là lý thuyết của riêng thầy mà không có bằng chứng thực tiễn, như một vài "chủ đề tích hợp" 3 môn này, hay 1 cuốn sách giáo khoa để tham khảo.
Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này? |
Chương trình môn học đã công bố và thời hạn triển khai đại trà sắp đến gần, nhưng vẫn không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy "tích hợp" 3 môn 1 sách sẽ thành công và thuyết phục dư luận được đưa ra.
Để "chống cháy", quý thầy cũng có thể dịch lại 1 cuốn Khoa học hoặc Khoa học thường thức của Hàn Quốc hay Singapore, nhưng vấn đề giáo viên có dạy được hay không lại là chuyện khác.
Và cái "khúc" Singapore hay Hàn Quốc ấy nằm trong cơ thể chương trình giáo dục phổ thông tổng thể này liệu có bị "thải ghép" khi 2 thứ khác nhau quá xa, nhất là bước vào giai đoạn trung học phổ thông, nhiều kiến thức khoa học chuyên ngành cần có tính hệ thống và phát triển từ dưới lên?
Nếu chỉ vì phải có "cái gì đó mới", cho dù chỉ là "bình mới, rượu cũ" (hay nói như Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng là "tên gọi mới, nhưng các vấn đề trong chương trình mới không hề xa lạ") để giải ngân các dự án vay vốn ODA đã ký kết, thì bài học thất bại của chương trình 2000 sẽ lặp lại, nhưng hậu quả sẽ nặng nề hơn rất nhiều.
Vì vậy chúng tôi rất mong các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự nghiên cứu cân nhắc thấu đáo trên tinh thần khoa học, khách quan, cầu thị và trách nhiệm trước vận mệnh Quốc gia, Dân tộc, Tổ quốc để xem xét, quyết định sao cho đúng đắn.