Ai sẽ bấm nút đánh giá Bộ giáo dục?

24/07/2017 07:16
Đất Việt
(GDVN) - Có lẽ đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo làm khảo sát xã hội diện rộng và công khai để lấy ý kiến người học và phụ huynh về dịch vụ giáo dục công.

LTS: Ngày 11/7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Bộ công cụ khảo sát và tài liệu Hướng dẫn triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

Tác giả Đất Việt cho rằng đây là một quyết định đúng đắn thể hiện tinh thần cầu thị, muốn lắng nghe ý kiến của nhân dân về dịch vụ giáo dục công.

Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra một số điểm còn hạn chế của Bộ công cụ khảo sát này trên tinh thần góp ý xây dựng.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi có đọc được tin vui là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2329/QĐ-BGDĐT (ngày 11/7/2017) là Bộ công cụ khảo sát và tài liệu Hướng dẫn triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.

Trước hết, tôi hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ trong mong muốn lắng nghe ý kiến của nhân dân, ở tất cả các lứa tuổi và tầng lớp, về thực trạng họ đang được hưởng dịch vụ giáo dục bao nhiêu năm nay ra sao.  

Benjamin Franklin: “Hoàn thành tốt công việc thì hay hơn nhiều với việc chỉ nói cho hay” – Slideshare.
Benjamin Franklin: “Hoàn thành tốt công việc thì hay hơn nhiều với việc chỉ nói cho hay” – Slideshare.

Theo quan sát cá nhân, đây là một quyết định duy nhất đúng đắn Bộ đã làm được, ít nhất trong 5 năm vừa qua, sau hàng loạt các quyết định và văn bản “phòng lạnh” làm gia đình, nhà trường và xã hội Việt Nam đi hết cơn sốc này đến cơn sốc khác. Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.

Sau khi đọc kỹ các thông tin được công bố và mẫu phiếu khảo sát, xin có vài phản ánh từ thực tiễn, với hy vọng, Bộ sẽ thực sự làm khảo sát nghiêm túc và trung thực, để có được kết quả đúng và đủ, làm cơ sở tư duy về cách mạng giáo dục sắp tới.

Trước khi đi vào những chi tiết, nhận xét về bảng câu hỏi, cách làm khảo sát và bản hướng dẫn làm khảo sát được trình bày ở đây là quan điểm cá nhân của người viết, một người làm nghiên cứu giáo dục hơn 10 năm với các tổ chức giáo dục nước ngoài và tự đặt mình dưới góc độ người dân và học sinh sinh viên Việt Nam, người tham gia khảo sát.

Thứ nhất, ưu điểm rõ nét là hơn 15 năm qua, theo hiểu biết của cá nhân, có lẽ đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo làm khảo sát xã hội diện rộng và công khai để lấy ý kiến người học và phụ huynh, với những trình độ học vấn, thu nhập gia đình, tình trạng cuộc sống rất khác nhau.

Bản khảo sát với 7 trang độ dài, nhiều câu hỏi rất chi tiết. Đây là một điểm cộng cho hoạt động khảo sát và hy vọng, đây sẽ là hoạt động thường xuyên hơn, nhằm giúp Bộ và các nhà làm chính sách hiểu rõ hơn thực trạng giáo dục và tâm tư của người thụ hưởng giáo dục.

Ngoài điểm cộng về tinh thần và bản khảo sát với câu hỏi chi tiết, xin được có mấy nét chính nhận định về hoạt động khảo sát này.

1. Do đây là một khảo sát xã hội diện rộng và làm rất chi tiết, nó đòi hỏi những cán bộ tham gia quản lý khảo sát và cán bộ làm khảo sát trực tiếp hướng dẫn cha mẹ, học sinh ở trường hiểu đúng và làm đúng tinh thần của khảo sát. 

Ai sẽ bấm nút đánh giá Bộ giáo dục? ảnh 2

Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Cụ thể là, khảo sát để tìm kiếm những tâm tư, suy nghĩ “THẬT”.  Điều này khá khó khăn khi nhìn vào thực tế của bản câu hỏi và cách làm mà Bộ đang triển khai, vì những lý do sau:

Bản khảo sát có rất nhiều câu hỏi chia ra nhiều mảng khác nhau trong hệ thống quản lý và vận hành của trường. Nếu đặt vai trò là một phụ huynh, họ chỉ có thể trả lời những câu hỏi nào trực tiếp họ biết và liên quan đến lớp của con họ mà thôi. 

