56 năm miệt mài không nghỉ, ươm hạt giống cho đời

08/11/2018 07:16
Lê Đình Vượng
(GDVN) - Vượt lên hoàn cảnh, hướng tới tương lai, vững bước đi theo con đường cách mạng, đến nay, ông đã có gần 60 năm liên tục cống hiến cho Quân đội và ngành Giáo dục

LTS: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chia sẻ về thầy Lê Hải Nhưng - một nhà giáo vì sự nghiệp trồng người 56 năm không nghỉ, tác giả Lê Đình Vượng đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đó là câu chuyện về ông Lê Hải Nhưng, người thôn Xanh, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, hiện đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học thành phố Hải Dương.

Sinh trưởng trong một gia đình cách mạng, đông con, cha mất sớm nên ông chịu nhiều thua thiệt.

Song ông đã vượt lên hoàn cảnh, hướng tới tương lai, vững bước đi theo con đường cách mạng. Đến nay ông đã có gần 60 năm liên tục cống hiến cho Quân đội và ngành Giáo dục.

Tự lập từ những ngày còn nhỏ

Người cha kính yêu của ông – cụ Lê Văn Sởi đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến dấu ác liệt bảo vệ cơ quan đầu não huyện Kinh Môn tháng 2/1948.

Mới 6 tuổi, ông chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp về sự ra đi của cha, nhưng biết cha đánh Tây mà hy sinh, được bà con kính nể, tôn vinh, ông tự hào lắm.

Sau ngày cha mất, mẹ sinh em gái thứ tư. Mặc dù được cô bác, chú dì tận tình giúp đỡ, song đôi vai nhỏ bé của ông vẫn phải gánh mọi nỗi nhọc nhằn.

Ông sớm trở thành trụ cột gia đình, cùng mẹ lo toan cuộc sống hàng ngày cho 5 nhân khẩu.

56 năm miệt mài không nghỉ, ươm hạt giống cho đời ảnh 1Nghề giáo và những hạnh phúc giản đơn

Năm 1960, tốt nghiệp cấp II, ông thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Hải Dương. Do chăm chỉ học hành, ông đạt kết quả cao tại kỳ thi cuối khóa.

Mặc dù là con liệt sĩ, ở diện ưu tiên, vậy mà không một chút đắn đo, ông viết đơn tình nguyện về một huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh công tác.

Lãnh đạo Ty Giáo dục Quảng Ninh xem xét kỹ hồ sơ, quyết định điều ông về giảng dạy tại trường cấp II, cấp III thị xã Hòn Gai.

Biết không thuyết phục nổi các nhà lãnh đạo, ông nghiêm chỉnh chấp hành, khăn gói về nơi công tác.

Đức tính khiêm tốn, niềm say mê nghề nghiệp, lòng thương yêu con trẻ là phẩm chất hàng đầu của người thầy giáo. Ông hội đủ 3 điều căn bản đó. Và chính nó đã giúp ông sớm khẳng định được chỗ đứng của mình trên bục giảng.

Ngoài giảng dạy, ông còn tham gia Thường vụ Đoàn trường, làm Tổng phụ trách Liên đội thiếu nhi.

Ở trung tâm thị xã mà chẳng mấy khi ông được thư thả dạo chơi phố xá. Bù lại, ông luôn luôn nhận được những tình cảm tốt đẹp từ phía đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu.

Lời hứa danh dự của ông trước người cha thân yêu đã thành hiện thực: Ngày 24/11/1964, ông vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng.

Từ bục giảng xuống boong tàu

Ngày 29/11/1964, thầy giáo trẻ Lê Hải Nhưng khước từ mọi ưu tiên, tình nguyện lên đường nhập ngũ, chững chạc trong bộ quân phục Hải quân, làm bạn với con tàu, biển cả.

Vượt lên chính bản thân mình, ông hoàn thành xuất sắc khóa học huấn luyện vô cùng gian khổ. Ít lâu sau ông được Quân chủng Hải quân cử đi học tập bên Trung Quốc. Năm 1966 ông về Trung đoàn 172 bảo vệ cảng Hải Phòng.

Trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại, quân và dân Hải Phòng nêu cao truyền thống “Trung dũng, quyết thắng”, bắn tan xác hàng trăm máy bay giặc Mỹ, trong đó có trận chiến đấu ngày 12/4/1967, mãi mãi ghi đậm trong kỹ ức mỗi người dân nơi đây.

56 năm miệt mài không nghỉ, ươm hạt giống cho đời ảnh 2Quà tặng của thầy cả đời là những nụ cười

Hôm ấy, trời nắng đẹp. Từ sáng sớm, từng tốp máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời, bắn phá dữ dội bến bãi, kho tàng, cầu cống và các công trình trọng điểm khác.

Con tàu của các ông trở thành mục tiêu nổi cực kỳ nguy hiểm.

Trên cương vị khẩu đội trưởng, ông bình tĩnh chỉ huy chiến sỹ không sợ ác liệt, hy sinh cùng các đơn vị bạn kiên cường chiến đấu suốt 6 - 7 tiếng đồng hồ góp phần vào chiến công vang dội của quân và dân thành phố Hoa Phượng đỏ bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ.

