Bỏ chấm điểm tiểu học ở vùng cao, làm sao để trẻ biết mình đã học được gì?

09/01/2015 12:42
Xuân Trung
(GDVN) - Một số thầy cô cho rằng, cách đánh giá học sinh như Thông tư 30 vừa qua không quá khó với thành thị, nhưng với vùng cao thì là một vấn đề.

Khó áp dụng ở vùng cao

Thầy Phùng Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Đăk Côi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kom Tum cho biết, việc nhận xét thay cho chấm điểm tiểu học trường đang áp dụng. Tuy nhiên, theo thầy Xuân việc nhận xét thay cho chấm điểm sẽ không đánh giá được mức học sinh giỏi, trung bình và khá, không có sự phấn đấu, cố gắng.

“Thực tế như các trường ở miền núi với những đặc thù riêng, việc nhận xét thay cho chấm điểm có thể không có tính kích thích học sinh. Ngày trước áp dụng chấm điểm, học sinh có thể làm cố để được hơn điểm bạn, nhưng giờ chỉ có mức như là hoàn thành và không hoàn thành…, điều đó không có sự kích thích, ganh đua giữa học sinh này với học sinh kia” thầy Xuân chia sẻ.

Bỏ chấm điểm tiểu học ở vùng cao, làm sao để trẻ biết mình đã học được gì? ảnh 1

Ảnh minh họa. Internet

Cũng theo thầy Xuân, phản ứng của học sinh vùng cao về việc được nhận  xét thay cho chấm điểm trước kia, các em cũng không đoái hoài. Với vùng cao, việc duy trì sĩ số đi học đã là điều may mắn. Nhiều quy định được ban hành có thể phù hợp với học sinh thành  thị, nhưng sẽ không thể phù hợp với học sinh miền núi.

“Nếu để nói về phương pháp dạy học tôi nghĩ cũng phải có hai phương pháp, một của thành phố và một của vùng cao. Có ăn, có ở, có dạy học sinh vùng cao thì chúng ta mới biết được học sinh ở đây như thế nào. Chúng tôi hàng năm đi tập huấn nhưng về địa phương ít khi vận dụng được” thầy Xuân cho hay.

Ý kiến của  thầy Phùng Xuân, mặc dù rất cần sự linh động trong việc đánh giá học sinh, phương pháp dạy học ở đây, nhưng do quy định chung nên trong quá trình tập huấn phải thực hiện đúng chỉ đạo. 

Bỏ chấm điểm tiểu học ở vùng cao, làm sao để trẻ biết mình đã học được gì? ảnh 2Phương pháp dạy học mới đang vướng phải cản trở gì?

(GDVN) - Phương pháp dạy học mới chẳng dễ dàng gì. Nó đòi hỏi tính kiên trì, quyết tâm rất lớn ở giáo viên. Hiện tại, có bao nhiêu thầy, cô giáo làm được?

“Rất cần linh động trong việc đánh giá học sinh tiểu học, có thể một học sinh học yếu, tính toán yếu nhưng em nó đi học thường xuyên thì cũng động viên học sinh đó. Tuy nhiên đánh chung vẫn phải thực hiện đúng tinh thần của Bộ GD&ĐT” thầy Xuân cho hay.

Cô Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Luông, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cho hay, sau một kỳ áp dụng cách đánh giá mới nhận thấy đây là cách đánh giá cũng khá chặt chẽ. Tuy nhiên, cô Hoa than thở rằng áp dụng cái mới khiến các thầy cô giáo “ôm” nhiều sổ sách hơn trước kia. Đối với trường tiểu học Lũng Luông, mặc dù hết học kỳ nhưng điểm chưa được vào vì đang áp dụng cách đánh giá theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, và hiện cũng đang trong quá trình chờ Phòng GD&ĐT tập huấn.

“Theo Thông tư 30, chúng tôi vẫn nhận xét theo tháng, theo tuần với học sinh bình thường, chỉ khác cái là không chấm điểm, nhưng đầu sổ sách lại nhiều lên. So với chấm điểm, việc triển khai nhận xét học sinh đã được tuyên truyền tới từng phụ huynh, các cha mẹ cũng không có ý kiến gì” cô Hoa bày tỏ.

Linh động trong nhận xét, đánh giá

Thực tế, với học sinh miền núi, nhất là những nơi vùng sâu, khó khăn, việc triển khai đánh giá học sinh tiểu học gặp không ít khó khăn. Cô Đinh Thị Hoa chia sẻ, để tránh bỡ ngỡ cho cả trò và thầy thì bên cạnh dòng nhận xét các thầy cô vẫn chấm điểm bình thường. Dòng nhận xét này để giải thích cho điểm số mà thầy cô chấm.

