Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu, thực tế ra sao?

02/07/2017 07:52
Tùng Sơn
(GDVN) - Vấn đề cốt yếu ở đây là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần tạo không khí bình đẳng, giúp cho giáo viên làm tốt công tác chuyên môn, luôn hết lòng với nghề nghiệp

LTS: Trong thời gian qua, vấn đề hồ sơ chuyên môn và sinh hoạt chuyên môn của ban giám hiệu nhà trường đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của rất nhiều độc giả. 

Nhằm nêu ra quan điểm cũng như chia sẻ về vấn đề đang quan tâm, thầy giáo Tùng Sơn đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết của mình. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Hình ảnh minh họa về buổi họp của các thành viên trong tổ (Ảnh: vn.123rf.com)
Hình ảnh minh họa về buổi họp của các thành viên trong tổ (Ảnh: vn.123rf.com)


Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chỉ là thành viên của một tổ.

Khoản 1 điều 16 Điều lệ Trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông và Trường phổ thông nhiều cấp học ban hành theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT quy định: “Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện…được tổ chức thành tổ chuyên môn…”.

Ở đây, ta hiểu tất cả những người trong ban giám hiệu, các thầy cô giáo, viên chức thư viện, viên chức tư vấn học sinh được tổ chức thành các tổ và gọi là tổ chuyên môn (trừ văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế thành tổ văn phòng). Tên riêng của tổ chuyên môn đó gọi theo môn học, chẳng hạn: tổ khoa học tự nhiên, tổ khoa học xã hội…

Điều lệ không quy định hiệu trưởng và phó hiệu trưởng biên chế vào cùng một tổ hay mỗi chức danh vào một tổ. Nhưng thực tế, để thuận lợi trong công tác, thường thì các trường bố trí mỗi chức danh vào một tổ riêng rẽ. 

Như vậy, cách hiểu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cùng một số nhân viên lập một tổ riêng là sai. Bậc trung học thì như vậy, còn bậc tiểu học thì điều lệ không nói đến chuyện đó. Nhưng thực tế, các hiệu trưởng thường biên chế hiệu trưởng vào một tổ, hiệu phó vào một tổ cho thuận lợi công việc.
 
Cần có tư duy cứng và tư duy mềm khi sinh hoạt chuyên môn.

Tư duy cứng ở đây tức là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng cũng là một thành viên trong tổ. Tất cả đều chịu sự điều hành của tổ trưởng.

Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu, thực tế ra sao? ảnh 2

Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu?

 Trong tổ chuyên môn còn có các chức danh khác như: chủ tịch công đoàn, phó bí thư chi bộ, bí thư chi đoàn… Nhưng tất cả đều dưới quyền của tổ trưởng trong sinh hoạt chuyên môn.

Tư duy mềm ở đây là sự dẻo hóa trong hoạt động chuyên môn của tổ. Cương vị tổ trưởng được quyền phân công nhiệm vụ tất cả tổ viên, nhưng không nên phân công tổ viên hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng những công việc như dạy mẫu chuyên đề, trang trí văn phòng tổ, đại diện cho tổ phát biểu ý kiến trong hội nghị cấp trường…

Tóm lại là vì lí do tế nhị mà hạn chế giao nhiệm vụ cho tổ viên là lãnh đạo.

Tư duy mềm còn thể hiện việc thường xuyên sinh hoạt trong tổ chuyên môn. Chẳng hạn, khi thảo luận về phương pháp dạy học, ý kiến của tổ viên hiệu trưởng thường được coi trọng hơn vì có lúc ý kiến đó ta ngầm hiểu là chỉ đạo chuyên môn từ cấp trên.

Nói chung, tư duy cứng và tư duy mềm ở đây được hiểu về cơ bản là tổ viên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bình đẳng như mọi tổ viên khác, nhưng cũng có lúc họ tham gia sinh hoạt chuyên môn với tư cách khác. Tất cả do sự khéo léo của tổ trưởng mà hài hòa trong chuyên môn.

Thực tế hoạt động chuyên môn của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.

Theo quy định, mỗi tuần hiệu trưởng dạy 2 tiết và phó hiệu trưởng dạy 4 tiết. Đúng ra, họ vẫn phải soạn giáo án và theo “tư duy cứng” là phải duyệt giáo án trước khi lên lớp. 

Tuy nhiên, thực tế vẫn có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lên lớp không có giáo án hoặc có giáo án nhưng cũng chẳng ai ký duyệt vì họ là cấp trên.

Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu, thực tế ra sao? ảnh 3

Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra?

Trong sinh hoạt chuyên môn với cương vị tổ viên, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phải cùng sinh hoạt với anh em để thảo luận, tháo gỡ khó khăn trong dạy học, nhưng, nhiều lãnh đạo vẫn vắng mặt trong thảo luận tổ mà chẳng ai dám hỏi.

Về hồ sơ sinh hoạt chuyên môn, tổ viên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải có giáo án, sổ dự giờ, sổ họp tổ sổ điểm cá nhân (để ghi điểm khi lên lớp kiểm tra học sinh)… 

Nhưng, thực tế họ có những sổ sách đó hay không tổ trưởng không biết và cũng không cần biết vì tổ trưởng cũng không dám kiểm tra hồ sơ cá nhân của những tổ viên này.

Tình trạng “cả vú lấp miệng em” tương đối phổ biến.

Nghĩa đen của thành ngữ này là khi đứa bé khóc, mẹ sẽ cho em bé ngậm ti và bú sữa nên phải nuốt cho nhanh kẻo sặc chứ không khóc được nữa…

Thực tế thì người ta sử dụng thành ngữ này để tả cảnh cậy quyền, bác bỏ và ngầm ngăn cấm ý kiến người khác hoặc làm cho người khác sợ hãi không dám ý kiến tiếp nữa. 

Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu, thực tế ra sao? ảnh 4

Giáo viên phản biện, tức thì vào danh sách hâm, chống phá

Trong sinh hoạt ở tổ chuyên môn có tổ viên là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng vậy, vấn đề tranh luận về phương pháp dạy học hay thảo luận kiến thức khó nào đó, tổ viên hiệu trưởng phải luôn cố gắng tạo không khí bình đẳng trong sinh hoạt vì đây là vấn đề chuyên môn, thảo luận để đi đến cái đúng thì phải sôi nổi và khách quan. 

Vậy mà, các tổ viên này nhiều lúc cứ lấy ý kiến chủ quan của mình lấn át ý kiến người khác. Các tổ viên khác thấy vậy cũng đành im lặng vì chân lý “hiệu trưởng cái gì cũng đúng!"
  
“Cả vú lấp miệng em” còn là thói quen của nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong các hoạt động khác. 

Ví dụ: khi chấm báo tường hay văn nghệ, đáng lẽ, phải biết mình chuyên môn nghệ thuật không bằng các giáo viên chuyên mĩ thuật hoặc âm nhạc, nên dựa vào bộ phận đó để xếp thứ tự các tiết mục. Nhưng không, lãnh đạo cứ phán theo cảm quan riêng của mình khiến kết quả các cuộc thi thiếu khách quan…

Như vậy, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cùng các giáo viên được chia thành các tổ chuyên môn như trên đã chỉ rõ. Nhưng, việc đó không quan trọng mà vấn đề cốt yếu là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cần tạo không khí bình đẳng giúp giáo viên say sưa chuyên môn, yêu nghề nghề nghiệp, luôn vững vàng trên hành trình trồng người.

Tùng Sơn