LTS: Thầy giáo Nhật Duy gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới về 2 môn tích hợp trong chương trình phổ thông mới, bậc trung học cơ sở.
Tác giả Nhật Duy mong muốn trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về những vấn đề thầy Duy cho là chưa rõ sau những chia sẻ của Tổng chủ biên về 2 môn tích hợp này với truyền thông ngày 12/2.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được các bài viết phân tích, làm rõ các vấn đề khoa học của việc triển khai 2 môn tích hợp này.
Câu chuyện 2 môn học “tích hợp” của cấp trung học cơ sở trong chương trình mới đã được nói nhiều và có thể sẽ còn được dư luận bàn tiếp trong thời gian tới.
Điều khiến chúng tôi cảm thấy rất khó hiểu không chỉ dừng ở bản thân 2 môn học mới, mà còn bởi sự thay đổi quan điểm quá nhanh của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trước và sau khi làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
“Tích hợp là xu thế …”
Ngày 12/2 Báo VietnamNet dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục đưa ra những nhận định về thế mạnh của 2 môn học tích hợp, thầy nói:
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, ảnh: VTV.vn. |
“Từ hàng chục năm nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến đã đưa ra nhiều giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có dạy học tích hợp, mà mức cao nhất là xây dựng các môn học tích hợp.
Giải pháp này phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của người học, bởi vì năng lực là kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện thành công các hoạt động thực tiễn.
Dạy học tích hợp giúp học sinh rút ngắn quá trình tổng hợp này và góp phần “giảm tải” chương trình, là trong hoàn cảnh kho tàng kiến thức của nhân loại càng ngày càng tăng trong khi thời gian học tập ở nhà trường phổ thông thì có hạn.” [1]
Thầy Nguyễn Minh Thuyết còn cho biết thêm:
“Dạy học tích hợp đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu của thế giới; mức độ tích hợp khá đa dạng.
Số nước có môn Khoa học tự nhiên thay cho 3 môn học riêng rẽ là Vật lí, Hoá học và Sinh học ở cấp trung học cơ sở chiếm tỉ lệ cao trong số các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ,...
Điều này cho thấy việc thiết kế môn học tích hợp Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.” [2]
Chúng tôi đã nghe quá nhiều lập luận “tích hợp” 2, 3 môn vào 1 sách là “xu thế quốc tế”, rồi “các nước đã áp dụng hàng chục năm”.
Từ đầu năm 2016 trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển khai tập huấn tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp, liên môn cho toàn thể cán bộ quản lý và giáo viên. Ảnh minh họa: http://thpt-btxuan.thuathienhue.edu.vn. |
Nhưng cũng giống như mô hình Trường học mới Colombia (EN) thành công ở Colombia, khi sang Việt Nam thì mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) đã gây nhiều tranh cãi vì cách làm phản khoa học.
Mục tiêu, đối tượng và bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội của giáo dục phổ thông Colombia khác xa với Việt Nam, nên việc đem mô hình EN của Colombia về Việt Nam đã là một sai lầm ngay từ phương pháp tiếp cận.
Đến khi triển khai, VNEN lại chỉ nhập khẩu cái vỏ của EN, còn ruột vẫn là chương trình, sách giáo khoa 2000 vốn đã rất nặng nề, rối rắm.
Sai lầm thứ 3 và nghiêm trọng nhất là triển khai ồ ạt, không dựa trên các thí điểm và kết luận khoa học, như chính phân tích của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trong bài viết “VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay…” :
“Thông thường, một chương trình thí điểm, nhất là thí điểm trong giáo dục phải được tiến hành hết sức bài bản, cẩn trọng. Trước hết, cần thí điểm trên một diện rất hẹp và đo lường tỉ mỉ; sau đó, nếu có kết quả khả quan mới cho nhân rộng dần.”
Nhưng quan sát cách Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và quý thầy biên soạn chương trình mới triển khai 2 môn tích hợp, chúng tôi nhận thấy không khác gì cách Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai ồ ạt VNEN.
Chúng tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và quý thầy biên soạn chương trình về các bằng chứng thực nghiệm, thực chứng 2 môn “tích hợp” trên thầy và trò trong các trường trung học cơ sở ở Việt Nam.
Nhưng đến giờ này quý thầy vẫn im lặng.