Theo đó, mặc dù ưu điểm là bảng câu hỏi chi tiết, cụ thể, nhưng có thể phải rút ngắn, bởi sẽ không có phụ huynh nào đủ kiên nhẫn trả lời hết tất cả câu hỏi;

Mặc dù khảo sát dưới hình thức “ẩn danh” (không phải kê khai tên họ của phụ huynh và học sinh), nhưng với việc phải liệt kê tên lớp, và việc thực hiện khảo sát qua hình thức giấy tờ và phải nộp lại nhà trường, văn hóa của người Việt “ngại” trong việc cho ý kiến một cách thành thật về môi trường mà con mình, mình vẫn tiếp tục học sẽ là một rào cản lớn cho phản ánh ý kiến được trung thực, chưa kể đến những tác động khác.

Lựa chọn mẫu chỉ định luôn là thách thức trong khảo sát diện rộng, và đặc biệt là trong giáo dục, khi vấn nạn thật – giả trong giáo dục của Việt Nam, được bộc lộ rõ trong câu chuyện về kết quả thi PISA, kết quả học trung bình năm và điểm thi tốt nghiệp phổ thông, hay điểm ngoại ngữ…

Hơn thế, mặc dù trong hướng dẫn có ghi việc lựa chọn mẫu đại diện dựa trên 3 nhóm/tỉnh: nhóm phát triển – trung bình – kém phát triển, nhưng không rõ, việc phân nhóm này dựa trên những tiêu chí nào?

Vì nếu xét dưới góc độ kinh tế (thiếu những tiêu chí về thu nhập gia đình, thực trạng gia cảnh…), nhóm phát triển ở Tây Nguyên có lẽ còn thua xa nhóm kém phát triển ở Cần Thơ. 

Và nếu xảy ra trường hợp khác biệt lớn giữa các nhóm nghiên cứu, cách nào tìm ra tính đại diện?

Ngoài ra, ngay việc hướng dẫn việc chọn 2 trường làm nghiên cứu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho “tương xứng với quy mô học sinh” làm tôi cũng thấy hơi ngần ngại về phương pháp lựa chọn mẫu… vì nó không nêu rõ được là 2 trường được chọn dựa trên tổng số bao nhiêu học sinh.

Chả lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà không có “sẵn” những thông số này?

2. Đo lường khoảng cách giữa rất hài lòng đến rất không hài lòng

Có 2 điểm cơ bản phải nói về vấn đề này.

Ai sẽ bấm nút đánh giá Bộ giáo dục? ảnh 3

Dịch vụ y tế và giáo dục tăng giá như phi pháo, tại sao và đến bao giờ?

Thứ nhất, trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, đã có đủ các quy định về chuẩn của các trường, từ mầm non đến đại học và các hệ đào tạo khác. Liệu cha mẹ và học sinh có biết về những quy định này không?

Lấy ví dụ, con tôi học ở một trường điểm ngay giữa Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cả trường cấp 1 gồm gần 2.000 học sinh, chỉ có 2 nhà vệ sinh dành cho học sinh.

Việc này buộc các cháu hầu hết phải “nhịn tiểu, nhịn đại tiện” gần như cả ngày. 

Điều này rất bất nhẫn cho các học sinh tiểu học, nhất là từ lớp 1 đến lớp 3. Nhưng phụ huynh làm sao có ý kiến, vì bản thân trường khi xây xong đã đạt chuẩn thành phố, mà đã đạt chuẩn thì còn thắc mắc gì?

Vậy, muốn trả lời tất cả các câu hỏi trong bản khảo sát một cách trung thực và công bằng, cho cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh, học sinh, điều quan trọng nhất là phụ huynh và học sinh có biết gì về những văn bản pháp quy điều chỉnh những hoạt động trong trường hay chưa?

Nếu chưa, tất cả những trả lời về rất hài lòng hay chưa hài lòng đều mang “cảm tính”, và thậm chí, sẽ là bất công cho giáo viên và nhà trường, những người không hề được quyết định về cơ sở vật chất hay cơ sở giảng dạy, điều kiện giảng dạy.  

