5 đáp án ĐH, CĐ 2012 gây tranh cãi của Bộ Giáo dục

16/08/2012 14:55
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Ngay sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án các môn thi ĐH năm 2012, đã có nhiều độc giả quan tâm nhận định đáp án môn Toán, tiếng Anh, Lịch sử đều gây ra tranh cãi.
1. Môn Toán Đại học: Đáp án của Bộ GD&ĐT ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án khối A, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 8b môn Toán bị thiếu, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh. Cụ thể, câu 8b của đề Toán nên bổ sung thêm các đáp án vì nếu theo đề bài ra thì vecto chỉ phương v(2;3;2) có thể đi qua A, M hay N, tức là có ít nhất 3 phương trình chính tắc nhận v là vecto chỉ phương và có thể đi qua A, M hay N đều đúng. Nghĩa là cả 3 đáp số khác nhau đều đúng. Nếu đề thi đổi thành "Viết phương trình chính tắc hoặc tham số của đường thẳng đi qua A, nhận vecto AM (hoặc AN) làm vecto chỉ phương" thì mới có một đáp án duy nhất như hướng dẫn của Bộ.

Hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu rõ: “Nếu có câu, ý nào mà thí sinh có cách giải khác so với đáp án nhưng vẫn đúng thì cho điểm tối đa của câu, ý đó theo thang điểm”. Do đó, dù thí sinh làm theo cách nào thì vẫn được điểm tối đa cho phần làm đúng. Căn cứ vào các giải trình ở trên, Bộ GD&ĐT khẳng định đáp án, thang điểm đã công bố là hoàn toàn chính xác và không phải điều chỉnh.
Thí sinh dự thi tuyển sinh cao đẳng, đại học (Nguồn: internet)
Thí sinh dự thi tuyển sinh cao đẳng, đại học (Nguồn: internet)
2. Môn Toán Cao đẳng: Thí sinh mất điểm oan uổng
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án đề thi tuyển sinh Cao đẳng môn Toán, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 6.a.b cần phải điều chỉnh để tránh thiệt thòi cho thí sinh. Nếu đúng như đáp án mà Bộ GD&ĐT đã công bố thì phải sửa đề lại như sau: điểm B', C' cùng nằm trên đường thẳng có phương trình x-3y+2=0, lúc đó cho phép hai điểm B', C' có thể trùng nhau. Còn nếu đề vẫn giữ nguyên, nghĩa là cho phương trình đường B'C' là x-3y+2=0 thì đáp án đúng chỉ có một điểm C' (-4/5, 2/5), phải bỏ đáp số C'(-2, 0). Vì như thế điểm B' trùng với C' và khi cho phương trình đường thẳng của B'C', thì ai cũng hiểu hai điểm B', C' phải khác nhau, mới xác định một đường thẳng duy nhất. Khi B', C' trùng nhau thì ta có vô số đường thẳng đi qua một điểm B' (trùng với C').
Câu này, theo đáp án của Bộ, thí sinh được 0,25 điểm. PGS. Văn Như Cương cũng nhấn mạnh rằng: "Nếu như vì sự không rõ ràng của đề thi mà gây cho học sinh bị mất nửa diểm thì thật là oan uổng, thiệt thòi cho các em. Sự sai sót, thiếu chặt chẽ trong khâu ra đề, rồi đáp án không được chỉnh sửa kịp thì chắc chắn là sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lí của học sinh". 3. Môn Sinh học chưa chặt chẽ: Sĩ tử càng học giỏi càng lúng túng
Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra đáp án đề thi tuyển sinh Đại học môn Sinh năm 2012, rất nhiều thí sinh cũng như những giáo viên có tâm huyết với bộ môn này đã bày tỏ băn khoăn với câu hỏi 28 đề thi mã 731. Câu 28 đề 731 như sau: Ruồi giấm có bộ NST 2n = 8. Trên mỗi cặp NST thường xét hai cặp gen dị hợp, trên cặp NST giới tính xét 1 gen có 2 alen nằm ở vùng không tương đồng của NST giới tính X. Nếu không xảy ra đột biến thì khi các ruồi đực có kiểu gen khác nhau về các gen đang xét giảm phân có thể tạo ra tối đa bao nhiêu loại tinh trùng? A. 192 B. 24 C. 16 . D.128Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được ý kiến của thầy Võ Quốc Hiển, Th.s Khoa học Sinh học, Trường Đại học Phương Đông; đồng thời đã tham khảo một số ý kiến của các thầy như T.S Vũ Đức Lưu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Th.S Trịnh Việt Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội; Th.S Lê Hồng Điệp, trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa, em Nguyễn Diệu Linh và một số thí sinh học lớp chuyên Sinh - THPT chuyên ĐH KHTN, vừa thi tuyển vào đại học năm 2012.  Theo giải thích của Ths. Võ Quốc Hiển câu hỏi này chưa thật sự chặt chẽ. Với câu hỏi như vậy có thể tìm ra hai đáp án khác nhau: Đáp án một là 192 loại tinh trùng theo lí thuyết và đáp án hai là 24 loại tinh trùng trên thực tế.4. Môn tiếng Anh: Đáp án của Bộ GD&ĐT thiếu khoa học
Ngày 12/7, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng bài "Đáp án thi ĐH tiếng Anh khối D của Bộ Giáo dục có nhầm lẫn?", trong đó nêu rõ quan điểm của hai giáo viên dạy tiếng Anh cho rằng cách chọn câu hỏi đề thi ĐH của Bộ Giáo dục năm nay có phần chưa chuẩn đối với câu 23 thuộc mã đề 248. 
Trong phần chọn đáp án đúng của đề thi đại học tiếng Anh khối D năm nay có câu:
Marry: I will never go mountaineering again.
Linda: Me ...
A. So B. Too C. Neither D. Either.
Đây là câu hội thoại giao tiếp, yêu cầu thí sinh chọn đáp án thích hợp điền vào chỗ trống. Câu này thuộc câu 23 của mã đề 248 - đề thi tuyển sinh chính thức đại học khối D năm 2012 của Bộ GD&ĐT. Theo đáp án công bố của Bộ thì đáp án chính xác ở đây là C: Neither.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án, có nhiều ý kiến cho rằng đáp án của Bộ là chưa chính xác, câu hỏi bị lỗi, thiếu khoa học.

