Bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu ghi nhận và đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến - Đoàn Hà Nội: Tôi thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu kiến của các đại biểu, từ đó nêu các giải pháp để cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo trong các nhà trường.
Qua theo dõi, tôi thấy có nhiều vấn đề không thuộc thời điểm hiện tại, có những vấn đề có từ ở những năm về trước, của những nhiệm kỳ trước.
Nhưng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện trách nhiệm của mình trong những vấn đề cử tri quan tâm.
Ví dụ: Vấn đề làng đại học ở Đà nẵng, rõ ràng đây là sự tồn tại của lịch sử. Nay Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã quan tâm và chắc chắn sẽ có những giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế, nhằm nâng mặt bằng chung về chuẩn đào tạo cho đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - đoàn Đồng Tháp, dù trong buổi sáng, nhưng khá nhiều vấn đề giáo dục bức xúc đã được các địa biểu đặt ra để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình.
Về nội dung giải trình của Bộ trưởng, các đại biểu nêu ra những bức xúc không chỉ hiện tại mà bức xúc trong cả quá trình dài. Nó là vấn đề rất “nóng” thậm chí nóng hơn cả buổi chất của các Bộ trưởng trước.
Trong bối cảnh như vậy, các đại biểu hỏi rất sát, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời trực diện vào vấn đề, nhận ra được trách nhiệm của bản thân mình, ngành mình.
Tôi chia sẻ với Bộ trưởng rằng, trong các vấn đề đều nóng, tìm ra câu trả lời đúng, trúng ngay để làm hài lòng cử tri là rất khó.
Nhưng, cách trả lời của Bộ trưởng, tôi đã thấy có được những giải pháp, lộ trình. Với quyết tâm và lộ trình cùng với các giải pháp cụ thể, lâu dài, hy vọng các bức xúc liên quan đến ngành sẽ được dần giải quyết.
Đại biểu Phương Thanh Bắc – đoàn Bắc Kạn: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời đã bám vấn đề, thể hiện được trách nhiệm của Bộ trưởng. Tuy nhiên, các câu hỏi của các đại biểu rất đa dạng.
Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của địa phương và trách nhiệm của Bộ trưởng. Trách nhiệm đối với việc đánh giá, cơ cấu lại các trường đại học. Cần thể hiện sự quyết tâm để nâng cao chất lượng.
Giải trình của Bộ trưởng cũng nêu được vấn đề. Tuy nhiên mong muốn của cử tri, của đại biểu Quốc hội là, Bộ trưởng ban hành các quy định, quan tâm tới tiêu chuẩn để giáo viên tự rèn luyện để đạt được tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- đoàn Thanh Hóa: Theo tôi, để giải quyết những vấn đề đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ có mỗi Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp.
Tôi cho rằng cần có cơ chế phối hợp, làm sao cho xã hội cùng đồng lòng với nhau.
Những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra tôi đã nhận thấy sự quyết tâm của tư lệnh ngành. Tôi cũng mong Bộ trưởng đi sâu, đi sát hơn nữa vào nâng cao chất lượng. Đồng thời làm tốt công tác phân luồng học sinh.
Nhìn chung, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe, cầu thị để có những điều chỉnh hợp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Theo các đại biểu Quốc hội, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đi thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm.
Nhiều đại biểu cho rằng, đây là phiên chất vấn thành công của Tư lệnh ngành nói riêng và của ngành Giáo dục nói chung.
Câu hỏi nào đang chờ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở phiên chất vấn của Quốc hội? |
Nhận xét về phiên chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – đoàn Bến Tre cho rằng, Bộ trưởng rất bình tĩnh trả lời các câu hỏi và không bỏ sót câu nào.
Điều đáng ghi nhận đó là, Bộ trưởng đã trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, thẳng thắn nhận trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và nhận trách nhiệm của ngành.
Bộ trưởng đã nói rất rõ: Đổi mới giáo dục không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ ngành, địa phương và trách nhiệm của từng giáo viên cùng chung tay, góp sức để xây dựng kỷ cương, nề nếp cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.
