Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một nửa vấn đề

19/12/2016 11:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Chúng tôi sẽ chờ đợi câu trả lời chính thức của các cơ quan chức năng, các bên liên quan và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.

LTS: Ngày 16/12 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được Công văn số 719/VKHGDVN trả lời Công văn số 67/GDVN-HC của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị xác minh một số thông tin liên quan đến "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.

Công văn ký ngày 14/12 bởi Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trong đăng nguyên văn phần nội dung của 2 công văn trả lời và hỏi, đó là Công văn 719/VKHGDVN, Công văn 67/GDVN-HC.

Chúng tôi hy vọng cung cấp một câu trả lời ban đầu tới quý bạn đọc và các thày cô, học sinh, phụ huynh quan tâm đến Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN mà chúng tôi phản ánh thời gian qua.

Nội dung Công văn 719/VKHGDVN

Kính gửi: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Trang 1 Công văn số 719/VKHGDVN. Ảnh: giaoduc.net.vn
Trang 1 Công văn số 719/VKHGDVN. Ảnh: giaoduc.net.vn

Ngày 24 tháng 11 năm 2016, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) đã nhận được công văn số 67/GDVN – HC ngày 24 tháng 11 năm 2016 của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc xác minh thông tin liên quan tới đề tài cấp Nhà nước và đề tài trọng điểm cấp Bộ, Viện Khoa học Giáo dục xin được cung cấp một số thông tin như sau:

I. Đề tài cấp Nhà nước

Viện KHGD VN xác nhận Trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông có chủ trì thực hiện 01 đề tài cấp Nhà nước với tên đề tài: Mô hình nhà trường mới theo khả năng phát triển tối ưu của trẻ em Việt Nam bằng giáo dục thực nghiệm.

Từ năm 1978 đến nay, trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông đã nhiều lần sáp nhập, đổi tên (Trung tâm Công nghệ giáo dục; Trung tâm nghiên cứu Công nghệ giáo dục) và nhiều lần bàn giao các hồ sơ, tài liệu nên việc lưu trữ tài liệu gặp khó khăn. Hiện Viện chưa tìm được hồ sơ gốc của đề tài. Nay dựa vào văn bản còn lại (bản kế hoạch triển khai đề tài) và một số thông tin thu thập được, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xin thông tin tóm tắt về đề tài như sau:

Tên đề tài: Mô hình nhà trường mới theo khả năng phát triển tối ưu của trẻ Việt Nam bằng giáo dục thực nghiệm.

Mã số đề tài: 78 – 04 – 026

Chủ nhiệm đề tài: GS.TSKH Hồ Ngọc Đại

Thời gian nghiệm thu: Năm 1990

Quyết định nghiệm thu số: 1823/QĐ – KHKT ngày 6/11/1990.

II. Đề tài trọng điểm cấp Bộ

Trung tâm công nghệ giáo dục có chủ trì đề tài trọng điểm cấp Bộ với các thông tin cụ thể như sau:

Tên đề tài: Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Mã số đề tài: B2004 – 51 – TĐ11

1. Các nội dung theo thuyết minh (được duyệt ngày 11/5/2004 do Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN Ninh Đức Nhận ký)

+ Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đặng Ngọc Riệp

+ Thành viên đề tài:

(1). PGS.TS. Đặng Ngọc Riệp
(2). ThS. Nguyễn Thị Kim Dung
(3). CVCC. Phạm Vũ Hải
(4). CVCC. Phạm Toàn
(5). CN. Ngô Hiền Tuyên
(6). CN. Võ Thanh Hà
(7). GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại

+ Nội dung nghiên cứu:

(1). Biên soạn tài liệu;
(2). Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt 1 của 6 tỉnh;
(3). Khảo sát đợt 1: 30 trường trọng điểm;
(4). Hội thảo khoa học lần thứ 1;
(5). Tập huấn giáo viên lần 2;
(6). Khảo sát đợt 2;
(7). Hội thảo khoa học lần thứ 2;
(8). Viết báo cáo tổng kết đề tài
(9). Tổ chức nghiệm thu đề tài (cấp cơ sở và cấp Bộ)

+ Thời gian triển khai: 5/2004 – 8/2006

+ Kinh phí thực hiện đề tài: 130.000.000 đ

2. Bổ sung thuyết minh

(1). Về thời gian nghiệm thu: gia hạn thời gian nghiên cứu thêm 12 tháng, đến 8/2007

(2). Về thành viên đề tài: Điều chỉnh chủ nhiệm và thành viên đề tài

Chủ nhiệm: TS. Lê Văn Hồng

Thư ký: ThS. Nguyễn Thị Kim Dung

Thành viên: ThS. Ngô Hiền Tuyên
                     Võ Thanh Hà
                    CN. Đoàn Văn Mừng

(3). Về địa bàn thử nghiệm: 02 tỉnh

(4). Về sản phẩm

- Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đề tài.

