LTS: Trước về vấn đề chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 năm học 2018-2019 ở một số địa phương trong toàn quốc, thạc sỹ Nguyễn Đình Anh có bài viết chia sẻ.
Theo đó, tác giả cho rằng, nên chăng Hà Nội và các địa phương còn sử dụng môn thi thứ 3 bằng bài thi tổ hợp cần xem xét lại phương án thi tuyển sinh vào trung học phổ thông.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong mấy ngày qua Hà Tĩnh và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã công bố môn thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 đối với những trường trung học phổ thông tuyển sinh theo hình thức thi tuyển, với quy định chỉ thi 3 môn: Ngữ Văn,Toán, Ngoại ngữ (tiếng anh).
Theo ý kiến của chúng tôi đây là một sự lựa chọn đúng đắn.
Đúng đắn vì sự lựa chọn này không gây sự xáo trộn trong quy định thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng chục năm qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương hàng năm các tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 bằng 3 môn thi trong đó có 2 môn được xác định từ đầu năm học là môn Ngữ Văn, môn Toán và một môn thứ 3 do các Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn và công bố vào đầu tháng tư của mỗi năm.
Với việc lựa chọn 3 môn thi như trên Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 phải là một kỳ thi gọn nhẹ nhưng chọn được các môn thi tiêu biểu, môn đại diện cho các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và một môn được lựa chọn cho từng năm để tránh việc học lệch, học tủ của học sinh.
Nội dung thi lại bao quát được chương trình học sinh đã học cuối cấp trung học cơ sở.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm qua chỉ quy định thi tuyển sinh vào lớp 10 bằng 3 môn học mà vẫn được cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh trong cả nước đồng thuận?
Đồng thuận vì với ba môn thi như trên kỳ thi vào lớp 10 cũng đã kiểm tra được một cách toàn diện các kiến thức mà học sinh được trang bị trong các năm học tiểu học và trung học cơ sở (môn Ngữ Văn, môn Toán) và cũng đã có cách để giảm dần tình trạng học lệch, học tủ của học sinh bằng môn thứ 3 do các Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn và công bố vào tháng 4 hàng năm.
Đặc biệt có tỉnh không chọn hình thức bắt thăm để xác định môn thi thứ 3 mà lựa chọn ngay môn thi thứ 3 là Ngoại ngữ để làm môn thi tuyển sinh vào lớp 10.
Thi vào lớp 10 tận 6 môn thì khác nào ném trẻ con vào chảo lửa |
Sự lựa chọn này sẽ từng bước khắc phục dần tình trạng thiếu vốn ngoại ngữ cho học sinh sau trung học cơ sở, là một cách lựa chọn tích cực để hạn chế dần tình trạng yếu kém ngoại ngữ đã từng kéo dài hàng chục năm qua ở Việt Nam.
Chọn riêng môn Ngoại ngữ làm môn thi thứ 3 là cách để tăng cường dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông và là giải pháp để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thời kỳ hội nhập quốc tế, đáp ứng bước phát triển mới cho việc tiếp cận tri thức nhân loại.
Hơn nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay và cho nhiều năm nữa vẫn còn là những kỳ thi kiểm tra học vấn của các thế hệ học sinh đang học chương trình sách giáo khoa ban hành từ năm 2000 chứ chưa phải là kỳ thi kiểm tra năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cũng như tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi còn thấy Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… cũng đang duy trì phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông năm học 2018-2019 chỉ bằng 3 môn thi mà môn thi thứ 3 là môn Tiếng Anh.
Thế nhưng chúng tôi không hiểu tại sao Thành phố Hà Nội và một số tỉnh khác lại đưa ra chủ trương chọn thi môn thứ 3 lại là một môn tổ hợp.
Trong lúc đó thực chất môn thi hoặc (bài thi tổ hợp) suy cho cùng là bài thi gồm nhiều môn học được ghép với nhau trong đó có Tiếng Anh. Như vậy, ít ra học sinh cũng phải thi tới 5-6 môn.
Dù cho kiến thức kiểm tra mỗi môn học trong bài thi tổ hợp chỉ có mức độ vừa phải nhưng cũng phải buộc học sinh ôn thi nhiều môn hơn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hàng chục năm qua.
Việc thi bộ đề thi có bài thi tổ hợp sẽ nặng nề, gây áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh và sẽ tạo cơ hội để mở rộng diện dạy thêm, học thêm - một vấn nạn mà mấy năm nay ngành Giáo dục và Đào tạo đang cố gắng khắc phục.
Cho nên khi Hà Nội và một số tỉnh công bố chọn môn thi vào lớp 10 với 3 môn thi trong đó có Ngữ Văn, Toán và môn thứ 3 là một bài thi tổ hợp đã không tránh khỏi sự phản đối rộng rãi của dư luận.
Khác hơn các tỉnh, thành phố khác để trả lời sự không đồng thuận của phụ huynh Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức họp báo để lý giải vì sao Hà Nội chọn môn thi thứ 3 là một bài thi tổ hợp.
Theo Sở này việc chọn môn thứ 3 là một bài thi tổ hợp vì ba mục đích: Kiểm tra một cách toàn diện kiến thức đã học của học sinh - chống học tủ, học lệch - đón đầu cho việc thi tuyển sinh vào lớp 10 của những năm sắp tới khi học sinh chính thức học các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới (mà thực ra hiện nay mới đang ở mức xây dựng chương trình dự thảo và sách giáo khoa thì chưa công bố được một cuốn sách nào).