“Cá nhân tôi cũng đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đạt yêu cầu” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.
Cũng theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, một trong những nhiệm vụ của Bộ trưởng đó là, không chỉ là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo mà còn là sửa chữa lại hệ thống. Đây là nhiệm vụ kép và rất nặng nề.
Do đó, việc đảm bảo cho nền giáo dục chân chính, cách mạng, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động thì phải phải có lộ trình.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông cũng đặt vấn đề nghiêm túc với Bộ trưởng về vấn đề đầu tư cho giáo dục, chúng ta không thể đầu tư tràn lan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đã có đề cập đến vấn đề này và có câu trả lời thỏa đáng.
Riêng về vấn đề tuyển sinh lớp 10, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, bản thân phụ huynh thường quan tâm đến cơ sở giáo dục công và coi đó là cơ sở có đào tạo chất lượng cao, tuy nhiên các trường tư thì đang bỏ ngỏ;
Trong khi các trường tư họ cũng đang góp phần cùng với xã hội đào tạo ra những con người tốt. Thiết nghĩ cần phải có sự bình đẳng giữa công và tư.
Tiếp đến là tuyên truyền để người dân hiểu để có sự lựa chọn đúng đắn. Để làm được điều đó thì chúng ta phải cân bằng được chất lượng giáo dục để người dân yên tâm khi lựa chọn trường tư.
Cho rằng, phiên chất vấn sáng nay (6/6), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cái nhìn toàn diện, Đại biểu Trần Anh Tuấn – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:
Bộ trưởng đã có những giải pháp, định hướng mang tính chiến lược, đổi mới về tất cả những nội dung liên quan, từ giáo dục mầm non cho đến phổ thông và giáo đại học.
“Nhìn chung một số các vấn đề mà các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng đã tiếp thu, cầu thị và có những định hướng giải pháp đổi mới, để sánh vai cùng với hệ thống giáo dục với các nước trong khu vực” - Đại biểu Trần Anh Tuấn nói.
Hơn 80 Đại biểu Quốc hội muốn chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Cũng theo Đại biểu Trần Anh Tuấn, giáo dục đào tạo liên quan đến rất nhiều bộ ngành, chẳng hạn như: Ngành Lao động Thương binh và Xã hội.
Hai bên có mối quan hệ gắn với nhau mật thiết, nên cần sự phối hợp của 2 ngành để cùng phát triển.
Vừa là một bác sỹ, vừa giảng viên đại học, Đại biểu Phạm Văn Hiệp – đoàn Thừa Thiên Huế quan tâm đến chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học.
Đại biểu Phạm Văn Hiệp nhấn mạnh: Trong những năm qua, chất lượng các trường đại học không ngừng được cải thiện.
Bằng chứng là, trong những năm trước chúng ta không có trường nào được xếp loại vào trong top 500 của Châu Á, nhưng nay đã có 5 trường được xếp vào top này. Đó là sự cố gắng rất lớn của ngành Giáo dục.
Liên quan đến chất lượng giáo dục đại học, Đại biểu Phạm Văn Hiệp cho rằng, vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố như: chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ số xuất bản tạp chí…
“Chỉ số về đào tạo giáo dục đại học như một con người đi bằng hai chân: một chân đào tạo, một chân khoa học.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời rất rõ ràng, đáp ứng được mong mỏi của đại biểu quốc hội và cử tri.
Tôi rất vui và hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng- Đại biểu Phạm Văn Hiệp nói.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hiệp, phiên chất vấn sáng nay khá thành công với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đặc biệt là với ngành Giáo dục.
Một số vấn đề về phần luồng, hay những trường hợp cá biệt của giáo viên làm ảnh hưởng chung đến Ngành đã được các đại biểu chất vấn.
Nhưng, nhìn chung Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, với những giải pháp mạnh. Đây cũng một phần thành công của Bộ trưởng trong sáng nay.
Giáo dục và Đào tạo là ngành đặc thù, liên quan đến phát triển về con người, phát triển nhân lực và liên quan đến hầu hết các ngành trong xã hội. Do đó, đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay, góp sức để cùng phát triển. |