- Sách học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (03 tập) cho học sinh

- Sách Thiết kế Tiếng việt lớp 1 (02 tập) cho giáo viên

- Tài liệu bồi dưỡng giáo viên

Trang 2 Công văn số 719/VKHGDVN, ảnh: giaoduc.net.vn
Trang 2 Công văn số 719/VKHGDVN, ảnh: giaoduc.net.vn

3. Đánh giá: Xếp loại Tốt.

- Thời gian nghiệm thu: 18/01/2008

- Hội đồng nghiệm thu được thành lập dựa trên Quyết định số: 8162/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2007

- Chủ tịch Hội đồng:

(1). PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, ĐH Sư phạm Hà Nội

- Thành viên Hội đồng:

(2) PGS. TS. Nguyễn Quang Ninh, ĐH Sư phạm Hà Nội, Phản biện 1;
(3) TS. Lê Thị Tuyết Hạnh, Học viện Quản lý Giáo dục, Phản biện 2;
(4) GS.TS. Lê Phương Nga, ĐH Sư phạm Hà Nội, Ủy viên;
(5) CVC Trần Thị Thắm, Sở GD&ĐT Lào Cai, Ủy viên;
(6) PGS. TS. Nguyễn Chí Hòa, ĐH KHXH&NV, Ủy viên
(7) TS. Vũ Thị Tuyết, Trung tâm Công nghệ GD, Thư ký

- Kết luận và kiến nghị của Hội đồng:

+ Đây là một đề tài nghiên cứu khoa học công phu, có giá trị thực tiễn, giá trị khoa học cao.

+ Đề nghị Bộ cho phép tiếp tục nghiên cứu mở rộng lên các lớp tiếp theo (từ lớp 2 lên lớp 5) bậc Tiểu học.

+ Đề nghị Bộ đầu tư kinh phí thỏa đáng cho việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học này.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến nội dung công văn của Quý Báo. Trân trọng!

Hết Công văn 719/VKHGDVN.

Trang cuối Công văn số 719/VKHGDVN.
Trang cuối Công văn số 719/VKHGDVN.

Trước hết, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao tinh thần hợp tác của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã có công văn trả lời một số vấn đề báo nêu, để kịp thời cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Tuy nhiên, Công văn số 67/GDVN-HC ngày 24/11 của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu ra hai vấn đề: Một là cuốn "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục;

Hai là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ được Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN cho là cơ sở pháp lý để triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" này vào trường học.

Để quý bạn đọc tiện so sánh, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn nội dung Công văn 67/GDVN-HC.

Nội dung Công văn 67/GDVN-HC gửi Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hôm 24/11 

Kính gửi:  Đồng chí lãnh đạo Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (http://giaoduc.net.vn) xin gửi đến đồng chí lời chúc sức khỏe.

Ngày 14/11/2016 Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết: 

"Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được Hội đồng nghiệm thu nhiều lần: 2 lần cấp quốc gia, 1 lần cấp Bộ, và lần nào cũng được xếp loại tốt, được đề nghị cho triển khai nhân rộng. 

Hồ sơ còn được lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Và tất nhiên, hội đồng nghiệm thu là Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lần thứ nhất là PGS.TS. Lương Ngọc Toản, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lần thứ hai là GS.TS. Phạm Đình Thái."

Những ví dụ không phù hợp được Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa vào sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để dạy trẻ nhỏ. Ảnh chụp từ sách
Những ví dụ không phù hợp được Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa vào sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để dạy trẻ nhỏ. Ảnh chụp từ sách

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng đề nghị Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, quý Viện có hồ sơ nào về việc Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục nghiệm thu cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục hay không? Nếu có, đề nghị quý Viện cung cấp thông tin: Hội đồng được thành lập khi nào? Ai là Chủ tịch Hội đồng? Hội đồng gồm những ai? Đánh giá kết luận và kiến nghị của Hội đồng về cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nếu có.

Trên trang congnghegiaoduc.vn của Diễn đàn Công nghệ giáo dục (Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội) cho biết:

"Năm học 2006-2007, Trung tâm Công nghệ giáo dục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ “Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mã số B2004-51-TĐ11."

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng đề nghị Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, quý Viện có lưu hồ sơ về đề tài nghiên cứu khoa học này không? Nếu có, xin quý Viện vui lòng cung cấp một số thông tin:

- Chủ nhiệm đề tài, thành viên đề tài.

- Nội dung đề tài, thời gian triển khai. Thời gian nghiệm thu đề tài.

- Hội đồng nghiệm thu đề tài được thành lập dựa trên căn cứ pháp lý nào? Chủ tịch Hội đồng là ai? Thành viên Hội đồng gồm những ai? Đánh giá, kết luận và kiến nghị của Hội đồng, nếu có.

- Kinh phí thực hiện đề tài.

Trân trọng cảm ơn và đề nghị quý Viện trả lời những câu hỏi trên của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bằng văn bản. Trân trọng!

Hết Công văn 67/GDVN-HC.

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một nửa vấn đề được đặt ra

Như vậy, so sánh nội dung Công văn hỏi và Công văn trả lời có thể thấy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi 2 vấn đề, nhưng cho đến hiện nay Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một vấn đề, liên quan đến 2 đề tài nghiên cứu.