Hà Nội giải thích lý do đưa bài thi tổ hợp vào tuyển sinh lớp 10 |
Chúng tôi rất lấy làm tiếc là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không nhận biết được rằng tất cả những lý do vì sao lại đưa môn thứ 3 là môn thi tổ hợp để thi tuyển vào lớp 10 mà họ đưa ra trong cuộc họp báo gần đây chỉ có thể xoa dịu sự bức xúc của một số ít phụ huynh.
Còn những người đã từng làm công tác quản lý giáo dục có trách nhiệm với giáo dục nước nhà như chúng tôi thì cho rằng tất cả những lý do giải thích vì sao Hà Nội chọn môn thi thứ 3 là một bài thi tích hợp chỉ là một sự ngụy biện.
Chúng tôi xin được đặt ra một số câu hỏi mong được Sở Giáo dục Hà Nội trả lời lại cho dư luận cách làm của Hà Nội về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020:
- Chả lẽ việc xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở mà ngành giáo dục và đào tạo thực hiện theo Luật giáo dục trong hàng chục năm qua chưa theo hướng đánh giá một cách toàn diện kết quả học tập của học sinh hay sao?
- Hà Nội vẫn còn đang hồ nghi kết quả xét công nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo Luật Giáo dục và quy chế xét tốt nghiệp trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay sao?
- Quy chế xét tốt nghiệp trung học cơ sở chưa đánh giá được kết quả học tập toàn diện của người học nên phải dùng môn thi thứ 3 là một bài thi tổ hợp để làm thêm một kỳ thi nhiều môn thi để kiểm tra một cách toàn diện kết quả học tập của học sinh hay sao?
- Việc đổi mới công tác quản lý trong các nhà trường mà ngành giáo dục và đào tạo ráo riết thực hiện trong những năm qua vẫn chưa làm chuyển biến ý thức trách nhiệm của các hiệu trưởng và giáo viên các trường phổ thông trong việc chống học tủ, học lệch hay sao?
Trong lúc đó chúng tôi biết rằng, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo đang khẳng định cần phải trao quyền tự chủ cho các nhà trường.
Hiệu trưởng các nhà trường không điều hành được việc đánh giá một cách chính xác, khách quan chất lượng học tập cuối cấp trung học cơ sở của học sinh hay sao mà Hà Nội lại chọn cách đối phó sự hồ nghi của mình với việc cán bộ quản lý và giáo viên chưa làm tốt trách nhiệm trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp trung học cơ sở bằng việc tổ chức một kỳ thi nặng nề cho học sinh bằng 3 bài thi mà bài thi thứ 3 thực chất là một bài thi kiểm tra kiến thức của nhiều môn thi để lấy kết quả tuyển sinh vào lớp 10?
Chúng tôi cho rằng việc tiến hành phương án thi tuyển vào lớp 10 với ba bài thi trong đó có bài thi tổ hợp của Sở Giáo dục và Hà Nội và của một số tỉnh khác là một cách làm đi ngược lại chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Và kỳ thi tuyển sinh theo kiểu đó chỉ làm cho tâm lý người học và phụ huynh cảm thấy căng thẳng và nặng nề thêm lên mà thôi.
Phương án thi tuyển sinh dùng bài thi thứ 3 là một bài thi tổ hợp hoàn toàn không thể được gọi là sự đón đầu cho việc thi tuyển sinh của những năm sắp tới khi chúng ta thực hiện các môn học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bởi thực chất “tổ hợp các môn học” của chương trình phổ thông hiện hành hoàn toàn không giống việc “tích hợp các môn học” sẽ được thể hiện trong chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới.
Hơn nữa chương trình học của học sinh phổ thông hiện nay vẫn là chương trình phổ thông hiện hành. Việc thi cử cũng phải phù hợp theo nội dung chương trình đã học.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình tích hợp môn học ít ra gần 10 năm nữa mới thực thi và cũng ngần ấy thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành quy chế thi tuyển sinh mới cho lớp 10 học chương trình phổ thông mới.
Việc đón đầu cho việc thi tuyển sinh có các môn học tích hợp như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và một số tỉnh thành tổ chức thi tuyển sinh có bài thi tổ hợp như đã nói ở trên có quá vội vàng và sớm quá chăng?
Hà Nội và các tỉnh đang triển khai phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 còn dựa vào cách thi có bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thì quả là một sự nhầm lẫn lớn bởi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia là một kỳ thi nhưng nhằm vào hai mục đích: lấy kết quả xét tốt nghiệp và lấy kết quả để xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng và các trường nghề.
Còn thi tuyển vào lớp 10 là kỳ thi chỉ cho một mục đích là lấy kết quả để tuyển sinh vào lớp 10.
Phụ huynh băn khoăn với kế hoạch thi vào lớp 10 ở Hà Nội từ năm 2019 |
Vì các kỳ thi để tuyển sinh học sinh học chương trình ban hành từ năm 2000 để tuyển sinh vào lớp 10 sẽ còn nhiều năm nữa và cũng còn nhiều năm nữa chúng ta mới thi tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình mới.
Chúng tôi kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương nơi nào còn tuyển sinh học sinh vào lớp 10 theo hình thức thi tuyển thì chỉ nên thi 3 môn: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ như cách làm của Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ …
Không để cho các Sở Giáo dục và Đào tạo nhân danh đổi mới để đưa ra các phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 thiếu tính khoa học và đi ngược lại chủ trương về tuyển sinh, thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chúng tôi cam đoan rằng nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội các địa phương không có sự “tư duy lại” về phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 mà vẫn giữ phương án có sử dụng bài thi tổ hợp thì nạn dạy thêm, học thêm sẽ tái diễn một cách tràn lan trong thời gian sắp tới.