Tích hợp 2, 3 môn 1 sách do yếu kém, vọng ngoại hay dự án? |
Chủ biên / Tổng chủ biên của 2 môn tích hợp này cũng không dám dạy thị phạm cho giáo viên xem quý thầy “tích hợp” Lý - Hóa - Sinh, Sử - Địa kiểu gì.
Việc nêu tên vài quốc gia, vùng lãnh thổ có môn Khoa học / Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở, chỉ ra vài cuốn sách giáo khoa chưa nói lên được điều gì, vì hệ thống giáo dục của họ khác Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Tạ Quang Bửu lúc sinh thời đã từng nghiên cứu kỹ về hệ thống giáo dục phổ thông và quyết định dạy Khoa học thường thức (chính là môn tích hợp các kiến thức sơ đẳng) ở cấp Tiểu học, bắt đầu vào Trung học cơ sở là học khoa học chuyên ngành.
Nếu quý thầy muốn phá vỡ cấu trúc này, thì xin hãy đưa ra bằng chứng khoa học chứng minh tính ưu việt của nó, chứ không phải dẫn dăm ba cuốn sách của dăm bảy nước để chứng minh rằng, Việt Nam cũng phải đi theo một phần rất nhỏ giáo dục của họ.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Dạy học tích hợp giúp học sinh rút ngắn quá trình tổng hợp này và góp phần“giảm tải” chương trình, là trong hoàn cảnh kho tàng kiến thức của nhân loại càng ngày càng tăng trong khi thời gian học tập ở nhà trường phổ thông thì có hạn.”
Chúng tôi cho rằng lập luận này của thầy Nguyễn Minh Thuyết không thuyết phục, bởi 5 môn học độc lập “ép dồn” thành 2 môn học mới, nhưng vẫn do 5 người dạy và mỗi người vẫn dạy phân môn của mình hay “mạch nội dung” của chương trình.
Kho tàng kiến thức nhân loại ngày một tăng, thì phải thay đổi phương pháp giáo dục giúp học sinh tự học, chứ không phải nhồi 2, 3 môn vào 1 sách để gọi là giảm tải.
Số tiết vẫn được biên chế như chương trình cũ mà tăng thêm sự khó khăn cho người dạy, người học thì “giảm tải” ở chỗ nào?
Đào tạo giáo viên theo kiểu “tính cua trong lỗ”
Nói về giáo viên dạy các môn tích hợp trong chương trình mới, thầy Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
Trách nhiệm "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách đã sớm được gài vào chân Quốc hội? |
“Trước năm 1975, việc một giáo viên dạy cả 2 môn như Vật lí - Hóa học, Lịch sử - Địa lí rất phổ biến. Nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy khó khăn khi dạy môn tích hợp là do chương trình đào tạo sư phạm và thói quen dạy đơn môn trong mấy chục năm gần đây.
Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học tích hợp.
Các trường sư phạm đang xây dựng chương trình đào tạo giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí và chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn học này.
Theo dự kiến, giáo viên dạy môn Lịch sử và môn Địa lý trong chương trình hiện hành sẽ học khoảng 20 tín chỉ để dạy môn Lịch sử và Địa lí ở trung học cơ sở. Đối với môn Khoa học tự nhiên, cách bồi dưỡng cũng tương tự.
Từ nay cho đến khi áp dụng Chương trình mới ở cấp trung học cơ sở còn gần 3 - 4 năm chuẩn bị, cho nên chương trình bồi dưỡng này hoàn toàn có tính khả thi.
Đối với một số trường hợp đặc biệt như giáo viên gần đến tuổi nghỉ hưu thì có thể áp dụng phương án bố trí mỗi giáo viên dạy một mạch nội dung phù hợp trong môn tích hợp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với giáo viên dạy mạch nội dung khác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không nên kéo dài” [2].
Câu hỏi về việc giáo viên nào sẽ dạy môn tích hợp và cách bố trí giáo viên dạy các môn này ra sao đã có nhiều bài viết phản biện và nhiều câu hỏi mà chúng tôi cũng như rất nhiều tác giả khác đặt ra cho thầy Nguyễn Minh Thuyết và thầy Mai Sĩ Tuấn nên chúng tôi không lặp lại vấn đề này.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn trao đổi thêm với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về mấy khía cạnh sau:
Thứ nhất, thầy nói: “Trước năm 1975, việc một giáo viên dạy cả 2 môn như Vật lí - Hóa học, Lịch sử - Địa lí rất phổ biến. Nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy khó khăn khi dạy môn tích hợp là do chương trình đào tạo sư phạm và thói quen dạy đơn môn trong mấy chục năm gần đây”.