Điều này cần phải xem xét kỹ, đặc biệt cho những khu vực “trắng trường”, đang sử dụng trường lớp tạm…

Chúng ta, đất nước này và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang "nợ" các học sinh, phụ huynh và giáo viên ở những khu vực khó khăn khi họ đang phải học trong những điều kiện quá thiếu thốn… bây giờ đi hỏi là “rất hài lòng hay rất không hài lòng”, có lẽ nên cân nhắc cung cấp mẫu khảo sát riêng dành cho khu vực khó khăn/đặc biệt.

Theo nghiên cứu về đánh giá và đo lường giáo dục qua định lượng ở diện rộng như thế này, đòi hỏi đội ngũ làm dự án, làm trực tiếp khảo sát phải là những chuyên gia giáo dục và được đào tạo về làm khảo sát định lượng. 

Lý do: nếu không hiểu về phương pháp, rất dễ dẫn đến sai lệch kết quả hoặc ý kiến trong khảo sát mang tính áp đặt từ cơ sở. 

Điều này thì dễ lấy ví dụ, như trường hợp phiếu khảo sát “dởm” của trường tiểu học có cô hiệu trưởng ngồi trên xe taxi đâm gãy chân học sinh.

3. Thời gian khảo sát

Có lẽ là chuyện “Cá Tháng Tư” trong văn bản này, vì thời gian khảo sát được xác định từ 1/1/2017 đến 30/12/2017 [1], trong khi ngày ký văn bản là 11/7/2017.  

Điều này làm tôi nhớ đến những yếu tố nghịch lý mà thuận trong các dự án cải cách giáo dục Việt Nam trong hơn 15 năm qua.

4. Cơ cấu thực hiện

Bộ Giáo dục và Đào tạo đúng là cơ quan chủ quản, nên chỉ làm ra văn bản thôi, mọi hoạt động thực hiện sẽ được chuyển về hội đồng “điều tra”… cấp tỉnh, thành phố…

Thứ nhất, dùng từ điều tra là không đúng khi chúng ta đang làm nghiên cứu khảo sát ý kiến nhân dân. Cần sửa lại từ ngữ cho đúng tiếng Việt.

Thứ hai, cá nhân tôi lo ngại nhất về cấu trúc quan hệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp địa phương, vì theo quan điểm của tôi, luôn có sự “đánh bóng chuyền” giữa Bộ và các cấp này, trong mọi hoạt động của giáo dục, đặc biệt là về vấn đề giáo viên. 

Một mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý về chuyên môn và lại là cơ quan “đi xin tiền”, “đi lĩnh tiền” dự án, nên chỉ muốn làm đến phần lĩnh dự án và tiền dự án giải ngân, còn phần còn lại để mặc địa phương xoay. 

Nếu có sai sót, lỗi lầm gì, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất dễ dàng giải trình trước Quốc hội, chứ cũng chưa cần phải giải trình với nhân dân, mặc dù dân là người đóng thuế cho cả Bộ và Quốc hội hoạt động.

Mặt khác, địa phương cũng rất thích việc Bộ Giáo dục và Đào tạo “ủy nhiệm” cho địa phương triển khai phần thực tế ở địa phương, vì địa phương có thể tự “chế” rồi báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Hãy nhìn vào một loạt địa phương “tự nhiên” có điểm thi tốt nghiệp phổ thông cao đột xuất trong năm vừa rồi, để biết tính địa phương và tính không trung thực khi làm dự án ở địa phương.

Thực trạng ở Việt Nam, nói ra ai cũng biết, là dự án ở Trung ương ăn phần ở Trung ương, địa phương ăn ở phần địa phương, xuống đến trường thì quản lý trường ăn phần còn lại. 

Giáo viên đành phải “xoay” với học sinh và phụ huynh, qua các vấn nạn về học thêm dạy thêm...

Với thực trạng này, việc có khảo sát hay không có khảo sát không giúp ích gì nhiều cải thiện môi trường học và hệ thống giáo dục Việt Nam, theo quan điểm cá nhân.

Những điều Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tư duy GẤP trong thực trạng hiện tại:

Ai sẽ bấm nút đánh giá Bộ giáo dục? ảnh 4

Giáo dục có dành cho tất cả?