Vậy là nhóm câu hỏi liên quan đến vấn đề "Viện có hồ sơ nào về việc Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục nghiệm thu cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục hay không?", Viện Khoa học giáo dục Việt Nam dường như vẫn né tránh không trả lời thẳng.

Về thông tin liên quan đến 2 đề tài nghiên cứu khoa học mà Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cung cấp qua Công văn 719/VKHGDVN, chúng tôi nhận thấy:

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam mới trả lời một nửa vấn đề ảnh 5

Sự im lặng, né tránh khó hiểu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

(GDVN) - Một mình Bộ trưởng Nhạ sẽ không thể thúc đẩy đổi mới giáo dục, nếu các cơ quan tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng vẫn "không vội được đâu" hay "im lặng là vàng".

Đề tài thứ nhất Mã số 78-04-026 do Gs Hồ Ngọc Đại làm chủ nhiệm, nghiệm thu năm 1990 không nhắc đến tài liệu nào có tên gọi "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" đang triển khai đại trà vào trường học trên 48 tỉnh thành hiện nay.

Giả sử có đi nữa, thì nó cũng quá lạc hậu vì từ năm 1990, khi chưa có Luật Giáo dục đầu tiên (1998), chứ chưa nói đến Luật Giáo dục hiện hành (Luật Giáo dục 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ban hành năm 2009).

Đây là 3 đạo luật quy định về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, và đang có hiệu lực.

Đề tài thứ 2 là đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: "Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc", mã số đề tài: B2004 – 51 – TĐ11 với Hội đồng nghiệm thu được thành lập theo Quyết định số: 8162/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2007, nghiệm thu ngày 18/01/2008.

Công văn 719/VKHGDVN không trả lời một câu hỏi quan trọng về Đề tài này mà Báo nêu ra trong Công văn 67/GDVN-HC, đó là: Hội đồng nghiệm thu đề tài được thành lập dựa trên căn cứ pháp lý nào? 

Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung Công văn 719/VKHGDVN có thể nhận thấy, đây là một Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, và căn cứ vào Luật Khoa học và công nghệ số 21/2000/QH10, không phải Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, theo Luật Giáo dục 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2009.

Kết luận và kiến nghị của "Hội đồng nghiệm thu đề tài" càng cho thấy rõ điều đó:

Không có bất kỳ kết luận nào về "sách giáo khoa", càng không có kiến nghị nào cho sử dụng đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cho phép và Vụ Giáo dục tiểu học đang hỗ trợ đắc lực Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN triển khai ồ ạt hiện nay.

Quan điểm của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Sau nhiều bài viết làm rõ những vấn đề về căn cứ pháp lý triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN, trên cơ sở thông tin từ các bên liên quan cung cấp, chúng tôi nhận thấy:

- Một là, "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN vẫn là một "tài liệu thí điểm", không phải sách giáo khoa. Nhiều thông tin cho thấy tài liệu này chưa được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định, thông qua và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho sử dụng, theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành.

- Hai là, Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN thiếu tinh thần cầu thị khi đưa ra những bằng chứng không chính xác để cố bảo vệ quan điểm cho rằng, "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" là "sách giáo khoa", được thẩm định, thông qua theo Luật Giáo dục hiện hành, qua trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/11, cùng các thông tin công bố sau đó trên trang congnghegiaoduc.vn.

- Ba là, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thẩm định "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" và một loạt các "tài liệu thí điểm" khác của Công nghệ giáo dục mà Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN, dưới sự trợ giúp đắc lực của Vụ Giáo dục tiểu học đang triển khai "thí điểm" trên một số tỉnh thành hiện nay.

- Bốn là, kiến nghị 48 sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh thành đang triển khai đại trà "tài liệu thí điểm Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục", các đầu sách "thí điểm Công nghệ giáo dục" còn lại dừng ngay việc triển khai các tài liệu này vào trường học để tránh gây ra hậu quả đáng tiếc, chờ kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cam kết trước Quốc hội: sẽ cho thẩm định, nếu các nhà chuyên môn đánh giá thấy không hợp lý thì phải dừng.

Chúng tôi cũng mong Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cần trả lời cụ thể, đúng câu hỏi chúng tôi đặt ra. Vì quý Viện có chức năng quản lý hồ sơ thẩm định một tài liệu được cho là "sách giáo khoa" đang lưu hành hiện nay hay không, quý vị phải biết rất rõ, không nên né tránh.

Chúng tôi cũng đề nghị Trung tâm Công nghệ giáo dục - NXBGDVN và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tư cách cơ quan chủ quản, phát hành và kinh doanh "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nhưng vẫn quảng cáo chúng là "sách giáo khoa" lên tiếng về vấn đề này.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục trân trọng đề nghị Vụ Giáo dục tiểu học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc này sớm lên tiếng.

Chúng tôi sẽ chờ đợi câu trả lời chính thức của các cơ quan chức năng, các bên liên quan và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có tình tiết mới.

Hồng Thủy