Ba góp ý về các vấn đề lớn của Luật Giáo dục sửa đổi

29/08/2018 06:53
NHẬT KHOA
(GDVN) - Đề xuất cho học sinh phổ thông không học ngày thứ bảy là hết sức hợp lý nhằm giúp cho các em học sinh được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, học tập…

LTS: Với hơn 20 kinh nghiệm công tác trong ngành giáo dục, cùng mong muốn được đóng góp ý kiến về các chính sách giáo dục, tác giả Nhật Khoa đã đưa ra ba góp ý về các vấn đề lớn của Luật Giáo dục sửa đổi thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 24/8 tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và dự thảo Luật sửa đổi trong đó có vấn đề lương nhà giáo, không thu học phí trung học cơ sở, thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay xét tốt nghiệp, sách giáo khoa, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học...

Hội nghị tổ chức với mục đích lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà giáo, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và các cơ quan hữu quan nhằm hoàn thiện hai dự thảo luật.

Trong 5 vấn đề lớn trên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn nhận được các ý kiến của chuyên gia tâm huyết tiếp tục đóng góp.

Với kinh nghiệm làm công tác giáo dục hơn 20 năm, cùng mong muốn đóng góp ý kiến của bản thân về các chính sách giáo dục, tôi xin được góp ý về 3 vấn đề sau:

Thứ nhất về vấn đề thi trung học phổ thông Quốc gia

Ba góp ý về các vấn đề lớn của Luật Giáo dục sửa đổi ảnh 1Có cần thiết phải bỏ kì thi Quốc gia?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, kỳ thi này hiện nay có ưu điểm rất lớn như tiết kiệm, tiên tiến, khoa học…

Trước đây, học sinh khi hoàn thành chương trình lớp 12 phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sau đó, các em phải tốn kém thời gian, tiền của, công sức để ôn luyện ở các “lò” luyện thi và phải trải qua các kỳ thi đại học, thi cao đẳng, thi trung cấp rất tốn kém, lãng phí, gian khổ, áp lực.

Còn hiện nay ưu điểm của kỳ thi này là học sinh học xong sẽ dự thi mà không phải tốn thời gian luyện thi, không phải trải qua nhiều kỳ thi căng thẳng, tốn kém.

Học sinh không phải đi xa, không có kẹt đường ở các thành phố lớn vào mùa thi, không có tệ nạn “cò” mùa thi, hạn chế tai nạn giao thông khi các em phải đi thi xa, cha mẹ không phải quá lo lắng mất ăn, mất ngủ về việc đi thi của học sinh…

Việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan cũng hạn chế tối đa gian lận trong coi thi (mỗi học sinh trong 1 phòng thi làm mỗi mã đề khác nhau, câu hỏi khác nhau).

Nói chung kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia hiện nay được nhiều hơn mất.

Nhưng, nó cũng bộc lộ hạn chế lớn nhất về quy chế thi và sử dụng kết quả năm học lớp 12 nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông như năm nay hơn 98% cho thấy căn bệnh thành tích quá nặng (đây chính là lý do có nhiều đề xuất bỏ kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia).

Thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông Quốc gia (Ảnh minh họa: TTXVN).
Thí sinh tham dự kì thi trung học phổ thông Quốc gia (Ảnh minh họa: TTXVN).

Kết quả năm học lớp 12 không phản ánh thực chất năng lực học tập của học sinh (các trường địa phương đều cố gắng nâng điểm các em học sinh lớp 12 rất cao), tôi tin rằng nếu tính điểm tốt nghiệp như ngày trước chỉ lấy điểm thi làm căn cứ tốt nghiệp (học sinh đạt khi điểm trung bình các môn thi phải đạt 5,0 trở lên) thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa đến 40%.

Vấn đề bất cập thứ 2 là giao kỳ thi cho địa phương thì các trường đại học không yên tâm về kết quả.

Có nhiều ý kiến phản ánh về kết quả bất thường của các năm trước nhưng chỉ ở năm nay mới phát hiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc.

Việc đưa những học sinh yếu kém vào trường uy tín sẽ tạo ra nguồn nhân lực yếu, kém, gian dối trong tương lai.

Việc loại các em học sinh giỏi chính là bất công lớn (điều này có thể khắc phục triệt để bằng cách tổ chức kỳ thi nghiêm túc, Chính phủ, Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo…xử lý nghiêm sai phạm của các cá nhân).

Tôi xin phép được nêu 2 phương án tổ chức để vừa giữ kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia tại địa phương, vừa phải đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khoa học:

Phương án 1: Vẫn giữ kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia như hiện nay về hình thức, tính chất nhưng thay đổi phương án công nhận tốt nghiệp là điểm thi x 70% (A), điểm trung bình cả năm x 30% (B), để được công nhận tốt nghiệp thì A + B phải đạt 5,0 trở lên (điều này sẽ làm hạn chế việc các trường phổ thông nâng điểm của học sinh lớp 12 và cũng phù hợp với tính chất kỳ thi).

