Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, bên cạnh 5 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh), các môn còn lại (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2) là môn học tự chọn.
Tại hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban nhân dân, sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới diễn ra ngày 9/1, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đặt ra băn khoăn rằng, khi học sinh tự chọn môn học liệu có ảnh hưởng đến việc làm của giáo viên?
Những môn học không được học sinh lựa chọn thì giáo viên bộ môn đó sẽ làm gì? Và việc tích hợp một số môn ở cấp Trung học cơ sở liệu có khiến nhiều thầy cô có nguy cơ thất nghiệp?
Về điều này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, khi triển khai thực hiện chương trình mới, với một số môn tích hợp, hay môn tự chọn, đội ngũ giáo viên sẽ có sự dao động không đáng kể. Bởi chương trình mới không bỏ đi môn học nào mà chỉ có sự cơ cấu, sắp xếp lại.
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, khi triển khai thực hiện chương trình mới, với một số môn tích hợp, hay môn tự chọn, đội ngũ giáo viên sẽ có sự dao động không đáng kể. (Ảnh: Thùy Linh) |
Ông Minh cho rằng, giáo viên không nên quá lo lắng, sẽ không có giáo viên nào thiếu việc làm, các thầy cô sẽ được bồi dưỡng để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Việc bồi dưỡng sẽ được Bộ tiến hành online, đảm bảo các thầy cô có thể học tập nâng cao trình độ mọi lúc mọi nơi.
Đồng thời, Bộ sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới…
Còn về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin:
Theo báo cáo của các địa phương về thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học năm 2018, cả nước có 567.012 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 424.757 phòng, tỉ lệ kiên cố 74,9%.
Trong đó: mầm non 64,9%; tiểu học 72,2%; Trung học cơ sở 83,4%; Trung học phổ thông 93,9%.
Tỉ lệ trung bình phòng học/lớp ở bậc mầm non là 0,96, tiểu học 0,89, Trung học cơ sở 0,84, Trung học phổ thông 0,85.
Tỉ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp bậc mầm non 0,63; tiểu học 0,63; Trung học cơ sở 0,71; trung học phổ thông 0,81.
Đối với phòng học bộ môn, cấp Trung học cơ sở có 47.383 phòng/10.582 trường, tỉ lệ 4,5 phòng/trường (trong đó số phòng đáp ứng quy định là 33,135 phòng, đạt tỉ lệ 69,9%); cấp trung học phổ thông có 13.019 phòng/2.463 trường, tỉ lệ 5,3 phòng/trường, trong đó số phòng đáp ứng quy định là 9.968 phòng, đạt tỉ lệ 76,6%.
Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về phòng học, cấp tiểu học đảm bảo yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày.
Cấp Trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn;
Để đảm bảo các yêu cầu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.
Bộ cũng giao các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm, trong đó xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo các mục tiêu.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, đầu tư xây dựng phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ chơi ngoài trời.
Đối với giáo dục tiểu học: Đầu tư xây dựng phòng học (ưu tiên để bảo đảm 1 lớp/phòng), các phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập) và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo), bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Đối với giáo dục Trung học cơ sở và trung học phổ thông, đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chuẩn bị và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Được biết kinh phí thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác cùng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho sự nghiệp giáo dục...
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12. Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”. Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục. |