Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục

21/05/2017 07:54
Thùy Linh
(GDVN) - Khi bỏ biên chế sẽ xóa bỏ các “rào cản” trong quy trình tuyển dụng và tạo cơ hội cho những giáo viên đủ năng lực, có trình độ chuyên môn cao được cống hiến.

LTS: Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định (ngày 12/5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”.

Xung quanh chủ trương này của vị Tổng tư lệnh ngành giáo dục, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh). 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Phóng viên: Nhiều giáo viên đánh giá chủ trương bỏ biên chế giáo dục mà Bộ trưởng đưa ra có mặt tích cực là tạo khoảng trống để nhân tài có cơ hội vào ngành, tránh tình trạng người tài thi biên chế nhưng không dễ gì được vào vì "con ông cháu cha" chiếm hết phần. 

Theo quan điểm cá nhân, thầy đánh giá như thế nào về chủ trương này của Bộ? 


Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn: Tôi ủng hộ việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục. Nhưng Bộ không nên quá vội vàng mà cần có một lộ trình và có những văn bản quy định chặt chẽ về vấn đề “hợp đồng”, có các thông tư hướng dẫn cũng như lấy ý kiến rộng rãi từ xã hội và những nhà chuyên môn.

Hiện nay, số lượng giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học rất nhiều, đây là những giáo viên trẻ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành và xã hội nhưng đều không có việc làm do quy định về thi tuyển công chức của ngành giáo dục đòi hỏi ngoài chuyên môn thì giáo viên phải có hộ khẩu thành phố, hộ khẩu tại địa phương nơi mong muốn được thi tuyển. 

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Do vậy, khi bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ xóa bỏ các “rào cản” trong quy trình tuyển dụng và tạo cơ hội cho những giáo viên đủ năng lực, có trình độ chuyên môn cao được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Hơn nữa, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ tạo động lực cho những giáo viên hiện đang công tác phải thay đổi cách làm việc, thay đổi cách suy nghĩ “hết ngày, hết giờ thì về”. Giáo viên phải tự học tập để nâng cao trình độ đáp ứng cho nhu cầu công việc. 

Nhưng lại có ý kiến cho rằng, chế độ công chức trước nay là một “tảng đá” làm chậm phát triển chất lượng giáo dục. Bởi lẽ, một số giáo viên được biên chế rồi thì có tâm lý an toàn, làm việc cầm chừng “tối ngày đầy công”…

Xóa bỏ công chức đòi hỏi giáo viên phải làm thật, tuân theo quy luật đào thải để phát triển. Là một giáo viên giảng dạy lâu năm, thầy nghĩ sao về điều này?

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn
: Chất lượng giáo dục chậm phát triển không phải chỉ do vấn đề biên chế mà còn những vấn đề liên quan như đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình, nội dung sách giáo khoa, thi cử,… 

Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục ảnh 2

Xét thi đua cuối năm, giáo viên đứng lớp luôn là người thiệt thòi nhất

Giáo viên khi đã chọn nghề thì luôn quan niệm “không yêu nghề sẽ không trụ được với nghề”, họ đến với nghề dạy học, đến với các em học sinh vì chữ “tâm”, cái “tâm” được thể hiện:

Trước tiên là tài năng, sự hiểu biết, năng lực chuyên môn của người thầy.

Bởi lẽ người thầy cần phải có đủ lượng tri thức để truyền tải cho người học một cách đúng nhất, tốt nhất, đầy đủ, hấp dẫn.

Trong quá trình giảng dạy, người thầy biết hướng cho người học có cách nhìn đúng, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Thứ hai, vai trò của người thầy khi đứng trên bục giảng ngoài giảng dạy còn giáo dục cho các em về nhân cách, lối sống, ý thức đạo đức, niềm tin lý tưởng, biết cống hiến, biết hy sinh, sống vì mọi người.

Hiện nay, trong một tập thể luôn có tình trạng “lợi ích nhóm” mà quên đi “lợi ích tập thể”.

Những giáo viên tích cực trong công việc, tham gia tốt các hoạt động của ngành, của đơn vị nhưng khi xét các danh hiệu thi đua đều không đạt do một số thành viên trong nhà trường thường tạo thành “nhóm” và đánh giá không đúng theo thành tích, theo năng lực cá nhân mà đánh giá bằng “cảm tính”.

Chính vì công sức của cá nhân không được tập thể ghi nhận nên dẫn đến tình trạng giáo viên mất “lửa nhiệt huyết” và tạo ra “sức ì” trong chất lượng giáo dục.