Trước kia, khi áp dụng chấm điểm thì mỗi trường sẽ có 4 đợt kiểm tra định kỳ, nhưng hiện nay khi áp dụng nhận xét thay cho chấm điểm các trường chỉ tổ chức 2 đợt kiểm tra định kỳ. 

Là một trường vùng cao, Trường tiểu học Kim Bon (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đón nhận cách đánh giá học sinh mới như  một sự đổi mới thực sự trong cách dạy và học. Thầy giáo Hà Trọng Nghĩa, hiệu trưởng nhà trường cho biết, Thông tư 30 về đánh giá học tiểu học có nhiều ưu điểm. Sau một kỳ triển khai thực hiện  thấy rằng cách học tập của học sinh khác trước, tránh tình trạng học sinh mặc cảm khi được đánh giá bằng điểm số.

Bỏ chấm điểm tiểu học ở vùng cao, làm sao để trẻ biết mình đã học được gì? ảnh 3Hướng nghiệp: Cha mẹ lúng túng, con “tự bơi”

(GDVN) - Muốn chọn cho con một nghề nghiệp tốt và phù hợp nhưng nhiều cha mẹ lúng túng, “khủng hoảng” vì không có thông tin.

“Đánh giá bằng điểm đôi khi nhiều em học sinh không mong muốn số điểm đó, nhưng với nhận xét sẽ khích lệ và động viên trong quá trình học tập, để các em nhận ra những khiếm khuyết của mình, biết cách vươn lên tốt hơn” thầy Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, đối với vùng cao có cái khó khi thực hiện cách đánh giá mới là  việc phối hợp giữa học sinh và thầy cô khó hơn. Đối với trường Tiểu học Kim Bon, đây là trường 100% học sinh là dân tộc Mông, trường có 11 điểm trường, thầy Nghĩa cho rằng nhiều khi phụ huynh rất khó để tham gia đánh giá cùng cán bộ giáo viên vì cha mẹ ở xa, trình độ có hạn…

“Có những lần thầy cô tuyên truyền về ý thức tự học của học sinh, có vận động cha mẹ các em cùng phối hợp. Ví dụ, thầy cô về tận nhà để phản ánh là con hôm này ngồi trong lớp không nghe giảng, ngồi quay lưng lại với cô, không chịu ra chơi…, vì thế cần sự bảo ban phối hợp giữa gia đình và nhà trường để lần sau các em được tốt hơn. Nhưng, ngay lúc đó cha mẹ học sinh lao thẳng tới con và gõ liên tiếp vào đầu, bảo gõ như vậy mới nhớ lâu” thầy Nghĩa chia sẻ khó khăn về việc áp dụng cách đánh giá mới tại trường mình.

Cũng theo thầy Nghĩa, sau một kỳ thực hiện thì cái khó nhất khi nhận xét học sinh thay cho chấm điểm là việc nhận xét làm sao cho học sinh thấy được lời nhận xét đó ở  mức điểm bao nhiêu để các em cố gắng. Vì ở trường vùng cao nhiều học sinh đọc chưa trôi, chưa hiểu rõ được lời nhận xét của thầy cô thì vai trò của người thầy càng lớn hơn. 

Thầy Hà Trọng Nghĩa cũng cho hay, để linh động trong quá trình nhận xét học sinh tại trường, các thầy cô giáo ngoài lời nhận xét thường có một cuốn sổ tay ghi các mức điểm ngang tầm nhận xét, để cuối kỳ và cuối năm đánh giá được học sinh. 

“Nhưng phần các giáo viên lâu năm, có tuổi vẫn muốn duy trì cách thức chấm điểm như trước vì như vậy sẽ dễ làm hơn, cụ thể hơn. Còn những giáo viên trẻ thì sau khi giải thích, tuyên truyền cũng đã nhận thấy những ưu điểm của cách đánh giá mới” thầy Nghĩa nói.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong cả nước về việc triển khai đánh giá học sinh tiểu học trong giai đoạn cuối kỳ.

Theo đó, sẽ có ba mức nhận xét học sinh tiểu học. Đánh giá học sinh trong quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục khác, những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học, hoạt động giáo dục; xếp loại từng học sinh đối với từng môn học, từng hoạt động giáo dục thuộc một trong hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành.

Với mức độ hình thành và phát triển năng lực: những biểu hiện nổi bật về đặc điểm, sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm năng lực của học sinh; góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh; xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt.

Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: những biểu hiện nổi bật về đặc điểm và sự tiến bộ, mức độ hình thành và phát triển theo từng nhóm phẩm chất của học sinh; góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh; xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt.

Xuân Trung