Ai "thấu cảm" với học trò, phụ huynh ở lớp VNEN? |
Ở đây cần phải nói cho sòng phẳng, trước 1975 tình trạng một giáo viên dạy cả 2 môn Lý - Hóa, Sử - Địa phổ biến là vì chúng ta thiếu giáo viên, phải đào tạo ghép môn mới cáng đáng được khối lượng công việc, nhưng chất lượng không cao.
Bởi vậy, khi đã bố trí được đủ số lượng giáo viên dạy từng môn độc lập thì tình trạng 1 giáo viên dạy 2 môn đã bị loại bỏ, các trường sư phạm không còn đào tạo 1 giáo sinh dạy 2 môn nữa.
Vì thế lập luận “do chương trình đào tạo sư phạm và thói quen dạy đơn môn trong mấy chục năm gần đây” rất mù mờ, tối nghĩa và có dấu hiệu đánh tráo khái niệm.
Quý thầy lại lấy cái lạc hậu, cái đã bỏ đi để giải thích cho việc quý thầy gom 2-3 môn học thành 1 môn gây khó khăn cho người dạy, người học càng cho thấy một tư duy luẩn quẩn.
Thứ hai, theo thầy Thuyết thì giáo viên dạy 2 môn tích hợp tới đây sẽ được học 20 tín chỉ về các phân môn mới mà chúng tôi cảm thấy ngao ngán lòng.
Việc giáo viên bồi dưỡng chuyên môn cũng là chuyện phải làm hàng năm, nhưng học 20 tín chỉ vào thời điểm nào trong năm học, giáo viên tiếp thu ra sao là một vấn đề không hề đơn giản.
Bởi phần đông các thầy cô giáo đã bỏ những kiến thức các môn học khác hàng chục, thậm chí vài chục năm từ trước.
Tại khoản 3, điều 3 của Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT Về việc ban hành “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ” như sau:
“Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn dạy học tích hợp liên môn, ảnh minh họa: Cổng Thông Tin Trường Trung học phổ thông Tân Thạnh huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. |
Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.
Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường.” [3]
Như vậy, để đảm nhận dạy môn tích hợp thì giáo viên của 5 phân môn Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa sẽ phải học khoảng 20 tín chỉ = 300 tiết học.
Mỗi buổi học 4 tiết sẽ bằng 75 buổi, mỗi tháng trừ đi 4 chủ nhật thì giáo viên phải học bồi dưỡng đằng đẵng 3 tháng liên tục, đó là chưa kể bồi dưỡng về phương pháp.
Và một điều dĩ nhiên là ngoài thời gian thì ngân sách nhà nước, chi phí của giáo viên bỏ ra sẽ tốn một khoản kinh phí khổng lồ.
Nhưng, có lẽ bù lại…chương trình mới sẽ tạo thêm được rất nhiều “công ăn, việc làm” cho các chuyên gia của Bộ, của dự án và các trường sư phạm.
Còn chất lượng dạy và học ra sao sẽ vẫn tiếp tục bài ca “ông đương chức còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu”?
Hơn nữa, trước đây thầy Thuyết đã từng băn khoăn rằng:
“Giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm phải có nội dung cụ thể, chứ không đơn giản là một sinh viên vừa học Lý vừa học Hóa, tự sinh viên đó tổng hợp lại thành một cái gì đó gọi là tích hợp.” [4]
Với cung cách quản lý và tổ chức vận hành các hoạt động giáo dục hiện nay, chúng tôi cho rằng việc hoàn thành “tập huấn” hay các “tín chỉ” không phải chuyện khó khăn gì.
Nhưng tập huấn rồi, học “tín chỉ” xong rồi có dạy được hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Cứ xem cách tập huấn và triển khai VNEN, có thể thấy rõ kết cục của việc thay chương trình sách giáo khoa mới.
Chúng tôi có vài lời nói thẳng dù khó lọt tai, nhưng âu cũng vì cái chung, vì tương lai giáo dục nước nhà, rất mong quý thầy chia sẻ thêm, trao đổi thẳng vào những vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài viết này và các bài viết trước trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Được như thế, chân lý sẽ sáng tỏ. Thiết nghĩ đó mới thực sự là điều cần phải có của các nhà khoa học, khoa học giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/day-hoc-tich-hop-kinh-nghiem-tu-the-gioi-430047.html
[3] Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT