Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế thế giới (OECD) vừa công bố bảng xếp hạng chất lượng Giáo dục toàn cầu.
Theo bảng xếp hạng này ngay cả Pháp (xếp thứ 23), Mỹ (xếp thứ 28) và Thụy Điển (xếp thứ 35), vẫn thua Việt Nam.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng khá khiêm tốn khi Thái Lan chỉ xếp thứ 47 và Malaysia thứ 52.
Trước thông tin này, trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông Lương Thế Vinh cho biết, nếu đúng như xếp hạng 12 thì Việt Nam không cần gì phải đổi mới giáo dục.
Theo bảng xếp hạng của OECD giáo dục Việt Nam xếp vị trí thứ 12. Ảnh OECD |
Thầy Cương cũng nói vui, chất lượng giáo dục Việt Nam xếp thứ 12 thế giới thì các đại gia cũng nên khuyên các con đang du học ở các nước có nền giáo dục phát triển về nước, việc gì phải học ở nước có nền giáo dục đứng thứ 28 (Mỹ), 14 (Úc)…
Trao đổi thêm, thầy Cương cho rằng ngay ở cái tên “Bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của OECD” cũng tỏ ra to tát.
Ở Việt Nam, lên bục giảng là Giáo viên hay Thợ dạy?
(GDVN) - Chúng ta đang chứng kiến một logic ngược đời: những người thầy lại có cách thức tiếp cận công việc và làm việc như những người thợ: thợ dạy, thợ giảng.
Nếu nói kĩ hơn thì đây chỉ là cuộc xếp hạng giáo dục cho khối học sinh ở độ tuổi 15 dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học trên cùng một tiêu chí, cùng một thang điểm so sánh.
“Các tiêu chí tôi chưa thấy tổ chức này nói rõ đầy đủ, chỉ là tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học mà dùng từ “Bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu thì quá to tát” thầy Cương nói.
Vẫn theo thầy Văn Như Cương, mỗi một bảng xếp hạng chỉ xếp theo một tiêu chí nào đó chứ chưa có một bảng xếp hạng để đánh giá chất lượng giáo dục một cách toàn diện.
Nếu xếp hạng toàn diện một nền giáo dục phải căn cứ vào nền giáo dục đó đã góp phần như thế nào cho sự phát triển về kinh tế và xã hội cho đất nước.
Ví như, nếu không có nền giáo dục đó thì GDP thấp như thế nào, và nếu có nền giáo dục đó phát triển thì GDP tăng như thế nào? Đó chính là tác động của giáo dục.
Theo bảng xếp hạng này thì chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam vượt xa Mỹ, Pháp, Úc, Thụy Điển, Anh. Ảnh minh họa Xuân Trung |
“Nếu xét về mặt đó thì nền giáo dục của chúng ta còn kém quá, giáo dục chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta chưa đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ để làm việc.
Ngay cả nông dân cũng chỉ làm việc theo kinh nghiệm từ cha ông để lại, chứ chưa được học” thầy Cương cho hay.
Dẫn chứng thêm, thầy Văn Như Cương cho rằng, nền giáo dục của chúng ta đang tụt hậu, do đó chúng ta mới cần tới một cuộc đổi mới toàn diện, căn bản.
Giáo dục phổ thông Việt Nam trên cả Mỹ
OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, cho biết việc xếp hạng này dựa trên kết quả kiểm tra tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy có sự tương quan giữa giáo dục và phát triển kinh tế.
Theo bảng xếp hạng này thì giáo dục phổ thông ở lứa tuổi 15 Việt Nam xếp thứ 12/76 quốc gia.
Việc xếp hạng dựa trên điểm toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 tại các nước và vùng lãnh thổ, không phân biệt các nước phát triển và đang phát triển trong đánh giá.
Kết quả dự kiến sẽ được trình bày ở Diễn đàn giáo dục thế giới tại Hàn Quốc vào tuần tới.
Cuộc khảo sát lần này cho thấy bức tranh rộng hơn đợt kiểm tra của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) mà OECD thực hiện năm 2012.
Tại châu Á, Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản. Anh chỉ đứng thứ 20 trong khi Mỹ xếp ở vị trí 28.
Đón nhận thông tin này, GS. Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, chất lượng giáo dục Việt Nam thì ai là người Việt Nam cũng biết. “Có ai thỏa mãn được về nền giáo dục Việt Nam đâu, trong chăn mới biết chăn có rận.
Chúng ta đang có nhiều khiếm khuyết, thiếu sót nên phải đổi mới toàn diện” GS. Thiệp nói.
Cũng theo GS. Lâm Quang Thiệp, vì do OECD chưa công bố các tiêu chí cụ thể, các công đoạn kĩ thuật để cho ra được kết quả này thì rất khó đánh giá.
Nếu cho rằng bảng xếp hạng lần này dựa trên kết quả của ba kỳ thi PISA, TERCE, TIMSS thì TIMSS và TERCE Việt Nam cũng chưa tham gia.
GS. Thiệp cũng đã từng đề nghị Việt Nam nên tham gia đánh giá TIMSS (đánh giá toán học) nhưng chưa có điều kiện.
“Chúng ta chỉ từng tham gia đánh giá xếp hạng PISA (toán, khoa học và đọc hiểu). Đọc hiểu chúng ta đứng thứ hạng cao, toán đứng thấp, tổng hợp 3 môn này chúng ta đứng trên mức trung bình, và cũng có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả này” GS. Thiệp cho biết.
Cũng theo GS. Lâm Quang Thiệp, có thể Việt Nam đi thi toán quốc tế dẫn đầu so với nhiều nước phát triển, điều đó chứng tỏ học sinh Việt Nam cũng giỏi toán. Nhưng không thể nói nền toán học Việt Nam là tốt.
Vì theo GS. Thiệp, thi toán quốc tế mỗi nước có quan niệm khác nhau, ở Việt Nam có thể phải tuyển chọn học sinh nghiêm ngặt trong cả nước, rồi luyện như “gà nòi” để được đi thi. Nhưng các nước khác họ lại xem kỳ thi Olympic như một trò chơi như đi picnic.
Mặc dù xếp hạng PISA trước đó là đáng tin cậy nhưng cũng không thể nói kết quả tốt của PISA nói lên nền giáo dục Việt Nam là tốt. Vì PISA không dựa vào chương trình giáo dục, mà chỉ dựa vào năng lực của học sinh ở độ tuổi 15.
“Dù sao phải thừa nhận tố chất của học sinh Việt Nam là tốt, vượt khó trong học tập của các em là cao. Cần phải xem khía cạnh mà họ đánh giá Việt Nam, có thể ở khía cạnh này là tốt nhưng khía cạnh khác lại không tốt” GS. Thiệp nhấn mạnh.
Giật mình nhưng không bất ngờ
Thông tin Việt Nam xếp thứ 12 về chất lượng giáo dục. Thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nêu quan điểm:
Thứ nhất, đây chỉ là những con số mang tính ước lệ và phiến diện khi xếp hạng “chất lượng giáo dục toàn cầu” chỉ dựa vào kết quả điểm thi môn Toán và khoa học ở độ tuổi 15 chứ không phải xếp hạng nền giáo dục Việt Nam.
Thứ hai, nếu giả sử ( chỉ là giả sử)“chất lượng giáo dục toàn cầu” của Việt Nam xếp thứ 12 của thế giới ( đứng trên các nước phát triển Mỹ, Anh, Pháp, Úc…) thì chúng ta cho con em sang các nước đó đi học làm gì nữa?
Việt Nam đang bắt đầu cải cách toàn diện và đồng bộ nền giáo dục đã chứa đựng quá nhiều bật cập, yếu kém trong nhiều năm qua và cũng mất nhiều năm năm nữa chúng ta mới có một nền giáo dục phát triển.
Việc học sinh Việt Nam tham dự và đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic châu lục và Quốc tế không có nghĩa là chất lượng giáo dục toàn cầu của chúng ta đã tiến kịp và vượt các nước tiên tiến.Từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn luôn là một khỏang cách.
Thứ ba, cần một sự minh định rạch ròi giữa 2 vấn đề giáo dục và kinh tế. Hiện nay nhiều nước tư bản phát triển đang rơi vào sự suy thoái về kinh tế do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng đó vẫn luôn là những nước có nền giáo dục tiên tiến.
Nói tóm lại, tôi cảm thấy giật mình nhưng không bất ngờ về bảng xếp hạng đó.Chúng ta đừng hoang tưởng và vội mừng về điều đó. Chúng ta cần biết vị trí thực của Việt Nam về kinh tế - xã hội như thế nào trên bản đồ thế giới để thấy mình, biết được người.