Phản ánh với Báo Giáo dục Việt Nam, một độc giả cho rằng: “Đây là câu giao tiếp, gây nhiều tranh cãi đối với cả người bản địa. Trong văn phong trang trọng, mọi người dùng Me neither để tỏ sự đồng ý với ý kiến phủ định của người nói, còn trong văn phong thông dụng, mọi người dùng me either. Giữa các vùng miền, các thế hệ khác nhau ở Anh và Mĩ, cũng có sự tranh luận về việc sử dụng me either hay me neither. Đã thuộc về giao tiếp thì không thể phụ thuộc vào ngữ pháp mà còn là văn hóa, hoàn cảnh, dân tộc, vùng miền”.
Như vậy, đáp án D “Neither” và đáp án C “Either” (cùng nghĩa “Tôi cũng không”) cũng có thể chấp nhận được, phù hợp ngữ pháp và văn cảnh trong câu hỏi này.
5. Đáp án môn Lịch sử vừa thừa vừa thiếu gây bất lợi cho thí sinh

Ngay sau khi đá án môn lịch sử của Bộ GD&ĐT được công bố, TS Phạm Thanh Toán (Giảng viên Sư phạm Hà Nội) nhận định: 3/4 câu trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sai sót. Câu1: Phân chia điểm giữa các ý vô lý. Câu 3: Cơ sở đề ra quyết định là sau hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng. Câu 4a: Đáp án còn thiếu nhiều. Câu 4b: Đáp án thừa gây bất lợi cho thí sinh.

Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An) nhận định: “Nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, chúng tôi có thể khẳng định: Rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm”.

Sau đó, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh đáp án câu 4.a với nội dung: “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Ngoài ra, phần Từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh đáp án và thang điểm.

Giải thích có sự điều chỉnh đáp án, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Do trong quá trình chấm thi, các thầy cô giáo thấy đáp án và thang điểm chưa hợp lý nên đã đề nghị điều chỉnh”. Như vậy, với cách điều chỉnh này, thí sinh sẽ có lợi hơn so với đáp án Bộ GD&ĐT công bố trước đây.

Thế nhưng, sự điều chỉnh trong đáp án này vẫn không vừa lòng dư luận. Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình - Giảng viên khoa Lịch sử - ĐH Sư phạm Hà Nội: “Bộ GD&ĐT sửa đáp án thi Đại học môn Lịch sử theo kiểu chắp vá?”
Từ xưa đến nay, câu chuyện “vênh” trong cách trả lời các câu hỏi trong các kỳ thi đều “như cơm bữa”, ngay cả ở kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia như kỳ thi Đại học. Đó là những đáp án không thực sự phù hợp và gây tranh cãi nhiều. Sau mỗi kỳ thi, những giáo viên, thí sinh mong muốn Bộ GD&ĐT kịp thời sửa đổi những sai sót trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học: "Thà muộn còn hơn không bao giờ".
Đỗ Quyên Quyên