Sau ngày 12/4/1967, Trung đoàn 172 chuyển sang huấn luyện đánh đặc công nước và hướng dẫn ngư dân chiến đấu. Lại một thử thách mới đến với ông song cũng một lần nữa phẩm chất tốt đẹp trong ông tỏa sáng.

Nhiệm vụ chiến đấu thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt càng tôi luyện ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự hy sinh vô điều kiện của ông.

Bốn lần ông đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cùng hàng chục bằng khen do Quân chủng Hải quân trao tặng đã nói lên điều đó.

Hết lòng vì sự nghiệp trồng người

Đất nước hoàn toàn giải phóng, ông được phép rời khỏi boong tàu trở lại bục giảng. Ước mơ lớn nhất của ông được thực hiện.

Sau nhiều lần thuyên chuyển công tác, năm 1987, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Bình Hàn, thành phố Hải Dương.

Trên cương vị Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ, ông cùng cấp ủy, Ban giám hiệu, chăm lo đội ngũ giáo viên, khâu quyết định chất lượng dạy và học.

Đi trước một bước, ông chủ động đề nghị Phòng Giáo dục cho 7 giáo viên học hàm thụ đại học. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp, 5 trong 7 giáo viên này được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, hiệu phó các trường lân cận.

56 năm miệt mài không nghỉ, ươm hạt giống cho đời ảnh 3Có một ông Bụt trong trái tim bao thế hệ thầy và trò

Cũng năm 1994, Trường phổ thông cơ sở Bình Hàn tách làm hai. Ông sang làm Hiệu trưởng trường tiểu học.

Giữa lúc công việc bộn bề, vừa phải ổn định tổ chức, vừa phải triển khai xây thêm phòng học, ông vẫn bố trí cho 7 giáo viên trong độ tuổi theo học các lớp đào tạo từ xa và tại chức.

Nhờ đó, Trường tiểu học Bình Hàn đạt chuẩn hóa đội ngũ giáo viên sớm nhất thành phố. Thành công này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhà trường đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ đạt giỏi cấp quốc gia.

Với trách nhiệm là Thường trực Ban chỉ đạo sinh hoạt hè của địa phương, ông chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên và Hội Cựu chiến binh tổ chức nhiều hoạt động bổ ích và thiết thực, giúp các em đạt giải nhất, nhì, ba trong một số cuộc thi tìm hiểu dành cho thiếu nhi trong cả nước.

Bằng những cố gắng không mệt mỏi, ông thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp được cả một tập thể thầy và trò kề vai sát cánh xây dựng “Trường ra trường, lớp ra lớp” từng bước vươn lên vững chắc.

Tám năm làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hàn, thì cả 8 năm nhà trường đạt tiên tiến xuất sắc.

Năm 2001, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng trường đạt chuẩn Quốc gia. Sáu năm liền ông được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp Tỉnh.

Năm 2002, ông nhận quyết định nghỉ hưu, nhưng chỉ sau vài tháng ông đã được bầu làm Chủ tịch Hội khuyến học phường Bình Hàn.

Năm 2010, ông được bầu làm Phó chủ tịch Thường trực hội khuyến học thành phố Hải Dương.

Trên cương vị mới, ông mạnh dạn đem những kinh nghiệm quý báu thu được từ cơ sở để vận dụng hàng ngày.

Ông chủ động đề xuất nhiều biện pháp quan trọng cùng tập thể cán bộ, hội viên đưa công tác khuyến học của thành phố đạt nhiều kết quả.

Thầy Lê Hải Nhưng trao phần thưởng cho học sinh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Thầy Lê Hải Nhưng trao phần thưởng cho học sinh (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đến nay, cả 21 Hội cơ sở hội xã, phường, 350 chi hội thôn, khu dân cư và 275 dòng họ khuyến học đều hoạt động tốt.

Phong trào gia đình học tập, địa phương học tập, cơ quan học tập của thành phố cũng ngày càng phát triển.

Toàn thành phố mỗi năm chi 2 tỷ đồng cho công tác khen thưởng học sinh giỏi và hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó.

Riêng quỹ hội do Ban chấp hành quyên góp và quản lý mỗi năm chi 50 triệu đồng vào việc nói trên.

Với thành tích đã đạt được Hội khuyến học thành phố Hải Dương được nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Trung ương Hội và bằng khen của Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Cá nhân ông ngoài bằng khen của Tỉnh hội còn vinh dự được Thành ủy Hải Dương khen thưởng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Suốt chặng đường gần 60 năm chiến đấu và công tác liên tục không ngừng nghỉ, giờ đây mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm nhưng ông vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và đồng nghiệp tin tưởng giao cho.

Điều đáng nói, ông hoàn toàn tự nguyện, không vì bất cứ lý do nào ngoài mong muốn được tiếp tục đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho thành phố và cho tổ chức Hội.

Lê Đình Vượng