Các nhà viết sách giáo khoa sẽ thể hiện “tích hợp” như thế nào?

06/02/2018 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Chúng ta vẫn quan niệm “biết 10, dạy 1”, vậy khi dạy môn “tích hợp” thì người giáo viên có đáp ứng được tiêu chí này hay lại là câu chuyện “biết 2; dạy 1”.

Tháng 1/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức xin ý kiến rộng rãi dự thảo 20 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó hai môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) nhận được quan tâm đặc biệt từ dư luận. 

Trước và sau khi dự thảo chương trình môn học công bố, Báo Điện tử giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài viết từ các chuyên gia, đội ngũ thầy cô trên cả nước góp ý với Ban soạn thảo về vấn đề “tích hợp”. 

Hôm nay, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie cho hay:

“Khi nói tới tích hợp, chính giáo viên hiện nay không hình dung ra khái niệm “tích hợp liên môn” cụ thể là như thế nào, thế mà giờ đây trong chương trình giáo dục phổ thông mới lại xuất hiện thêm một khái niệm “tích hợp nội môn””

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang: "Nếu cứ khiên cưỡng dạy thì giáo viên sẽ thiếu tự tin vì không đúng chuyên môn của mình" (Ảnh: Thùy Linh)
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang: "Nếu cứ khiên cưỡng dạy thì giáo viên sẽ thiếu tự tin vì không đúng chuyên môn của mình" (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Khang chia sẻ, vốn dĩ từ xưa đến nay trong sách giáo khoa bậc trung học cơ sở hay trung học phổ thông đã có tích hợp liên môn một cách tự nhiên, dù các nhà biên soạn không nói tới điều này thì các môn học vẫn có liên quan tới nhau. 

Có nghĩa là, quá trình dạy và học môn này có sử dụng kiến thức của môn kia và ngược lại. 

Ví dụ, nội dung về “nguyên tử” thì cả môn Vật lý và Hóa học đều có, trong đó môn Vật lý dạy về cấu tạo phân tử, nguyên tử, hạt nhân còn môn Hóa học thì dạy về cấu trúc phân tử, nguyên tử, hạt nhân. 

Hoặc, phương pháp đồ thị (bao gồm: tọa độ, đồ thị, cách vẽ) là kiến thức của Toán học nhưng phương pháp này được ứng dụng rất nhiều trong quá trình dạy và học Vật lý. 

Các nhà viết sách giáo khoa sẽ thể hiện “tích hợp” như thế nào? ảnh 2

Xin Bộ trưởng hãy cho dừng ngay kiểu tích hợp cơ học này

Từ hai ví dụ này cho thấy, tích hợp giữa các môn học đã tiềm tàng có từ xưa tới nay thế nhưng khi chương trình giáo dục phổ thông mới xuất hiện môn học Khoa học tự nhiên (tích hợp của 3 môn Lý, Hóa, Sinh) thì vấn đề “tích hợp” sẽ khác. 

“Tích hợp” theo chương trình giáo dục phổ thông mới tức là một bài giảng, một chương, một giáo trình sẽ do 1 giáo viên thực hiện giảng dạy cho một lớp với số lượng 30-40 học sinh. 

“Nhìn vào dự thảo chương trình môn Khoa học tự nhiên thì tôi chưa thấy sự kết hợp kiến thức của cả Lý, Hóa, Sinh đâu. Không biết, khi các nhà viết sách giáo khoa sẽ thể hiện “tích hợp” như thế nào?”, thầy Khang băn khoăn. 

Hơn nữa, khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua thì giáo viên cơ sở vẫn chưa hình dung cụ thể “tích hợp liên môn” hay “tích hợp nội môn” ở môn Khoa học tự nhiên là như thế nào, nên họ chờ đợi vào dự thảo chương trình môn học sẽ cho họ câu trả lời. 

Tuy nhiên, khi dự thảo môn học được công bố thì giáo viên cũng chưa thấy sự tích hợp nhuần nhuyễn của 3 môn học này mà mới chỉ thấy tích hợp theo kiểu cơ học, tức là ghép kiến thức 3 môn vào 1 cuốn sách giáo khoa. 

“Vậy giáo viên của chúng ta sẽ dạy thế nào?”, Hiệu trưởng trường Marie Curie đặt câu hỏi. 

Các nhà viết sách giáo khoa sẽ thể hiện “tích hợp” như thế nào? ảnh 3

Bộ Giáo dục nên tổ chức "hội nghị đầu bờ" 2 môn tích hợp mới

Bởi lẽ, theo thầy Khang, một giáo viên được đào tạo về Vật lý thì liệu có thể dạy chuyên sâu Hóa, Sinh như một giáo viên được đào tạo Hóa, Sinh hay không, hay lại lặp lại chuyện “thầy đọc sách giáo khoa, giáo trình; trò chép”?

Thầy Khang cũng cho biết thêm, từ trước tới nay, chúng ta vẫn quan niệm “biết 10, dạy 1”, tức là, người thầy có kiến thức 10 thì dạy 1 thì mới sâu sắc được. Vậy, khi dạy môn “tích hợp” thì người giáo viên có đáp ứng được tiêu chí này hay lại là câu chuyện “biết 2; dạy 1”?

Thử hỏi, như vậy thì làm sao mà giáo viên đó dạy chuyên sâu được? Nhưng nếu cứ khiên cưỡng dạy thì giáo viên sẽ thiếu tự tin vì không đúng chuyên môn của mình. 

Nói đến đây, thầy Khang ví dụ, khi phân tích một bài thơ thì giáo viên Vật lý cũng có thể cảm nhận và diễn đạt được, nhưng chắc chắn một giáo viên dạy Văn sẽ giảng sâu sắc hơn, khiến học sinh yên tâm về kiến thức hơn đồng thời chính người dạy cũng sẽ tự tin hơn nhiều. 

Lúc này nhiều giáo viên cơ sở vẫn đang băn khoăn về “tích hợp” trong chương trình giáo dục phổ thông mới thế nên nếu Ban soạn thảo không giải tỏa được tâm lý cho đội ngũ này thì họ sẽ thực hiện chương trình mới như thế nào, chương trình mới có thành công?  

Thùy Linh