Ai phân biệt được thế nào là học thêm ép buộc, thế nào là tự nguyện?

18/11/2018 06:16
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nêu thực tế này khi đề cập đến việc học thêm gây bức xúc từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết tại Luật Giáo dục (sửa đổi)...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo – đoàn Bắc Ninh cho rằng, dự thảo luật lần này sửa đổi toàn diện nhưng nhiều nội dung gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua còn chưa được đề cập và giải quyết.

Đại biểu dẫn chứng như vấn đề dạy thêm, học thêm, vấn đề lạm thu phí ở các trường học hoặc các vấn đề về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia.

Đại biểu chỉ rõ, đối với vấn đề dạy thêm, học thêm tại khoản 4 Điều 71 dự thảo luật chỉ quy định nhà giáo không được có hành vi ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Quochoi.vn

“Quy định này không giải quyết triệt để vấn đề và khó triển khai. Vì rất khó phân biệt thế nào là ép buộc, thế nào là tự nguyện.

Việc dạy thêm sẽ gây ra sự quá tải và không đảm bảo cho học sinh được vui chơi, phát triển toàn diện, tạo áp lực về chi phí cho gia đình, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng của giờ giảng dạy chính.

Do vậy, tôi đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật về việc không cho phép giáo viên dạy thêm học sinh ở ngoài trường và hướng dẫn chế tài, xử lý trong trường hợp vi phạm”, đại biểu kiến nghị.

Cũng đặt câu hỏi về vấn đề này, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh – đoàn Nghệ An nói: “Tại khoản 4 Điều 71 các hành vi nhà giáo không được làm quy định "ép buộc học sinh học thêm để thu tiền".

Vậy, theo quy định này giáo viên có được dạy thêm nếu học sinh tự nguyện đề xuất việc học thêm hay không? Vấn đề này cần được làm rõ và tránh tình trạng như hiện nay”.

Để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm theo đại biểu Đỗ Văn Bình – đoàn Thành phố Hải Phòng có một phần xuất phát từ việc quá tải chương trình học.

Đại biểu nêu, quy định tại Điều 30 dự thảo luật quy định về chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu, yêu cầu về phẩm chất, năng lực học sinh cần đạt được, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ sở giáo dục nhưng chưa thể hiện rõ yêu cầu chương trình giáo dục phù hợp, cần phải phù hợp với khả năng, năng lực của học sinh.

“Đã có ý kiến về sự quá tải của chương trình học đối với học sinh.

Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến việc học đuổi, học trước chương trình, dạy thêm, học thêm.

Ai phân biệt được thế nào là học thêm ép buộc, thế nào là tự nguyện?  ảnh 2Lý do nào để dạy thêm có đất sống?

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung yêu cầu chương trình giáo dục cần phải phù hợp với khả năng, năng lực của học sinh”.

Không chỉ băn khoăn về vấn đề dạy thêm học thêm, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội hóa để tạo nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Nghệ An nhấn mạnh đến vấn đề lạm thu khi xã hội hóa.

Đại biểu phân tích, trong thời gian qua, một trong những chính sách đầu tư cho giáo dục được thay đổi.

Đó là quy định đóng góp quỹ xây dựng trường bắt buộc cho các đối tượng học sinh đã được hủy bỏ và thay vào đó là thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của phụ huynh và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.

Điều đáng mừng là, khi thực hiện xã hội hóa giáo dục, trách nhiệm của xã hội về sự nghiệp giáo dục tăng lên, huy động được nhiều tập thể, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất của nhà trường.

“Nhưng thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, điều đáng băn khoăn là về quan điểm cũng như quá trình triển khai xã hội hóa giáo dục tại một số địa phương vẫn còn nhiều ý kiến và cách làm khác nhau.

Nhất là về tình trạng lạm thu trong trường học vào đầu năm học mới vẫn xảy ra ở một số địa phương gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội”.

Đỗ Thơm