Như vậy, việc xóa bỏ công chức sẽ giúp cho không chỉ giáo viên mà ngay cả cán bộ quản lý cũng phải làm việc bằng chính công sức lao động, bằng sự đổi mới để tạo những bước đột phá đem lại lợi ích cho tập thể, cho nhà trường và đặc biệt là cho các em học sinh.

Chắc chắn khi công sức của giáo viên được ghi nhận một cách thỏa đáng thì họ sẽ cống hiến hết mình và những giáo viên có lối suy nghĩ “hết ngày, hết giờ ra về” sẽ chịu sự đào thải đó là một quy luật tất yếu trong xã hội. 

Có thể trước đây, giáo viên chỉ cần biết “hoàn thành nhiệm vụ được giao”, chăm chỉ làm việc thì có thể yên tâm “sống qua ngày”.

Nhưng xã hội bây giờ cần ở giáo viên nhiều hơn thế, nhịp sống nhanh và sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật đòi hỏi giáo viên phải thay đổi.

Ngành nghề nào cũng sẽ chịu sự đào thải nếu chất lượng không tốt. Đây là bước đột phá về chế độ công chức của Bộ trưởng và nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm thành công thì tôi mong các Bộ ngành khác cũng nên thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế là những người giáo viên rất trông chờ được biên chế và muốn có sự yên ổn để sống với nghề, chuyên tâm vào sự nghiệp trồng người. 

Vậy theo thầy, nếu khi bỏ chế độ công chức, viên chức thì liệu có gây ra bất cập gì không? Bộ cần có giải pháp gì trước khi thực hiện thí điểm?

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn: Vị trí, vai trò của đội ngũ quản lý nói chung và Ban giám hiệu nói riêng đối với một ngôi trường rất quan trọng. Bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, mà còn ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của hàng chục thậm chí hàng trăm giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường.

Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục ảnh 3

Sắp tới thầy cô chỉ có hợp đồng, không còn công chức, viên chức

Chúng ta không quên những sự việc gần đây liên quan đến đội ngũ quản lý: Hiệu trưởng trường Mầm non An Đông - Huế; Sự “chối bỏ trách nhiệm” của hai vị lãnh đạo Trường tiểu học Nam Trung Yên – Hà Nội đã khiến cho niềm tin của giáo viên, học sinh và phụ huynh như bị chấn động. 

Và gần đây, một hiệu trưởng khi lập biên bản giáo viên, khi giáo viên giải thích thì hiệu trưởng thẳng thừng từ chối và nói với giáo viên “không cần giải thích”, còn mạnh dạn tuyên bố “hiệu trưởng chỉ đạo sai cũng phải làm”,…

Những sự việc đó cho thấy đội ngũ quản lý đang dùng “quyền” để lãnh đạo nhà trường.

Do vậy, khi xóa bỏ chế độ công chức thì việc hợp đồng, tuyển dụng sẽ do Hiệu trưởng là người quyết định.

Như vậy, Hiệu trưởng sẽ có “quyền lực” rất lớn đối với giáo viên, công nhân viên của nhà trường. Bộ cần đưa ra những ràng buộc để tránh những tình trạng “lạm quyền”.

Cần mở rộng cơ chế bổ nhiệm, tuyển chọn đội ngũ quản lý để những ai có tâm huyết, năng lực đều có điều kiện ứng cử. Không nên theo tiêu chí: giáo viên để được có tên trong danh sách quy hoạch cán bộ phải thông qua bỏ phiếu tín nhiệm của tập thể; Ban giám hiệu phải là Đảng viên.

Và cũng nên xem xét việc hết nhiệm kỳ quản lý, trở về làm công tác giảng dạy để nắm được nội dung, chương trình cũng là chuyện rất bình thường. Chỉ có sự “đổi ngôi” mới giúp các nhà quản lý thay đổi suy nghĩ, cách làm việc. 

Đồng thời, vị hiệu trưởng phải là người biết lắng nghe sự góp ý của mọi người trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Người quản lý biết lắng nghe ý kiến của tập thể, cá nhân, kể cả những ý kiến “trái chiều” để từ đó lựa chọn và đưa ra các giải pháp tối ưu.

Chất lượng giáo dục không phải hoàn toàn do giáo viên quyết định mà một phần từ đội ngũ quản lý.

Do đó rất cần ở đội ngũ quản lý có “tâm, tầm, tài” để biến tất cả những ý tưởng đổi mới thành hiện thực, biết trọng dụng những người có năng lực, mạnh dạn loại bỏ những giáo viên ham lợi, bè phái, lấy lợi ích của tập thể để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, thiếu tinh thần trách nhiệm. 

Xin trân trọng cảm ơn thầy. 

Thùy Linh