Ba góp ý về các vấn đề lớn của Luật Giáo dục sửa đổi ảnh 3Phương thức tổ chức kỳ thi quốc gia sẽ được giữ ổn định trong 3 năm tới

Vấn đề tiếp theo cần thay đổi là coi thi nghiêm túc, giao nhiều thanh tra, công an hoặc hoán chuyển lãnh đạo, giám thị.

Để hạn chế việc gian lận nâng điểm thì mỗi phòng thi có máy quét dữ liệu sau khi kết thúc bài thi.

Đây là phương án khá hay nhưng nếu làm theo phương án trên quá tốn kém vì phải mua sắm rất nhiều máy quét dữ liệu bài thi và chỉ sử dụng máy cho kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia rồi sau đó cất cả năm thì dễ hư hỏng, lãng phí.

Theo tôi cách tốt nhất là khi kết thúc bài thi sau tối đa 30 phút thì Chủ tịch hội đồng coi thi niêm phong toàn bộ bài thi (ghi rõ thời gian niêm phong) và giao cho cán bộ Thanh tra Bộ Giáo dục ngay sau khi kết thúc bài thi, cán bộ trên tiếp nhận và giao về các điểm chấm thi là các trường đại học.

Phương án 2: Nếu tổ chức theo phương án 1 có khá nhiều điểm tốt nhưng theo tôi sẽ có khá nhiều em không được xét tốt nghiệp, mất đi cơ hội được học tập ở các trường nghề chất lượng cao, cũng như làm chậm cơ hội đi làm việc hay xuất khẩu lao động (yêu cầu phải tốt nghiệp trung học phổ thông) của một số em.

Nó có vẻ chưa phù hợp với vai trò của việc học ở bậc trung học phổ thông là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Theo tôi có thể thực hiện theo phương án, học sinh sau khi hoàn tất việc học lớp 12, đủ điểm quy định về việc lên lớp của lớp 12 (trung bình môn cả năm đạt 5,0 trở lên) thì tiến hành cấp giấy chứng nhận "Đã học xong chương trình lớp 12".

Giấy chứng nhận trên có giá trị trong việc học nghề, trung cấp nếu muốn học lên cao đẳng hay đại học học sinh phải đăng ký dự thi trung học phổ thông Quốc gia.

Xét tốt nghiệp dựa trên trung bình cộng của điểm thi tốt nghiệp, học sinh đạt thì được công nhận tốt nghiệp và dùng kết quả trên làm căn cứ xét tuyển vào cao đẳng, đại học.

Thứ hai là đề xuất cho học sinh phổ thông không học ngày thứ bảy

Thường trực Ủy ban Giáo dục đề nghị cân nhắc không tổ chức dạy học vào thứ Bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông, dành thời gian phù hợp cho các em tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng.

Ba góp ý về các vấn đề lớn của Luật Giáo dục sửa đổi ảnh 4Bậc tiểu học nên bố trí học 9 buổi/tuần

Theo tôi vấn đề trên hết sức hợp lý về việc học tập, nghỉ ngơi cho học sinh, bố trí thời gian chăm sóc con cái, tái tạo sức lao động, học tập…

Có thể dành ngày thứ 7 cho việc hội họp, sinh hoạt hay tổ chức các hoạt động cho giáo viên, cũng như tổ chức các chuyên đề, các buổi trải nghiệm cho học sinh…

Vấn đề bây giờ là phải tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, phòng học đáp ứng đầy đủ vấn đề trên, vấn đề này mong lãnh đạo chính quyền và Bộ Giáo dục quan tâm kịp thời.

Thứ ba là vấn về chính sách giáo viên, sĩ số học sinh

Về chính sách của giáo viên đã có trong các nghị quyết của trung ương về chính sách cho nhà giáo được xếp lương cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, được xếp thang, bảng lương riêng, phù hợp tính chất, mức độ của nghề giáo, vấn đề này không còn phải bàn cãi mà chỉ cần ra nghị quyết về lộ trình thực hiện cụ thể vào thời gian nào.

Về vấn đề tiếp theo là sĩ số học sinh trên lớp tôi nghĩ chúng ta vừa nâng cao việc xây dựng cơ sở vật chất, phòng học đáp ứng cho việc không dạy ngày thứ bảy, thì cũng phải tăng cường cơ sở vật chất cho việc quy định cứng số lượng học sinh trên lớp không quá 35 học sinh.

Mỗi cơ sở giáo dục tối thiểu 15 lớp (nếu không đủ thì phải giải thể, sáp nhập). Sĩ số học sinh quá đông như hiện nay (có nơi có khoảng 69 học sinh/lớp) không thể triển khai hoạt động dạy học, giáo dục hay tiếp cận chương trình mới, tiên tiến.

Trên đây là những góp ý của tôi gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất mong nhận thêm nhiều góp ý thêm của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo và nhân dân cả nước để nền giáo dục ngày càng hoàn thiện, tiên tiến.

Bài viết thể hiện nhận thức, góc nhìn, quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả.

NHẬT KHOA