1. Khảo sát giáo viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện vào tháng 4/2017 hiện nay đang đến đâu?

Trong mọi tình huống, giáo viên là người quan trọng nhất để có thể góp ý cho cải cách giáo dục. Hãy lắng nghe giáo viên đầu tiên!;

2. Mặc dù trong bản khảo sát đã có đủ các cấp đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam, bản thân chiến lược tổng thể về hiện đại hóa giáo dục Việt Nam từ mầm non lên đại học hiện chưa có. 

Có thể thấy một điều đáng buồn trong tư duy của hệ thống lãnh đạo Việt Nam, khi Hội Đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực và Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo cũng chia ra theo cấp học, và không có đủ những đại diện của nhân dân, những tổ chức giáo dục chuyên nghiệp, phi chính phủ và độc lập cần có mặt như những nhân tố đảm bảo tính khách quan và khoa học trong các hoạt động của giáo dục, như một yếu tố bắt buộc. 

Cá nhân tôi không hiểu, lấy ví dụ như Tiến sỹ Phạm Thị Ly. Đây là một tiến sỹ có tiếng về giáo dục đại học, nhưng cùng một lúc, tiến sỹ đại diện và làm việc cho 3 tổ chức đại học, mà hoàn toàn có thể gây mâu thuẫn về lợi ích giữa các tổ chức mà tiến sỹ làm việc và đại diện. 

Vậy, tính minh bạch, công bằng, đại diện đủ lợi ích của các tầng lớp sẽ ở đâu? Chưa nói đến, trong 21 đại diện của Ủy ban quốc gia, có 3 vị đại diện cho đại học ngoài công lập, và cả ba đều đại diện phần lớn cho các trường có hưởng chính sách ưu đãi (dự án hỗ trợ từ ngân sách nhà nước), trong khi, những đại học ngoài công lập, tự thân phấn đấu vươn lên qua bao năm như Thăng Long, Hoa Sen, thì không thấy có ai đại diện. 

Vậy thì, Ủy ban quốc gia, Hội đồng quốc gia nhưng đã có đủ uy tín và đủ tính đại diện cho quyền lợi của tất cả tiếng nói của các mô hình trường, phạm vi trường, và ở những địa phương khác nhau chưa?

3. Một khảo sát diện rộng là tốn kém và mất thời gian rất lớn của cả xã hội và cán bộ. Điều này đòi hỏi phải làm nghiêm túc, trung thực và cẩn trọng, để đảm bảo “tiền mất nhưng tật không mang”. 

Ai sẽ bấm nút đánh giá Bộ giáo dục? ảnh 5

Bốn kiến nghị của giáo viên trước thềm năm học 2017 - 2018

Những ai tham gia quản lý khảo sát chương trình, giám sát chương trình, trực tiếp thực hiện chương trình cần ký cam kết thực hiện đúng nguyên tắc đạo đức và thực hiện trung thực quá trình lấy ý kiến khảo sát nhân dân. 

Đồng thời, cần có văn bản quy định về trách nhiệm của những sai sót hoặc sai phạm nếu có xảy ra trong quá trình thực hiện, để tránh tình trạng, cha chung cùng làm, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm khi phát hiện ra sai sót.

4. Với chia sẻ một vài điểm trên đây, hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban dự án khảo sát nên xem xét cẩn thận lại bản câu hỏi và phương thức thực hiện khảo sát.  

Đồng thời, theo ý kiến cá nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên trực tiếp làm những khảo sát này với địa phương, mà hãy để cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập và phi chính phủ, nhằm đảm bảo được tính khách quan và trung thực của kết quả cuối cùng. 

Chúng ta hiện có đủ các hiệp hội, các viện nghiên cứu phi chính phủ và các tổ chức nước ngoài, những người mà họ có kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta làm nghiên cứu hoặc, ít nhất, làm giám sát độc lập cho khảo sát, để tiết kiệm ngân sách cho nhà nước, với những khảo sát lớn như thế này.

Để kết lại, xin lấy câu của Benjamin Franklin nêu ra “Làm tốt thì hay hơn là chỉ nói tốt”…

Vậy nên, hy vọng và cầu mong khảo sát sẽ là làm tốt, để giúp cho học sinh và nhân dân Việt Nam có cơ hội được học và hành thực sự tử tế, như là quyền của một công dân đúng nghĩa!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://static.giaoducthoidai.vn/uploaded/thuyvt/2017_07_21/2329-qd-bgddt_wajc.pdf  

    Đất Việt