Biên bản sinh hoạt chuyên môn nhớ ghi tên Ban giám hiệu

28/06/2017 08:27
Sông Mã
(GDVN) - Phần lớn, Ban giám hiệu không dự sinh hoạt tổ chuyên môn mà chỉ gửi tên vào biên bản cho đúng thủ tục lại nhận được sự đồng tình của không ít giáo viên.

LTS: Phản ánh thực tế việc sinh hoạt chuyên môn tại các nhà trường hiện nay, tác giả Sông Mã chỉ ra rằng một số Ban giám hiệu không tham dự nhưng vẫn gửi tên và biên bản cho đúng thủ tục.

Việc này được cho là lợi cả đôi đường khi Ban giám hiệu không mất thời gian vào các tổ ngồi dự mà một số tổ chuyên môn cũng cảm thấy thoải mái khi không có ai theo dõi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Sinh hoạt chuyên môn là hoạt động quan trọng của nhà trường.

Thông qua các buổi sinh hoạt ấy, giáo viên sẽ tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho mình thông qua các hoạt động dự giờ, thảo luận, góp ý đồng nghiệp để cùng nhau rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ.

Nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn chủ yếu xoay quanh những vấn đề về thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp và thực thi nhiệm vụ năm học.

Sự có mặt của Ban giám hiệu trong các buổi sinh hoạt chuyên môn là rất quan trọng. (Ảnh minh họa: hanoi.edu.vn)
Sự có mặt của Ban giám hiệu trong các buổi sinh hoạt chuyên môn là rất quan trọng. (Ảnh minh họa: hanoi.edu.vn)

Để việc sinh hoạt tổ chuyên môn trong nhà trường đi đúng hướng, đạt được mục tiêu thì cần thiết phải quản lí, chỉ đạo nội dung này một cách khoa học, chặt chẽ và có những biện pháp quản lí khả thi nhất phù hợp điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, tình hình học sinh trong môi trường sư phạm của nhà trường.

Bởi thế, sự có mặt của Ban giám hiệu trong các buổi sinh hoạt chuyên môn các tổ lại vô cùng quan trọng.

Tuy thế, ở các trường học hiện nay, Ban giám hiệu tham gia sinh hoạt với các tổ chuyên môn chưa thật sự hiệu quả mà chỉ mang tính đối phó là chủ yếu.

Ghi tên vào biên bản

Không phải ngẫu nhiên mà Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quy định chế độ làm việc của Ban giám hiệu các trường phổ thông.

Theo đó, Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, Phó Hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

Khi Ban giám hiệu tham gia giảng dạy ở lớp thì đương nhiên trong các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp tổ (tháng 2 lần) họ cũng phải có mặt để bàn về chuyện chuyên môn, những mặt làm được, chưa làm được.

Từ đó, sẽ cùng giáo viên đưa ra những biện pháp để khắc phục những tồn tại ấy.

Đồng thời, cùng sinh hoạt chuyên môn với các tổ, Ban giám hiệu sẽ nắm bắt sát thực nhất chuyện dạy và học ở trường. Từ đó, sẽ chỉ đạo chuyên môn một cách kịp thời, hiệu quả nhất.

Biên bản sinh hoạt chuyên môn nhớ ghi tên Ban giám hiệu ảnh 2

Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu?

Thế nhưng, dù nắm được những yêu cầu, mục đích của việc Ban giám hiệu sinh hoạt cùng các tổ chuyên môn nhưng trong thực tế rất ít trường học Ban giám hiệu thực hiện đúng điều này.

Mặc dù trong các biên bản họp chuyên môn của các tổ bao giờ cũng có sự hiện diện của Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Một giáo viên ở Đắk Lắk cho biết: “Theo sự phân công của Hiệu trưởng thì Ban giám hiệu sẽ chia ra xuống các tổ chuyên môn cùng tham gia sinh hoạt.

Cụ thể, Hiệu trưởng sinh hoạt cùng tổ 4,5. Phó Hiệu trưởng sinh hoạt cùng tổ 1, 2, 3.

Thế nhưng rất hiếm khi họ đi dự giờ và tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn cùng với tổ. Lý do được đưa ra nhiều nhất là “bận công việc quá!” và kèm theo lời nhắc các tổ trưởng “Nhớ ghi tên tôi vào đấy” ”.

Chuyện không chỉ xảy ra ở một trường, một địa phương.

Người viết bài đã làm cuộc thăm dò với nhiều đồng nghiệp hiện đang dạy ở các trường học trên nhiều vùng miền, họ đều thừa nhận:

Ban giám hiệu trường mình chẳng bao giờ sinh hoạt chuyên môn với tổ nhưng tên của họ đều phải ghi ở ngay hàng đầu tiên trong biên bản cuộc họp”.

Cách làm này chỉ là đối phó phòng khi nhà trường có thanh tra Phòng, Sở về kiểm tra “họ sẽ không có gì bắt bẻ được”.

Trước đây, nhờ kiểu ghi khống thế này nhiều trường học, Ban giám hiệu đã được cấp trên khen ngợi vì luôn sâu sát chuyên môn.

Lợi cả đôi đường

Phần lớn, Ban giám hiệu không dự sinh hoạt tổ chuyên môn mà chỉ gửi tên vào biên bản cho đúng thủ tục lại nhận được sự đồng tình của không ít giáo viên.

Bởi theo cách nói của nhiều người “như thế cho khỏe”, hay “như thế là lợi cả đôi đường”.

Biên bản sinh hoạt chuyên môn nhớ ghi tên Ban giám hiệu ảnh 3

Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra?

Ban giám hiệu không mất thời gian vào các tổ ngồi dự mà một số tổ chuyên môn cũng cảm thấy thoải mái khi không có ai theo dõi, đánh giá hoạt động của tổ mình.

Trong thực tế, ngoài một số tổ chuyên môn thực hiện nghiêm túc việc sinh hoạt theo đúng nội dung, yêu cầu đề ra thì không ít tổ chuyên môn còn sinh hoạt một cách qua loa, sơ sài.

Nếu có Ban giám hiệu dự, đương nhiên sự chuẩn bị cho nội dung cuộc họp, cho tiết dự giờ cũng phải được đầu tư một cách kĩ hơn.

Vì điều này, nhiều giáo viên đã tỏ ra đồng tình với cách làm việc “ghi tên khống vào biên bản” của nhiều Ban giám hiệu mà không hề có sự phản đối hay bức xúc gì xảy ra.

Làm chuyên môn mà xa rời chuyên môn nên không ít Ban giám hiệu chẳng nắm được tình hình học tập và rèn luyện thực sự của học sinh mình ở trường cũng như thiếu đi sự đồng cảm với những áp lực, những vất vả của các thầy cô giáo khi thực hiện nhiều nhiệm vụ bất khả thi từ trên ép xuống.

Do đó, dù muốn, Ban giám hiệu cũng không thể có được sự phản biện thuyết phục.

Cứ đến mỗi đợt thi đua, cầm báo cáo chất lượng học tập của học sinh (do các tổ báo cáo) trên tay, không ít người lại trở thành “thánh nói” ca ngợi tính khả thi, hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học.

Từ đó, họ cùng góp phần đưa ra những “quyết sách” trên mây gây khó khăn cho việc dạy và học của cả giáo viên và các em học sinh.

Sông Mã